11:11, 01/11/2019

Tiếng thở dài trên non

Giờ đây, về huyện miền núi Khánh Vĩnh, không còn thấy những bóng nhà dài ẩn hiện, tiếng mã la từ lâu cũng đã ngủ vùi trong tâm thức của người Raglai. Giới trẻ bây giờ chỉ thích nhạc trẻ, nhạc ngoại, để cho những ama, away phải giấu nỗi buồn vào những cánh rừng xa.

Giờ đây, về huyện miền núi Khánh Vĩnh (Khánh Hòa), không còn thấy những bóng nhà dài ẩn hiện, tiếng mã la từ lâu cũng đã ngủ vùi trong tâm thức của người Raglai. Giới trẻ bây giờ chỉ thích nhạc trẻ, nhạc ngoại, để cho những ama, away phải giấu nỗi buồn vào những cánh rừng xa.
 

Vắng bóng nhà dài


Mấy hôm nay trời mưa liên miên, nước thượng nguồn đổ về nên người dân miền cao Khánh Vĩnh không ai buồn lên rẫy. Người già, trẻ nhỏ quây quần bên bếp lửa, đám thanh niên thì tụ tập nghe nhạc ngoại, nhạc trẻ. Trong căn nhà tôn mái thấp, ama Cao Dệ (thôn Bố Lang, xã Sơn Thái) lặng lẽ ngồi vấn thuốc rê, chép miệng thở dài: “Trời này mà có nhà dài, tụ tập anh em làm mấy miếng nai khô, làm vài ché rượu cần thì vui cái bụng”. Chỉ tay về phía ngôi nhà dài bằng bê tông ở Khu tái định cư Bố Lang, ama Cao Dệ chép miệng: “Bây giờ cả xã chỉ còn mỗi cái nhà dài bê tông này thôi. Mà nó cũng không phải là nhà dài của người Raglai, nó giống của người Ê Đê nhiều hơn. Bão năm trước bị tốc mái cũng không ai sửa, để mặc cho gió lùa. Hàng ngày, ngoài mấy đứa nhỏ chơi đùa, người lớn không buồn coi ngó”.

 

Tiếng mã la đã thưa dần trong cuộc sống người đồng bào Raglai.

Tiếng mã la đã thưa dần trong cuộc sống người đồng bào Raglai.


Với người Raglai, nhà dài là hồn cốt, là không gian văn hóa không thể thiếu bao đời. Ở nơi đó từng ghi dấu bao nghi lễ, bao đêm hát Ma Diêng, từ trăng mọc đến khi mặt trời leo lên đỉnh núi. Vậy mà giờ đây, cả huyện miền núi Khánh Vĩnh, hầu như đã vắng bóng nhà dài truyền thống, thay vào đó là những căn nhà cấp 4 mái tôn. Không còn nhà dài, hồn cốt của người Raglai dường như phần nào bị nhạt phai. Không gian để diễn xướng, để tổ chức lễ hội bị mất đi, người Raglai như con hươu, con nai bị mất đi khoảng rừng quen thuộc. Những nét văn hóa đặc trưng ngày ngày bị xói mòn, người con của núi rừng đứng trước nguy cơ bị lai căng nhiều thứ văn hóa xa lạ.


“Giờ muốn tổ chức lễ hội, muốn được nghe hát Ma Diêng cũng làm gì có không gian. Cả xã không có nỗi một căn nhà dài, tiếng mã la muốn ngân vang đêm này qua đêm khác cũng đâu có dễ. Muốn lưu giữ những gì của cha ông để lại lắm nhưng lực bất tòng tâm”, Pi năng Lydin - cán bộ Văn hóa xã Khánh Thượng thở dài khi nói về sự mai một của văn hóa truyền thống. Theo anh Lydin, cả xã Khánh Thượng với hơn 2.000 người Raglai nhưng không còn một căn nhà dài nào cả. Bản thân người dân từ lâu cũng chẳng mặn mà với những nếp nhà sàn được làm từ lồ ô và lá cọ. “Lâu lắm rồi không còn thấy ama, away quây quần bên bếp than hồng kể chuyện xưa cho các cháu. Mà bọn trẻ bây giờ có kể nó cũng đâu nghe. Suốt ngày ưa nhạc sàn, nhạc Hàn, nói chuyện với nhau bằng tiếng Raglai cũng thưa dần”, anh Lydin trầm ngâm.  


Nhạt dần vị Tapai


Trong những ngày này, đi qua các xã miền cao: Liên Sang, Sơn Thái, Khánh Thượng... của huyện Khánh Vĩnh, lúa trên nương cúi đầu, mộng hạt. Ở lưng chừng các dãy Hòn Dù, Hòn Ngang, Apel… chuyển dần sang sắc vàng mùa chín. Nhưng có điều lạ, đã có lúa mới song hầu như không thấy ai làm Tapai (rượu cần) để chia vui cùng xóm làng, dâng lên tổ tiên. Ghé thăm già làng La Trong (thôn Bàu Sang, xã Liên Sang) hỏi chuyện làm rượu, già làng chỉ lắc đầu, thở dài: “Năm nay không làm. Bọn trẻ nó có thèm uống đâu. Ngày Tết đứa nào cũng mua bia uống cho mát, ngày thường thì mua rượu uống cho tiện. Chắc năm nay chỉ làm một ché để dâng tổ tiên thôi”.

 

Những ché Tapai giờ đây không còn giữ hương vị như xưa.

Những ché Tapai giờ đây không còn giữ hương vị như xưa.


Vốn là người làm Tapai nổi tiếng nhất vùng, già làng La Trong rất tự hào về văn hóa của cha ông. Nhắc lại những ký ức xưa cũ, già cười nói: “Nếu lúa rẫy được xem là “hạt ngọc” của trời thì Tapai chính là hiện thân của sự kết tinh trời đất. Được mùa nhưng thiếu Tapai thì coi như mất hết truyền thống ông cha”. Nói đến đây, giọng già làng La Trong chợt chùng lại. Ama buồn vì con cháu giờ không đứa nào muốn làm Tapai. Nhiều lần già làng định truyền lại cách làm rượu cho lớp trẻ để phòng khi về với ông bà còn có người tiếp nối, nhưng không ai chịu học.


Nỗi buồn của già La Trong cũng là lo lắng chung của nhiều lớp người có tuổi người Raglai. Trong ngày vui của làng, tiếng chiêng, tiếng trống bập bùng khắp núi rừng đã không còn. “Men rượu cần dù vẫn chếnh choáng nhưng không còn đằm vị. Giờ đây, văn hóa Raglai ở Khánh Vĩnh đã nhạt đi nhiều. Những mùa rẫy không còn vui như trước. Cúng lúa mới, ăn Tết cũng chỉ làm riêng rẽ từng nhà và ít nhà dùng Tapai dâng lên tổ tiên. Hủ tục thì mình có thể bỏ, nhưng cái hay, cái tốt mình phải cố giữ để con cháu còn nhớ đến truyền thống cha ông”, già Pi Năng Là Chăng (xã Khánh Thượng) than thở.


Nỗi lo mai một văn hóa cha ông


Có một điều lạ, trong hầu hết những cuộc trò chuyện với các ama, away, đã có rất nhiều tiếng thở dài lo lắng. Không chỉ lo về nhà dài, không chỉ sợ nhạt hồn Tapai, những người già còn trăn trở mãi về tiếng mã la. Ngày xưa, gia đình có điều kiện đều có một bộ nhưng bây giờ cả vùng chỉ còn vài bộ đạt âm vực chuẩn theo truyền thống. Tiếng mã la giờ cũng thưa dần trong cuộc sống. Chỉ những dịp lễ, Tết, những người lớn tuổi mới tụ họp, ngân lên điệu mã la, nhấp môi ché rượu cần. Ama Xà Nga (thôn Giang Biên, xã Sơn Thái) bộc bạch: “Giờ tụi trẻ nó không thích nghe cái này nữa, đi khắp nơi chỉ thấy nhạc trẻ, nhạc nước ngoài. Biết chơi thì cũng có đứa biết, nhưng hầu như chẳng ai chơi ngoài chúng tôi. Tục lệ, nghi thức xưa cũng mai một nhiều rồi, mà tôi vẫn tiếc cho tiếng mã la, không biết sau này còn ai chơi nữa”. Nói rồi, ama Xà Nga gọi vài người đến nhà chơi cho chúng tôi nghe những điệu mã la trầm bổng.

 

Căn nhà dài ở Khu tái định cư thôn Bố Lang đã hư hỏng.

Căn nhà dài ở Khu tái định cư thôn Bố Lang đã hư hỏng.


Cũng như mã la, về Khánh Vĩnh, muốn nghe những điệu hát Ma Diêng vui tươi, những màn hát đối đáp trong những ngày vui cũng khó bội phần.

Trong căn nhà nhỏ ở thôn Tà Gộc, xã Khánh Thượng, away Pi Năng Thị Thi lơ mơ hồi tưởng lại những ngày xuân xanh, ngày mà trai gái trong làng khi muốn đến với nhau, bố mẹ hai bên lại cùng nhau cất lên điệu hát Ma Diêng để kết duyên cho hai con. Chất giọng bay bổng, hát hay có tiếng một thời, away Thi từng đạt huy chương vàng với tiết mục Hát ru con tại Liên hoan nghệ thuật quần chúng của tỉnh từ năm 1998. Nhắc lại thời con gái, away như trẻ lại phần nào khi cười nhẹ, nhưng không giấu nét đượm buồn. Có lẽ, những điệu hát này, sau này sẽ không ai hát nữa, khi lứa con cháu không mấy mặn mà với lời hát xưa. “Không biết rồi mai này, khi những lớp nghệ nhân, những người đi trước về trời, những người trẻ sau này có còn nhớ đến những điệu hát Ma Diêng trong những ngày vui; có còn ngân lên điệu mã la trong ngày lễ, Tết giữa rừng núi, bên bếp lửa nhà dài. Rồi, mai này, còn có ai giữ được truyền thống người Raglai”, away Pi Năng Thị Thi lo lắng.


Chiều về trên miền cao Khánh Vĩnh, sương núi bay là là. Giữa mênh mang đại ngàn, những tiếng thở dài của ama Cao Là Trong, Xà Nga, away Pi Năng Thị Thi về sự mai một của văn hóa truyền thống cứ ám ảnh chúng tôi mãi. Nếu không có sự nỗ lực từ nhiều phía, có thể một ngày không xa, nét đặc trưng của người Raglai chỉ còn trong những tư liệu lưu trữ.


ĐÌNH LÂM - VĨNH THÀNH

 


 

Trước thực trạng nét truyền thống văn hóa của người đồng bào Raglai ngày càng mai một, UBND huyện Khánh Vĩnh đã có kế hoạch bảo tồn, gìn giữ. Trong đó, tập trung các nhiệm vụ bảo tồn, gìn giữ và phát huy trang phục, trang sức truyền thống; nghề thủ công; văn hóa ẩm thực, các làn điệu dân ca, các nhạc cụ dân tộc và nghi lễ...

______________________________________



Ông Lê Văn Cường - Trưởng phòng Văn hóa và Thông tin huyện: Công tác bảo tồn nền văn hóa Raglai vẫn còn nhiều khó khăn, dù các kế hoạch, đề án bảo tồn đã được xây dựng. Số lượng nghệ nhân dân gian không còn nhiều; cán bộ phụ trách văn hóa các địa phương thường điều động vị trí khác khi đủ thời gian công tác... Việc tổ chức các lễ hội, nghi lễ hiện chỉ mang tính tự phát trong người dân, cơ quan chức năng chỉ có thể tôn tạo, khuyến khích thêm. Bên cạnh đó, để tổ chức được các lớp dạy, truyền nghề ở các địa phương còn khó vì thiếu kinh phí... Nhưng trăn trở lớn nhất là lớp trẻ người đồng bào Raglai không còn mặn mà với những bản sắc văn hóa truyền thống của dân tộc. Khi thế hệ kế cận không còn muốn tiếp nối nữa, e rằng những nỗ lực bảo tồn cũng “lực bất tòng tâm”.