12:07, 15/07/2017

Khu tưởng niệm chiến sĩ Gạc Ma: Đóa hoa bất tử

Sau 2 năm xây dựng, công trình Khu tưởng niệm chiến sĩ Gạc Ma đã hoàn thành giai đoạn 1. Khu tưởng niệm nổi bật trên triền cát trắng mịn như đóa hoa bất tử tỏa sáng trong sự nghiệp bảo vệ chủ quyền củaTổ quốc…

Sau 2 năm xây dựng, công trình Khu tưởng niệm chiến sĩ Gạc Ma đã hoàn thành giai đoạn 1. Khu tưởng niệm nổi bật trên triền cát trắng mịn như đóa hoa bất tử tỏa sáng trong sự nghiệp bảo vệ chủ quyền củaTổ quốc…


Công trình ý nghĩa


Tháng 7, khu vực bắc bán đảo Cam Ranh, biển trời dường như trở nên trong xanh hơn. Nhiều đoàn thân nhân, cựu binh, học sinh, sinh viên, người dân khắp nơi đến dâng hương, thăm khu tưởng niệm. Sóng gió chan hòa níu giữ bước chân người đến, người đi. Đến với Khu tưởng niệm chiến sĩ Gạc Ma, mọi người đều có chung cảm giác linh thiêng, ấm áp, bình yên lạ thường.

 

Kể từ ngày Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam tổ chức lễ đặt viên đá đầu tiên của công trình, không chỉ các thành viên ban quản lý dự án mà toàn thể những người làm nhiệm vụ ở đây đã nỗ lực làm việc với tinh thần trách nhiệm cao nhất. Đó là điều để họ bày tỏ tấm lòng tri ân những anh hùng liệt sĩ đã hy sinh để bảo vệ quần đảo Trường Sa của Việt Nam. Ông Nguyễn Hòa - Chủ tịch Liên đoàn Lao động tỉnh cho biết, đây là công trình của lòng dân, do đoàn viên công đoàn, cùng nhiều doanh nghiệp và người dân cả nước đóng góp tài chính, trí tuệ, tâm huyết và cả nỗi khát khao được thể hiện sự biết ơn đối với những người đã ngã xuống vì độc lập, tự do của Tổ quốc. Vì vậy, những người đảm nhận trọng trách thi công xây dựng đã cố gắng vượt qua tất cả khó khăn, nỗ lực hoàn thành; để khi người dân, du khách tới đây luôn thấy được cái hồn của một công trình nghệ thuật và truyền cảm hứng cho thế hệ trẻ. Công trình không chỉ là nơi giáo dục ý nghĩa truyền thống mà còn là nơi có ý nghĩa tâm linh, nhắc nhở các thế hệ đời sau không quên sự hy sinh của các chiến sĩ tại Gạc Ma.


Nhà điêu khắc Lâm Quang Nới chia sẻ: “Chưa bao giờ tôi có cảm xúc thiêng liêng, thành kính khi được tạc tượng những chiến sĩ đã anh dũng, bất khuất bảo vệ chủ quyền Tổ quốc như lần này. Tôi không nghĩ đây là việc bình thường, chúng tôi đã gửi hết tình cảm, niềm kính phục, lòng biết ơn sâu sắc vào những bức tượng qua từng nét khắc, chạm trổ vào đá. Các chiến sĩ Gạc Ma đã ngã xuống song họ vẫn sống mãi trong lòng dân tộc”.

 

zzCụm tượng đài “Những người nằm lại phía chân trời” là trái tim của khu tưởng niệm

Cụm tượng đài “Những người nằm lại phía chân trời” là trái tim của khu tưởng niệm

 

Thêm một địa chỉ đỏ


Những ngày này, cùng với cả nước hướng tới kỷ niệm 70 năm ngày Thương binh liệt sĩ, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam chính thức khánh thành Khu tưởng niệm chiến sĩ Gạc Ma để tưởng nhớ, ghi công ơn những anh hùng liệt sĩ đã quyết tử vì Tổ quốc. Khu tưởng niệm sẽ tiếp tục thắp sáng ngọn lửa yêu nước, tinh thần đại đoàn kết toàn dân tộc, giáo dục ý thức tự hào dân tộc. Đồng thời, phát huy truyền thống gìn giữ chủ quyền lãnh thổ quốc gia trong mỗi thế hệ người Việt Nam.

 

Toàn cảnh Khu tưởng niệm chiến sĩ Gạc Ma

Toàn cảnh Khu tưởng niệm chiến sĩ Gạc Ma

 

Khu tưởng niệm được xây dựng trên khu đất rộng hơn 25.000m2, ở phía đông Đại lộ Nguyễn Tất Thành, thuộc khu 2 - Khu du lịch Bắc bán đảo Cam Ranh (huyện Cam Lâm). Khu tưởng niệm gồm 2 phần chính. Phần tượng đài “Những người nằm lại phía chân trời” được xem là trái tim của khu tưởng niệm. Cụm tượng giữa “vòng tròn bất tử” cao 15,15m, trong đó phần bệ đài cao 1,4m, thân tượng cao 13,75m, gồm 9 hình tượng, thể hiện tinh thần hiên ngang bất khuất của những người lính sẵn sàng xả thân để bảo vệ độc lập, chủ quyền của Tổ quốc. Bảo tàng ngầm là nơi bảo quản, lưu giữ những hiện vật liên quan đến cuộc đời và gia đình các liệt sĩ Gạc Ma. Quảng trường Hòa Bình hướng về phía Biển Đông cùng với khu “mộ gió” của 64 liệt sĩ Gạc Ma với đầy đủ họ, tên, địa chỉ… Hệ thống cây xanh, thảm cỏ và ánh sáng được chăm chút kỹ lưỡng.

Đến thăm khu tưởng niệm, chị Trần Thị Thủy - con gái liệt sĩ Trần Văn Phương, đã bật khóc khi nhận ra dáng đứng của người cha. Chị Thủy tâm sự: “Tôi cùng một số người thân của các liệt sĩ hy sinh trên đảo Gạc Ma đã đến đây từ lúc công trình mới khởi công. Có mặt trong tất cả những nghi lễ quan trọng, tôi cảm nhận được tình cảm thiêng liêng của nhân dân cả nước đối với những người nằm lại giữa biển khơi, trong đó có cha tôi. Tôi tin rằng, hôm nay, rồi ngày mai khi những người lính trở về thắp cho đồng đội một nén nhang, ký ức sẽ hiện về, kỷ niệm sẽ được đánh thức. Chúng ta không thể nào quên!”.


Điều đáng quý hơn, khu tưởng niệm được hình thành nhờ sự đóng góp của đoàn viên công đoàn, công nhân, người lao động, các doanh nghiệp, người dân trong nước và kiều bào ở nước ngoài. Tinh thần quyết chiến của những người lính Gạc Ma là bất tử. Đất nước, dân tộc muôn đời tri ân công ơn của những người anh hùng quyết hy sinh giữ đảo. Không chỉ có ở Gạc Ma, trên những vùng biển, đảo Việt Nam đã thấm máu bao lớp cha anh chúng ta hằng dựng xây, gìn giữ. Tất cả những câu chuyện ấy cần được trao truyền một cách chu đáo và có trách nhiệm đến những lớp người đi sau. Khu tưởng niệm chiến sĩ Gạc Ma là một trong những địa chỉ đỏ để gửi gắm những thông điệp thiêng liêng ấy.


“Nghe hồn nước trên đầu ngọn sóng/Nghe trái tim đập vọng Trường Sa…”, lời ca khúc “Vòng tròn bất tử” được cất lên làm lòng người thêm xúc động. Công trình ý nghĩa này như thay lời muốn nói với những người đã ngã xuống, rằng Tổ quốc và nhân dân luôn nhớ về các anh, biết ơn và khắc ghi những hy sinh thầm lặng của các anh, với những tình cảm chân thành và sâu sắc nhất…


VĂN GIANG