11:10, 20/10/2015

Việc từ chối luật sư bào chữa phải đảm bảo khách quan

Để đảm bảo quyền từ chối người bào chữa được thực hiện đúng quy định, điều tra viên phải cùng người bào chữa đó trực tiếp gặp người bị bắt, bị tạm giữ, tạm giam để xác nhận việc từ chối luật sư bào chữa.

Để đảm bảo quyền từ chối người bào chữa được thực hiện đúng quy định, điều tra viên phải cùng người bào chữa đó trực tiếp gặp người bị bắt, bị tạm giữ, tạm giam để xác nhận việc từ chối luật sư bào chữa.


Theo quy định hiện hành, để đảm bảo quyền yêu cầu người bào chữa của người bị buộc tội, đặc biệt là những người bị bắt, bị tạm giam không có điều kiện trực tiếp yêu cầu luật sư bào chữa, Luật Luật sư và Luật Tố tụng hình sự (TTHS) cho phép người thân của người bị buộc tội có quyền yêu cầu luật sư bào chữa cho người thân thích.


Để việc từ chối luật sư, thay đổi luật sư phải đảm bảo tính khách quan trong giai đoạn điều tra, Dự thảo Bộ luật TTHS (sửa đổi) đã quy định cụ thể việc thay đổi hoặc từ chối người bào chữa (Điều 122). Theo đó, mọi trường hợp thay đổi hoặc từ chối người bào chữa phải có sự đồng ý của người bị buộc tội và được lập biên bản để đưa vào hồ sơ vụ án. Tại khoản 2 điều này quy định: Trường hợp người bị bắt, bị tạm giữ, tạm giam trong giai đoạn điều tra có đề nghị từ chối người bào chữa do người thân thích của họ nhờ thì điều tra viên phải cùng người bào chữa đó trực tiếp gặp người bị bắt, bị tạm giữ, tạm giam để xác nhận việc từ chối.


Để đảm bảo tính khách quan trong việc từ chối, thay đổi người bào chữa, tôi cho rằng không cần thiết phải chờ Bộ luật TTHS (sửa đổi) được thông qua và có hiệu lực. Ngay từ thời điểm này, mọi trường hợp từ chối người bào chữa do người thân thích yêu cầu mà cơ quan điều tra thông báo từ chối cấp giấy chứng nhận với lý do người bị bắt, bị tạm giam từ chối người bào chữa, thì điều tra viên phải có trách nhiệm chứng minh, đảm bảo tính khách quan của việc từ chối. Trước khi có văn bản thông báo từ chối, điều tra viên phải cùng người bào chữa đó trực tiếp gặp người bị bắt, bị tạm giam để xác nhận việc từ chối. Có như vậy hoạt động điều tra mới được coi là công khai, minh bạch, đảm bảo quyền con người của người bị buộc tội.


Luật sư khi muốn tiếp xúc với bị cáo trong trại tạm giam, nhà tạm giữ phải tuân thủ các quy định về chế độ thăm gặp quy định tại Điều 22 Quy chế về tạm giữ, tạm giam và Thông tư số 08/2001 của Bộ Công an. Muốn được gặp người bị tạm giam, luật sư phải làm đầy đủ các thủ tục theo quy chế, phải xuất trình Giấy chứng nhận người bào chữa; trường hợp đặc biệt phải có sự đồng ý của của người có thẩm quyền bằng văn bản. Đây là những quy định bằng những văn bản dưới luật có nội dung hạn chế quyền con người, không còn phù hợp với Hiến pháp 2013 và chủ trương cải cách tư pháp, cần sớm bãi bỏ.


Dự thảo Luật Tạm giữ, tạm giam sẽ được trình kỳ họp Quốc hội sắp tới. Theo đó, tôi nhất trí với dự thảo quy định về việc gặp thân nhân, người bào chữa theo hướng: Bỏ quy định việc người bào chữa gặp người bị tạm giữ, tạm giam phải xin phép của cơ quan đang thụ lý vụ án; không bị hạn chế thời gian mỗi lần tiếp xúc. Luật cần phải quy định như vậy mới bảo đảm tốt hơn quyền con người của người bị tạm giữ, tạm giam; đảm bảo luật sư thực hiện được quyền của người bào chữa trong giai đoạn điều tra.


Luật sư Nguyễn Hồng Hà