09:09, 10/09/2015

Góp ý Dự thảo Bộ luật Hình sự (sửa đổi)

Dự thảo Bộ luật Hình sự - BLHS (sửa đổi) dự kiến thay thế tội cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng thành các tội danh cụ thể trong từng lĩnh vực.

Vấn đề 6, 7:

Thay thế tội cố ý làm trái quy định về quản lý kinh tế; trách nhiệm hình sự về tội trộm cắp tài sản dưới 2 triệu đồng


1. Thay thế tội cố ý làm trái quy định về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng


Dự thảo Bộ luật Hình sự - BLHS (sửa đổi) dự kiến thay thế tội cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng thành các tội danh cụ thể trong từng lĩnh vực.


. Bạn đọc có thể góp ý theo hai loại ý kiến:


- Ý kiến đồng tình với Dự thảo BLHS (sửa đổi) vì:


Thứ nhất, quy định này sẽ tăng cường tính minh bạch của BLHS, nhất là khi Việt Nam đang trong quá trình chuyển đổi cơ chế quản lý kinh tế từ cơ chế tập trung sang cơ chế thị trường và hội nhập sâu vào nền kinh tế thế giới, nhiều chính sách kinh tế vừa làm vừa thử nghiệm thì việc duy trì một tội phạm với dấu hiệu cấu thành là “cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng” được coi như là một “trở ngại”, làm nản lòng các nhà đầu tư, nhà quản lý. Do đó, dự thảo dự kiến chuyển dấu hiệu tội phạm của tội cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng (từ cấu thành tội phạm chung) bằng cách rà soát, quy định trong các cấu thành tội phạm cụ thể.


Thứ hai, dự thảo không đặt vấn đề bãi bỏ tội cố ý làm trái các quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng mà chỉ cụ thể hóa hành vi phạm tội này thành các tội danh cụ thể trong từng lĩnh vực để bảo đảm tính công khai, minh bạch của BLHS, tránh sự tùy tiện trong việc áp dụng BLHS để xử lý tội phạm, qua đó góp phần bảo vệ quyền con người, quyền công dân theo tinh thần Hiến pháp mới năm 2013. Theo đó, tội cố ý làm trái các quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng được cụ thể hóa trong 45 tội danh xâm phạm trật tự quản lý kinh tế thuộc 3 nhóm lĩnh vực: 1) sản xuất, kinh doanh, thương mại; 2) thuế, tài chính, ngân hàng, chứng khoán, bảo hiểm; 3) lĩnh vực kinh tế khác. Bên cạnh đó, BLHS cũng có một số điều khoản mang tính chất “cố ý làm trái” trong lĩnh vực bảo vệ môi trường. Ngoài ra, trong chương các tội phạm về chức vụ cũng đã quy định một số tội danh liên quan đến hành vi “cố ý làm trái” của người có chức vụ, quyền hạn như: tội lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ; tội lạm quyền trong khi thi hành công vụ.


- Ý kiến đề nghị cân nhắc chưa nên bỏ tội cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng, vì nếu chúng ta không lường hết được các trường hợp xảy ra, thì có thể dẫn đến tình trạng bỏ lọt tội phạm.


2. Về việc bổ sung trường hợp xử lý hình sự đối với người trộm cắp tài sản có giá trị dưới 2 triệu đồng


BLHS hiện hành quy định trường hợp trộm cắp tài sản dưới 2 triệu đồng mà gây hậu quả nghiêm trọng hoặc đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi chiếm đoạt hoặc đã bị kết án về tội chiếm đoạt tài sản chưa được xóa án tích mà còn vi phạm thì vẫn bị xử lý hình sự. Dự thảo BLHS (sửa đổi) bổ sung thêm trường hợp vẫn xử lý hình sự đối với hành vi trộm cắp tài sản có giá trị dưới 2 triệu đồng là “tuy tài sản bị chiếm đoạt có giá trị dưới 2 triệu đồng nhưng đó lại là phương tiện kiếm sống chính của người bị hại và gia đình họ hoặc có giá trị đặc biệt về mặt tinh thần đối với người bị hại và gia đình họ”.


. Bạn đọc có thể góp ý theo hai loại ý kiến:


- Ý kiến nhất trí với việc bổ sung quy định này để giải quyết những bức xúc của người dân trong thời gian vừa qua đối với những trường hợp trộm cắp tài sản có giá trị không đến 2 triệu đồng nhưng gây ảnh hưởng lớn đến trật tự, an toàn xã hội, ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống mưu sinh hàng ngày của người dân.


- Ý kiến đề nghị giữ nguyên như quy định hiện hành.


LÊ MINH