11:07, 01/07/2022

Sức ép nợ nần

Trước tòa, nghe cha mẹ của N. trình bày khá bình tĩnh, thi thoảng còn nhắc lại là các bị cáo lần lượt tới nhà, nói chuyện khá chừng mực về việc con ông bà thiếu nợ, đề nghị ông bà xem xét trả nợ thay và còn cho lùi hạn trả nợ đến sau Tết, người dự có cảm giác sự việc không nghiêm trọng. Nhưng khi bác của N. lên tiếng, họ mới nhận ra, những lời khai có vẻ bình thường đó chính là phản ứng đề phòng, xuất phát từ sự lo âu sợ hãi mà gia đình bị hại phải chịu đựng bấy lâu.

Trước tòa, nghe cha mẹ của N. trình bày khá bình tĩnh, thi thoảng còn nhắc lại là các bị cáo lần lượt tới nhà, nói chuyện khá chừng mực về việc con ông bà thiếu nợ, đề nghị ông bà xem xét trả nợ thay và còn cho lùi hạn trả nợ đến sau Tết, người dự có cảm giác sự việc không nghiêm trọng. Nhưng khi bác của N. lên tiếng, họ mới nhận ra, những lời khai có vẻ bình thường đó chính là phản ứng đề phòng, xuất phát từ sự lo âu sợ hãi mà gia đình bị hại phải chịu đựng bấy lâu.


Bị cáo N.V.R (sinh năm 1992, trú TP. Nha Trang) bị cáo buộc về tội cưỡng đoạt tài sản. Trước đó, N. vay nợ R. và 2 người khác và thỏa thuận trả lãi hàng tháng. Sau hơn 1 năm thực hiện, N. không còn khả năng trả lãi và lẩn tránh. Không liên lạc được, R. tới nhà gặp cha mẹ N. đề nghị trả nợ thay cho N. Trước tòa, R. giải thích, vì sợ mất tiền nên bị cáo mới bức xúc, hối thúc gia đình, hành động thiếu suy nghĩ. Luật sư thì bào chữa, bị cáo có trình độ văn hóa thấp, gặp cảnh người vay nợ không trả còn tắt điện thoại, lẩn trốn, trong khi khoản vay đến hàng tỷ đồng, tất yếu lo lắng. Sau này, cha mẹ N. đã thương lượng và trả cho R. 500 triệu đồng, nhưng số tiền đó thấp hơn nhiều so với số nợ thực tế. Xót của, bị cáo mới hành xử hồ đồ, khiến bị cáo phải hầu tòa. Vị này cho rằng, cũng cần xem xét trách nhiệm của N. dẫn đến sai phạm của bị cáo R.


Tuy nhiên, người bác của N. khẳng định, ngoài chuyện đến gặp cha mẹ N. yêu cầu trả nợ thay, R. đã nhiều lần tạt sơn vào cổng, tường nhà N. để gây sức ép phải trả nợ. Tuy nói cho giãn hạn trả nợ, nhưng thực tế, cứ vài ngày nhà lại bị tạt sơn. R. còn cho dán nhiều hình của N. quanh nhà anh kèm thông báo “về trả tiền cho tao”. Quá lo lắng, cha mẹ N. mới nhờ ông liên lạc với R., thỏa thuận họ chấp nhận trả nợ thay, trả mỗi chủ nợ 500 triệu đồng, với điều kiện tất cả phải ký cam kết không đến đe dọa nữa và xác nhận N. đã trả hết nợ. Sau khi tất cả đồng ý, cha mẹ N. đã trả đủ tiền, các bên cũng ký giấy tờ. Nhưng sự việc vẫn không dừng lại. Gia đình N. vẫn bị tạt sơn, tạt mắm ruốc… Sau khi ông gặp mặt thống nhất thương lượng, trong lúc gia đình thu xếp tiền trả, nhà ở và nhà hàng của chính ông cũng bị tạt sơn. Chịu không nổi, cha mẹ N. phải bỏ vào TP. Hồ Chí Minh tạm lánh. Quá bức xúc, ông đã trình báo cơ quan chức năng.


Lúc chờ nghị án, một người quen của N. than phiền, N. chỉ vay khi vài triệu, lúc vài chục triệu đồng, cộng dồn chắc khoảng 400 triệu đồng, không hiểu tính lãi kiểu gì mà  nợ tới tiền tỷ.


Sau khi tòa cấp sơ thẩm tuyên phạt 11 năm tù về tội cưỡng đoạt tài sản, bị cáo R. kháng cáo. Tại phiên tòa phúc thẩm, hội đồng xét xử cũng bác bỏ lý do bức xúc vì chưa đòi đủ nợ của bị cáo, bởi lẽ, bị cáo đã chấp nhận thương lượng, tự nguyện đồng ý với các điều kiện trả nợ giùm của gia đình N. và thực tế đã nhận đủ số tiền như thỏa thuận. Ngoài ra, số nợ khủng đó cũng chỉ là lời khai của R. Cấp này còn nghiêm khắc nhấn mạnh, nếu viện lý do bức xúc vì bị thiếu nợ, thì sức ép từ khoản nợ và những hành vi đe dọa liên tiếp đối với gia đình N. còn ghê gớm hơn. Nó đã khiến N. trốn biệt, cha mẹ N. phải bỏ xứ lánh đi nơi khác. Hành vi của bị cáo R. và 2 đối tượng cho vay còn có dấu hiệu của tội cho vay lãi nặng trong giao dịch dân sự và đã được chuyển nguồn tin đến cơ quan chức năng để điều tra giải quyết theo thẩm quyền. Chỉ đến lúc này, R. mới cúi đầu.


TAM THUẬT