10:03, 16/03/2021

Thương… bằng lời nói

Tính đến ngày ra tòa, bị cáo N.M.T (trú thành phố Nha Trang) mới 18 tuổi. Dáng người khỏe mạnh, vẻ mặt sáng sủa, thêm những lời nói bênh vực mẹ, nếu ở hoàn cảnh khác, chắc chắn T. dễ chiếm thiện cảm. Nhưng tại phiên tòa xét xử vụ án giết người, điều đó không còn ý nghĩa.

Tính đến ngày ra tòa, bị cáo N.M.T (trú TP. Nha Trang) mới 18 tuổi. Dáng người khỏe mạnh, vẻ mặt sáng sủa, thêm những lời nói bênh vực mẹ, nếu ở hoàn cảnh khác, chắc chắn T. dễ chiếm thiện cảm. Nhưng tại phiên tòa xét xử vụ án giết người, điều đó không còn ý nghĩa.


Các bị cáo khai nhận, để giải quyết mâu thuẫn với một nhóm thanh niên, nhóm T. đã đi đánh nhóm này. Trên đường đi, gặp 3 thanh niên đi ngược chiều, thấy một người nhìn mình, T. tưởng là nhóm đang mâu thuẫn nên lập tức hô hào đuổi theo. Khi một thanh niên nói T. nhầm người, T. không dừng lại mà chém ngay một nhát vào lưng anh này. 2 thanh niên nhảy xuống xe bỏ chạy, T. lại liên tiếp chém người điều khiển xe. 2 đồng bọn cũng hỗ trợ T. chém đến khi người này gục xuống, thương tích 87%. Thời điểm phạm tội, nhóm của T. chỉ có 1 người vừa qua tuổi 18, 1 người chưa đủ 14 tuổi, T. và 2 bị cáo khác cũng chỉ hơn 14 tuổi.


Thanh minh cho con, mẹ T. nói trong nước mắt và những tiếng nấc nghẹn. Gia đình bà rất khó khăn. Bà đi làm thuê làm mướn, dượng T. đi lượm ve chai. Bà rất biết ơn bị hại nói sẽ viết giấy nhận đủ tiền bồi thường nếu gia đình bà bồi thường được phần tương đối, nhưng cả nhà gom góp mãi mới bồi thường được 1 triệu đồng. Vẫn biết “con dại cái mang”, nhưng mấy trăm triệu đồng bồi thường mà tòa tuyên, nhà bà biết đến bao giờ mới kiếm đủ được… Nói rồi bà lại khóc.


Một vị hội thẩm nghiêm khắc phân tích: Tòa có thể cảm thông với nỗi vất vả của bà. Vì vậy, tuy bà mới bồi thường được chút ít, nhưng tòa vẫn ghi nhận. Tuy nhiên, không thể vì hoàn cảnh mà bỏ qua xem xét trách nhiệm của cha mẹ trong việc nuôi dạy con cái. Bị cáo T. phạm tội khi mới hơn 14 tuổi, cái tuổi cần được cha mẹ quản lý, giáo dục. Việc T. phạm tội có phần trách nhiệm lớn của người mẹ, vì cha bị cáo không còn. Túng thiếu đúng là một nỗi khổ, nhưng còn nỗi khổ của bị hại khi phải đeo đẳng sống với thương tích 87%, đồng nghĩa cả quãng đời còn lại không thể lao động để tự nuôi sống bản thân? Dù phải đi chấp hành án, bị cáo T. vẫn khỏe mạnh để có thể trở về lao động tự nuôi sống bản thân sau khi mãn hạn tù, nhưng bị hại không còn cơ hội tự lao động như thế. Theo thời gian, sức khỏe của bị hại sẽ chỉ ngày càng yếu hơn, trong khi lại chậm nhận được bồi thường để điều trị. Vậy mà bị hại vẫn xin giảm án cho bị cáo; thậm chí còn có thể viết giấy biên nhận đã nhận đủ tiền bồi thường ngay khi chưa nhận đủ, tạo điều kiện giúp T. được xem xét giảm án, ra tù sớm…


Ngó sang mẹ nước mắt lưng tròng, bị cáo T. thở dài rồi xin được nói. Được cho phép, bị cáo bức bối thừa nhận bản thân quá tệ, chơi bời, bỏ học giữa chừng, hung hăng liều lĩnh… Nhưng bị cáo làm thì tự chịu. Bị cáo hứa khi ra tù, nhất định sẽ đi làm kiếm tiền bồi thường đủ cho bị hại. Còn mẹ bị cáo không liên quan, xin đừng đưa mẹ bị cáo vào việc này!


Vẫn biết T. nói vậy vì thương mẹ, muốn “bênh” mẹ, nhưng nếu T. thương mẹ sớm hơn, chắc mẹ T. đã không rơi nước mắt tại tòa, đặc biệt đây chẳng phải lần đầu T. phạm tội. Hình phạt của T. lần này còn phải tổng hợp với hình phạt của 2 bản án trước cùng về tội cướp tài sản. Thương mẹ theo kiểu của T., xem ra chỉ là lời nói gió thoảng.


TAM THUẬT