12:08, 18/08/2018

Chỉ vì chưa thấu hiểu

Vụ án lao động đó đã có cái kết đẹp. Hai bên vui vẻ bắt tay, nói chuyện cởi mở trước khi ra về, khác xa tâm thế bức bối khi họ mới tới tòa.

Vụ án lao động đó đã có cái kết đẹp. Hai bên vui vẻ bắt tay, nói chuyện cởi mở trước khi ra về, khác xa tâm thế bức bối khi họ mới tới tòa.


Mở đầu phiên tòa, nguyên đơn, người từng công tác tại một trường đại học, thừa nhận chưa khi nào thôi biết ơn sự đùm bọc của nhà trường, cũng như không quên những điều kiện thuận lợi mà chính quyền địa phương, ban giám hiệu đã hỗ trợ ông, giúp ông được đào tạo từ cử nhân lên tiến sĩ. Bù lại, ông cũng đã dành mấy chục năm tâm huyết, hết mình cống hiến cho sự nghiệp giáo dục, không chỉ về giảng dạy, mà cả hoạt động phong trào. Vậy nhưng, gần 1 năm sau ngày bảo vệ thành công luận án tiến sĩ và trở về trường, ông không được bố trí làm đúng chuyên ngành mới được đào tạo. Cùng lúc đó, vợ ông không có việc làm, các con đi học xa, bản thân ông đau bệnh. Để hợp lý hóa gia đình và công việc, ông đã xin chuyển công tác đi tỉnh khác, nhưng nhà trường lại gây khó khăn. Ông bày tỏ uất ức khi phải cam kết hoàn trả chi phí hỗ trợ đào tạo tiến sĩ và không nhận trợ cấp thôi việc. Ông chấp nhận viết cam kết và thực hiện chỉ với điều kiện nhà trường ra quyết định cho chuyển công tác đúng hạn để ông được tiếp nhận vào nơi mới. Nhưng nhà trường lại “vi phạm cam kết”, ra quyết định chậm. Vì vậy, ông mới khởi kiện. Tuy ông chưa làm việc đủ thời gian sau khi được đào tạo tiến sĩ nhưng vẫn không phải bồi hoàn chi phí đào tạo do thuộc trường hợp chuyển công tác.


Ngược lại, đại diện nhà trường khẳng định, sau khi nguyên đơn hoàn thành đào tạo tiến sĩ trở về, trường đã bố trí cho ông tiếp tục giảng dạy đúng chuyên ngành cử nhân trước đây, đảm bảo đủ định mức tiết dạy. Việc không bố trí cho ông dạy theo chuyên ngành đào tạo tiến sĩ vì trường chưa thành lập khoa mới đúng chuyên ngành này. Trường đã tạo điều kiện cho vợ ông được kinh doanh tại khu căng tin. Trường yêu cầu bồi hoàn chi phí đào tạo và không trả trợ cấp thôi việc bởi nguyên đơn đã vi phạm cam kết. Chủ trương hỗ trợ đào tạo là nhằm nâng cao chất lượng nguồn nhân lực của tỉnh, do đó mới có yêu cầu cam kết trở về phục vụ cơ quan gấp đôi thời gian được đào tạo. Nhưng nguyên đơn trở về trường được 1 năm đã xin chuyển công tác…


Không khí phiên tòa chỉ dịu dần khi chủ tọa đặt ra từng câu hỏi nhỏ rất dễ hiểu. Qua từng câu hỏi, bên bị đơn mới dần nhận ra, họ hiểu chưa đúng về việc thanh toán trợ cấp thôi việc cho người lao động. Phía nguyên đơn cũng nhận ra, chỉ vì quá tự trọng mà không nhìn nhận điều kiện của nhà trường; lãng quên sự hỗ trợ mà ông được thụ hưởng suốt thời gian qua, kể từ khi được cho đi học đại học tới khi hoàn thành luận án tiến sĩ. Quá trình đó đã cho ông thành quả ngày nay để có điều kiện tìm một nơi làm việc phù hợp hơn với hoàn cảnh riêng…


Đến lúc này, nguyên đơn mới thừa nhận những lưu luyến về tình đồng nghiệp, về giá trị hỗ trợ mà chính quyền, nhà trường mang lại. Ông tự nguyện xin rút nội dung kiện đòi hoàn trả kinh phí đào tạo và tỏ mong muốn vụ kiện này không làm mất đi tình cảm với trường, mong thi thoảng được gặp bạn bè, đồng nghiệp cũ. Đại diện bị đơn cũng bày tỏ nuối tiếc vì quyết định ra đi của nguyên đơn, nhưng cũng mong mỏi nguyên đơn có thể phát huy tốt hơn năng lực bản thân trong môi trường mới, để nhà trường có thể tự hào về giảng viên cũ…


Câu chuyện sau phiên tòa còn rất dài sau khi hai bên cùng đề nghị công nhận sự thỏa thuận. Một người khác cho biết, sau vụ án này, còn có thêm một trường hợp xin chuyển công tác để hợp lý hóa gia đình và đã được nhà trường giải quyết ngay mọi chế độ như hội đồng xét xử đã giải thích. Nhớ lại vụ án này, vị thẩm phán da diết: “Tất cả cũng chỉ vì hai bên chưa thấu hiểu. Khi những bức bối được gỡ bỏ, mọi chuyện đều có thể giải quyết ổn thỏa”.


TAM THUẬT