09:12, 10/12/2020

Ngân hàng giảm lãi suất huy động vốn

Nhiều ngân hàng tiếp tục giảm lãi suất huy động vốn về mức thấp hơn so với nhiều năm trở lại đây. Điều này phù hợp trong bối cảnh tăng trưởng tín dụng từ đầu năm đến nay gặp nhiều khó khăn do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19.

Nhiều ngân hàng tiếp tục giảm lãi suất huy động vốn về mức thấp hơn so với nhiều năm trở lại đây. Điều này phù hợp trong bối cảnh tăng trưởng tín dụng từ đầu năm đến nay gặp nhiều khó khăn do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19.


Nhiều ngân hàng lớn giảm lãi suất tiền gửi


Từ đầu năm đến nay, Vietcombank Chi nhánh Khánh Hòa đã thực hiện 12 lần điều chỉnh giảm lãi suất tiền gửi với tổng mức giảm từ 1% đến 1,5%/năm cho tất cả các kỳ hạn. Lần giảm gần đây nhất vào ngày 4-12. Cụ thể, mức lãi suất tiền gửi hiện nay tại Vietcombank Khánh Hòa đối với kỳ hạn từ 1 tháng đến dưới 3 tháng là 3%/năm; từ 3 tháng đến dưới 6 tháng 3,3%/năm; từ 6 tháng đến dưới 12 tháng 3,9%/năm; 12 tháng 5,6%; trên 12 tháng 5,4%/năm. Bà Hồ Thị Mai Trang - Trưởng phòng Khách hàng doanh nghiệp Vietcombank Khánh Hòa cho biết, việc giảm lãi suất tiền gửi để giảm chi phí vốn đầu vào và tạo ra dư địa giảm thêm lãi suất cho vay; đồng thời nhằm chung tay hỗ trợ, chia sẻ với doanh nghiệp và người dân sớm phục hồi sản xuất kinh doanh do ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 theo chủ trương của Chính phủ và chỉ đạo của Ngân hàng Nhà nước.

 

Khách hàng giao dịch tại Agribank Chi nhánh Khánh Hòa.

Khách hàng giao dịch tại Agribank Chi nhánh Khánh Hòa.


Theo lãnh đạo Agribank Chi nhánh Khánh Hòa, hiện nay, lãi suất huy động bằng Việt Nam đồng của ngân hàng đã giảm 0,2% ở hầu hết các kỳ hạn so với tháng trước. Cụ thể, kỳ hạn từ 1 tháng đến dưới 6 tháng 3,1 - 3,4%/năm; từ 6 tháng đến dưới 12 tháng 4,0%/năm; từ 12 tháng trở lên 5,6%/năm. Theo xu hướng giảm chung của lãi suất huy động, mức lãi suất tiền gửi online trong tháng cũng giảm nhẹ 0,2%/năm. Đây là hình thức ngân hàng khuyến khích khách hàng sử dụng để tăng tính an toàn, tiện lợi, giảm nguy cơ lây lan dịch bệnh trong thời điểm xảy ra dịch Covid-19.


Nhiều ngân hàng lớn khác như: Vietinbank, BIDV… cũng giảm lãi suất huy động vốn ở hầu hết các kỳ hạn, đặc biệt kỳ hạn trên 12 tháng. Theo các ngân hàng, trong bối cảnh kinh tế hiện nay, mặt bằng lãi suất dự kiến sẽ còn tiếp tục giảm nhẹ để kích thích sản xuất kinh doanh và hoạt động tiêu dùng. Tuy nhiên, kênh gửi tiết kiệm vẫn là nơi đầu tư an toàn, được nhiều khách hàng lựa chọn. Do đó, nhiều ngân hàng khuyến cáo khách hàng chọn kỳ hạn từ 6 tháng đến 12 tháng để  hưởng mức lãi suất tốt và đảm bảo sự linh hoạt trong thanh khoản, nắm bắt tốt tín hiệu của thị trường để chuyển đổi kênh đầu tư.


Tạo điều kiện để giảm lãi suất cho vay

 

Theo số liệu của Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh Khánh Hòa, đến cuối tháng 11, huy động vốn toàn tỉnh ước đạt 85.730 tỷ đồng, so với đầu năm giảm 196 tỷ đồng (giảm 0,23%), so với cùng kỳ năm trước tăng 2.196 tỷ đồng (tăng 2,63%). Dư nợ cho vay ước đạt 94.880 tỷ đồng, so với đầu năm tăng 4.775 tỷ đồng (tăng 5,3%), so với cùng kỳ năm trước tăng 6.927 tỷ đồng (tăng 7,88%). 

Việc lãi suất huy động giảm liên tục trong những tháng vừa qua giúp các ngân hàng cơ cấu lại nguồn vốn huy động; đồng thời tạo ra nguồn vốn rẻ, từ đó tạo ra dư địa giảm thêm lãi suất cho vay để hỗ trợ người dân, doanh nghiệp phục hồi sản xuất - kinh doanh những tháng cuối năm. Theo đó, Vietcombank Chi nhánh Khánh Hòa đã nhiều lần điều chỉnh giảm lãi suất cho vay với tổng mức giảm khoảng 1,5 - 2,5%. Cụ thể, lãi suất cho vay sản xuất kinh doanh ngắn hạn đối với cá nhân, doanh nghiệp đang dao động ở mức 3,5% - 7,5%/năm tùy theo kỳ hạn vay (giảm 1,5% - 2,5% so với đầu năm); lãi suất cho vay mua nhà ở, xe ô tô, tiêu dùng chỉ còn 7,5% - 8,6% cố định từ 1 đến 2 năm đầu tiên, các năm sau lãi suất thả nổi theo thị trường (giảm 1,5 - 2% so với đầu năm). Mặt bằng lãi suất huy động giảm cũng tạo điều kiện cho Agribank Chi nhánh Khánh Hòa giảm chi phí đầu vào, chủ động hạ lãi suất cho vay từ 0,5 đến 1,5%/ năm để đồng hành, chia sẻ khó khăn với khách hàng, đặc biệt là các lĩnh vực sản xuất kinh doanh ưu tiên của tỉnh.


Theo các ngân hàng, tuy năm nay gặp nhiều khó khăn nhưng trong những tháng cuối năm, tăng trưởng tín dụng đã có những dấu hiệu khả quan hơn. Nguyên nhân là do các doanh nghiệp, cá nhân trên địa bàn tỉnh đã dần thích nghi với hoạt động sản xuất kinh doanh trong bối cảnh ảnh hưởng của dịch Covid-19; mặt khác, lãi suất cho vay giảm mạnh ở các kỳ hạn dẫn đến nhu cầu đầu tư, mở rộng kinh doanh hay vay tiêu dùng, xây sửa nhà ở cũng nhiều hơn. Hiện nay, các ngân hàng đang chủ động thực hiện nhiều giải pháp tích cực và phù hợp để kích thích nhu cầu tín dụng, trong đó có việc giảm sâu hơn lãi suất cho vay và nhiều gói cho vay ưu đãi.


MAI HOÀNG