11:04, 11/04/2018

Ngành Ngân hàng: Tích cực chung sức xây dựng nông thôn mới

Theo ông Nguyễn Hoài Chiểu - Giám đốc Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh Khánh Hòa, chi nhánh đã chỉ đạo các tổ chức tín dụng trên địa bàn tích cực hưởng ứng thực hiện phong trào thi đua "Cả nước chung sức xây dựng nông thôn mới"

Chú trọng cho vay phát triển nông nghiệp nông thôn

Theo ông Nguyễn Hoài Chiểu - Giám đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Chi nhánh Khánh Hòa, chi nhánh đã chỉ đạo các tổ chức tín dụng (TCTD) trên địa bàn tích cực hưởng ứng thực hiện phong trào thi đua “Cả nước chung sức xây dựng nông thôn mới (NTM)”; cân đối nguồn vốn, đáp ứng kịp thời nhu cầu vốn xây dựng NTM; đầu tư vốn tín dụng ngân hàng để phát huy thế mạnh về sản xuất kinh doanh, phát triển ngành nghề tại các địa bàn nông thôn và địa phương nói chung; gắn việc đầu tư xây dựng NTM với việc triển khai thực hiện Nghị định số 55 của Chính phủ về chính sách tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn.

 

Đường sá khang trang tại xã Diên Toàn (Diên Khánh),  1 trong 9 xã hoàn thành nông thôn mới trong năm 2017.

Đường sá khang trang tại xã Diên Toàn (Diên Khánh), 1 trong 9 xã hoàn thành nông thôn mới trong năm 2017.


Bên cạnh đó, NHNN Chi nhánh Khánh Hòa cũng chỉ đạo các chi nhánh TCTD chủ động tích cực tham gia cho vay vốn thực hiện Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp: cho vay nông nghiệp nông thôn, xây dựng NTM, hỗ trợ giảm tổn thất trong nông nghiệp…; phối hợp với UBND các cấp, các sở, ngành liên quan thực hiện hiệu quả chính sách hỗ trợ của địa phương tại các đề án đổi mới, phát triển các hình thức tổ chức hợp tác trong nông nghiệp trên địa bàn tỉnh đến năm 2020. Đồng thời, khẩn trương triển khai chương trình cho vay khuyến khích phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp sạch theo hướng dẫn của hội sở chính…


Với sự chỉ đạo tích cực của NHNN Chi nhánh Khánh Hòa và sự tham gia hiệu quả của các TCTD, nguồn vốn tín dụng đầu tư cho phát triển kinh tế - xã hội ở khu vực nông thôn, miền núi ngày càng tăng. Cụ thể, đối với cho vay vốn thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM, các chi nhánh TCTD đã chủ động khai thác tối đa nguồn vốn nhàn rỗi trong dân cư, cân đối nguồn vốn để đáp ứng kịp thời nhu cầu vay vốn phát triển nông nghiệp nông thôn nói chung, cho vay các hộ sản xuất và doanh nghiệp để phục vụ chương trình xây dựng NTM nói riêng. Đến cuối năm 2017, dư nợ cho vay phát triển nông nghiệp nông thôn đạt 10.610 tỷ đồng với 39.025 khách hàng còn dư nợ (chưa tính Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh), chiếm tỷ trọng 15,95% tổng dư nợ toàn tỉnh. Các chi nhánh TCTD đã thể hiện vai trò, trách nhiệm trong thực hiện chủ trương đầu tư cho tam nông, đóng góp tích cực cho sự phát triển kinh tế - xã hội cũng như quá trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế của tỉnh. Chất lượng tín dụng cho vay phục vụ phát triển nông nghiệp nông thôn từng bước được nâng lên, tỷ lệ nợ xấu thấp 0,51%, là lĩnh vực đầu tư tín dụng có hiệu quả của các chi nhánh TCTD trên địa bàn. Trong đó, dư nợ cho vay thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM là 3.721 tỷ đồng, chiếm 35,07% dư nợ cho vay phát triển nông nghiệp nông thôn và chiếm 5,59% dư nợ cho vay toàn tỉnh. Ngành Ngân hàng đã phối hợp tích cực triển khai thực hiện nhóm tiêu chí kinh tế và tổ chức sản xuất thông qua các chương trình, dự án cụ thể, góp phần nâng cao thu nhập, giảm tỷ lệ hộ nghèo và phát triển các hình thức tổ chức sản xuất trên địa bàn tỉnh.


Bên cạnh đó, các chi nhánh TCTD cũng dành hàng trăm tỷ đồng để cho vay nông nghiệp theo mô hình liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị, lãi suất ưu đãi với dư nợ đến ngày 28-2 hơn 271 tỷ đồng. Thực hiện hỗ trợ ngư dân vay vốn phát triển thủy sản theo Nghị định số 67 của Chính phủ, các ngân hàng thương mại đã tiếp cận chủ tàu của 46/46 tàu được duyệt, ký hợp đồng tín dụng cho vay 31/46 tàu gồm 28 tàu đóng mới và 3 tàu nâng cấp với số tiền cam kết cho vay gần 292,6 tỷ đồng, đã giải ngân 265 tỷ đồng, dư nợ hơn 256,3 tỷ đồng. Nhờ nguồn vốn vay, các chủ tàu đã hạ thủy và hoạt động khai thác 25 tàu. Các chi nhánh TCTD cũng đã cho vay 5 dự án phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp sạch theo Nghị quyết 30 của Chính phủ với số tiền 130,6 tỷ đồng.


Góp phần giảm nghèo


Đối với cho vay thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững, hoạt động tín dụng chính sách được lồng ghép với chương trình, chính sách phát triển nông nghiệp, nông thôn, phát triển giáo dục, dạy nghề, tạo việc làm nhằm giúp người vay sử dụng vốn vay có hiệu quả, cải thiện đời sống. Đến cuối tháng 3-2018, dư nợ cho vay của Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh đạt 2.411 tỷ đồng, tăng 6,5% so với đầu năm. Đối với cho vay vốn thực hiện Chương trình phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi của tỉnh, đến cuối năm 2017, dư nợ cho vay tại địa bàn các huyện miền núi Khánh Sơn, Khánh Vĩnh đạt 272 tỷ đồng, chiếm 0,4%/tổng dư nợ. Trong đó, dư nợ cho vay đối với mục đích trồng rừng hơn 14,42 tỷ đồng với 111 khách hàng cá nhân, hộ gia đình; dư nợ cho vay trồng, chăm sóc cây công nghiệp gần 62,3 tỷ đồng với 2.047 khách hàng cá nhân, hộ gia đình; dư nợ cho vay hộ dân tộc thiểu số là 10 tỷ đồng với 1.756 hộ.


Nguồn vốn tín dụng đã đáp ứng kịp thời nhu cầu vốn cho sản xuất của các hộ, thúc đẩy ngành nông nghiệp địa phương phát triển, tạo thêm nhiều việc làm cho người dân, góp phần tăng thu nhập, giảm tỷ lệ hộ nghèo của địa phương, điều kiện sống của người dân nông thôn tiếp tục được cải thiện, hạ tầng nông nghiệp, nông thôn tiếp tục được nâng cấp, bộ mặt nông thôn từng bước được đổi mới.


NAM DU