11:01, 24/01/2018

Tháo gỡ vướng mắc cho các ngân hàng

Tại hội nghị triển khai nhiệm vụ của ngành Ngân hàng năm 2018, ông Trần Sơn Hải - Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Khánh Hòa đã chỉ đạo tháo gỡ những vướng mắc cho các ngân hàng.  

 

Tại hội nghị triển khai nhiệm vụ của ngành Ngân hàng năm 2018, ông Trần Sơn Hải - Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Khánh Hòa đã chỉ đạo tháo gỡ những vướng mắc cho các ngân hàng.  


Tháo gỡ vướng mắc


Theo lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Chi nhánh Khánh Hòa, đến nay, UBND tỉnh đã phê duyệt cho 37 khách hàng với 46 tàu (42 tàu đóng mới và 4 tàu nâng cấp) vay vốn theo Nghị định 67 với tổng nhu cầu vốn vay gần 496 tỷ đồng. Các NH thương mại đã tiếp cận chủ tàu của 46/46 tàu được duyệt, ký hợp đồng tín dụng cho vay 31 tàu gồm 28 tàu đóng mới và 3 tàu nâng cấp (2 tàu dịch vụ, 29 tàu khai thác), số tiền cam kết cho vay gần 292,6 tỷ đồng. Trong số đó, có 25 tàu đã hạ thủy và hoạt động tốt. Việc cho vay và giải ngân vốn vay đảm bảo đúng đối tượng, mục đích theo quy định của Nghị định 67 và phê duyệt của UBND tỉnh. 2 NH chủ lực cho vay vốn là Agribank Khánh Hòa và BIDV Khánh Hòa.

 

Giao dịch tại Vietcombank Khánh Hòa.

Giao dịch tại Vietcombank Khánh Hòa.


Theo bà Lâm Thị Nguyệt Oanh - Phó Giám đốc BIDV Khánh Hòa, chi nhánh cho vay 10/28 trường hợp. NH thẩm định kỹ lưỡng và quy trình chặt chẽ, rõ ràng. Tuy nhiên, việc cho vay vất vả, khó khăn chứ không đơn giản khi đã có trường hợp khách hàng không trả được nợ. Việc phát sinh nợ quá hạn có nguy cơ dẫn đến nợ xấu. Vì thế, chi nhánh đề nghị UBND tỉnh chỉ đạo xử lý kiên quyết.


Ông Nguyễn Đình Cường - Phó Giám đốc Agribank Khánh Hòa băn khoăn khi hướng dẫn xử lý khoanh nợ theo Nghị định 55 không quy định rõ ràng mức độ, tỷ trọng như thế nào thì được khoanh nợ. NH cũng lo lắng nhiều trường hợp còn dư nợ và việc khoanh nợ vẫn đang chờ, tài sản đều đã thế chấp, nếu NH cho vay tiếp khi tài sản thế chấp không còn dẫn đến nợ chồng nợ. Theo quy định cho vay phải có vốn đối ứng nhưng thực tế khách hàng bị thiệt hại do bão không còn vốn đối ứng nhưng NH không thể không cho vay. Tuy nhiên, nếu thanh tra, kiểm tra, giám sát thì NH sẽ khó giải trình, vì vậy, cần có cơ chế đặc thù để NH yên tâm, mạnh dạn cho vay. NH cũng đề nghị tỉnh có giải pháp tháo gỡ khi tỉnh chưa có quy hoạch nuôi trồng thủy sản làm cơ sở cho vay vốn; xác nhận mức độ thiệt hại do bão để NH thực hiện thủ tục khoanh nợ theo hướng dẫn.


Ông Nguyễn Hoài Chiểu - Giám đốc NHNN Chi nhánh Khánh Hòa cũng đề nghị tỉnh có chính sách hỗ trợ cấp bù lãi suất từ nguồn ngân sách để NH mạnh dạn cho cá nhân, doanh nghiệp vay khắc phục hậu quả, khôi phục sản xuất sau bão.


Đồng chí Trần Sơn Hải đề nghị NHNN Chi nhánh Khánh Hòa nắm tình hình khắc phục hậu quả do bão và cho vay tiếp của các NH có gì vướng mắc báo cáo tỉnh, NHNN Việt Nam để có báo cáo với Chính phủ. Đối với vấn đề xử lý khoanh nợ theo Nghị định 55, NHNN Chi nhánh Khánh Hòa phải báo cáo NHNN để có hướng dẫn cụ thể tỷ lệ bao nhiêu được khoanh nợ. Về cơ chế cho vay tiếp khi doanh nghiệp đã hết vốn đối ứng, NHNN Chi nhánh Khánh Hòa cũng phải tổng hợp để báo cáo Thống đốc NHNN. Về trường hợp vay vốn theo Nghị định 67 tại BIDV Khánh Hòa đã phát sinh nợ quá hạn, đồng chí yêu cầu NHNN Chi nhánh Khánh Hòa báo cáo cụ thể UBND tỉnh để chỉ đạo xử lý. Về kiến nghị cấp bù lãi suất từ nguồn ngân sách, tỉnh sẽ xem xét cụ thể.


Tín dụng tăng trưởng tốt


Năm 2017, ngành NH đã triển khai kịp thời, đầy đủ các chính sách tiền tệ, tín dụng và các giải pháp tháo gỡ khó khăn hỗ trợ doanh nghiệp phát triển và đã đạt được một số kết quả nổi bật. Huy động vốn đạt 73.832 tỷ đồng, tăng 15,99% so với đầu năm. Tín dụng đạt 66.539 tỷ đồng, tăng 29,06%, tăng trưởng tốt ngay từ đầu năm hỗ trợ tích cực cho tăng trưởng kinh tế địa phương. Mặt bằng lãi suất ổn định, lãi suất cho vay các lĩnh vực ưu tiên tiếp tục giảm 0,5 - 1%/năm. Cơ cấu dư nợ tín dụng dịch chuyển theo hướng tập trung vốn cho sản xuất kinh doanh, phục vụ các ngành, lĩnh vực ưu tiên theo chỉ đạo của Chính phủ, phù hợp với định hướng phát triển kinh tế của tỉnh.


Tín dụng tăng trưởng mạnh và tăng cao hơn nhiều tỷ lệ tăng trưởng huy động vốn. Theo NHNN Chi nhánh Khánh Hòa, nguyên nhân là thị trường chứng khoán phục hồi mạnh, thị trường bất động sản nóng lên đã thu hút lượng tiền lớn đổ vào nên tăng trưởng huy động thấp hơn các năm gần đây. Tuy nhiên, vốn huy động dân cư vẫn chiếm tỷ trọng chủ yếu trong tổng vốn huy động 71,26% và đạt mức tăng trưởng 16,37% cao hơn mức tăng trưởng chung. Vì vậy, ngành NH cần đề ra các giải pháp để đảm bảo cân đối giữa tăng trưởng huy động vốn và cho vay.


Ông Nguyễn Hoài Chiểu cho biết, để đảm bảo nguồn vốn cho vay và đáp ứng nhu cầu thanh toán của khách hàng, NHNN chỉ đạo các chi nhánh tổ chức tín dụng thực hiện các giải pháp: tiếp tục đa dạng sản phẩm huy động vốn nhằm thu hút tối đa nguồn vốn nhàn rỗi trong dân cư; phát triển mạng lưới hoạt động đến khu vực nông thôn, vùng sâu, vùng xa, phù hợp với nhu cầu kinh tế tại địa phương và định hướng kinh doanh của tổ chức tín dụng. Bên cạnh các dịch vụ truyền thống, các tổ chức tín dụng đầu tư công nghệ hiện đại dựa trên ứng dụng công nghệ tin học và viễn thông để mở rộng kênh cung ứng sản phẩm dịch vụ NH, phát triển NH điện tử, đẩy mạnh thanh toán không dùng tiền mặt, tăng khả năng tiếp cận dịch vụ NH của nền kinh tế.


NAM DU