08:48, 23/05/2023

Thị trường quần áo, giày dép: Hàng giả mạo nhãn hiệu vẫn nhiều

KHÁNH HÀ

Thời gian qua, lực lượng chức năng trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa đã tích cực ra quân kiểm tra, kiểm soát thị trường hàng hóa, trong đó có mặt hàng quần áo, giày dép. Qua kiểm tra cho thấy, tình trạng kinh doanh mặt hàng quần áo, giày dép giả mạo nhãn hiệu nổi tiếng trên thế giới và trong nước vẫn phổ biến.

Hàng giả, hàng nhái tràn lan

Lực lượng quản lý thị trường kiểm tra tại cơ sở kinh doanh quần áo
Lực lượng quản lý thị trường kiểm tra tại một cơ sở kinh doanh quần áo.

Hoạt động kinh doanh hàng hóa nói chung và mặt hàng giày dép, quần áo nói riêng trên địa bàn tỉnh diễn ra khá nhộn nhịp; sản phẩm hàng hóa rất đa dạng, phong phú, đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng. Tuy nhiên, bên cạnh sản phẩm của các công ty sản xuất uy tín, đảm bảo chất lượng, tình trạng kinh doanh mặt hàng quần áo, giày dép gắn các nhãn hiệu nổi tiếng trên thế giới đã được bảo hộ tại Việt Nam, như: LV, Hermes, Dior, Chanel, Gucci, Burberry, Adidas, Nike... đang trở nên phổ biến thông qua kênh bán hàng online và các kênh phân phối không chính thống khác.

Tại các chợ truyền thống, như: Xóm Mới, Chợ Đầm, Phước Thái, Vĩnh Hải (TP. Nha Trang)..., các mặt hàng quần áo, giày dép thương hiệu Gucci, Nike, Adidas… được bày bán rất nhiều với giá chỉ từ 100.000 đến 300.000 đồng. Khi được hỏi, người bán cũng không ngần ngại cho biết đây chỉ là những sản phẩm hàng nhái của các thương hiệu nổi tiếng. Chị Mai Liên (phường Lộc Thọ, Nha Trang) vừa mua đôi giày nhãn hiệu Adidas cho biết: “Tuy là hàng nhái, hàng giả nhưng mẫu mã không khác biệt mấy so với hàng thật. Đặc biệt, sản phẩm giá rẻ, phù hợp với thu nhập của tôi”.

Tại các cửa hàng thời trang, những loại quần áo, giày dép nhái nhãn hiệu thời trang nổi tiếng với giá chỉ vài trăm ngàn đồng/sản phẩm cũng được trà trộn bày bán khá phổ biến. Bên cạnh hình thức mua bán trực tiếp, hiện nay, các mặt hàng này được bán khá nhiều qua hình thức trực tuyến. Trước đây, đa số doanh nghiệp sử dụng kênh thương mại điện tử (website) để bán hàng, còn nay nhiều cá nhân, tổ chức lại sử dụng mạng xã hội, như: Facebook, Zalo, TikTok… để bán hàng mọi lúc, mọi nơi.

Tăng cường kiểm tra, xử lý

Thực hiện chỉ đạo của Bộ Công Thương, Tổng cục Quản lý thị trường (QLTT), thời gian qua, Cục QLTT tỉnh đã chỉ đạo các đội QLTT tăng cường công tác quản lý địa bàn, kiểm tra và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm trên địa bàn. Từ đầu năm đến nay, Cục QLTT tỉnh đã phát hiện và xử lý 17 trường hợp vi phạm kinh doanh hàng hóa giả mạo nhãn hiệu, không rõ nguồn gốc xuất xứ. Qua đó, đơn vị đã xử phạt vi phạm hành chính với số tiền hơn 137,5 triệu đồng; tịch thu 290 đơn vị sản phẩm quần áo, giày dép (tổng trị giá hơn 72,6 triệu đồng); buộc tiêu hủy 458 đơn vị sản phẩm giày, tất chân, áo thun mang nhãn hiệu Nike, Adidas, Burberry… trị giá gần 67 triệu đồng. Điển hình như ngày 19-4, qua kiểm tra cơ sở kinh doanh Huy Hoàng (đường Nguyễn Thiện Thuật, phường Lộc Thọ, Nha Trang), Đội QLTT số 1 phát hiện cơ sở đang buôn bán hàng hóa giả mạo nhãn hiệu, gồm: 20 đôi giày gắn nhãn hiệu Nike và 25 áo thun gắn nhãn hiệu Adidas với tổng trị giá 8,9 triệu đồng. Đội đã xử phạt cơ sở số tiền 10 triệu đồng và buộc tiêu hủy toàn bộ hàng hóa vi phạm. Ngày 20-4, kiểm tra cơ sở kinh doanh Phạm Văn Trà (đường Nguyễn Thị Minh Khai, phường Lộc Thọ), đội phát hiện cơ sở đang buôn bán 25 áo thun và 30 đôi tất chân gắn nhãn hiệu Burberry; xử phạt vi phạm hành chính số tiền 16 triệu đồng và buộc tiêu hủy toàn bộ hàng hóa vi phạm.

Theo ông Phạm Ngọc Sơn - Quyền Cục trưởng Cục QLTT tỉnh, bên cạnh kết quả đạt được, việc kiểm tra, xử lý vẫn còn một số khó khăn, vướng mắc nên kết quả chưa như mong đợi. Thời gian tới, Cục QLTT tỉnh tiếp tục tăng cường kiểm tra, giám sát, ngăn chặn và xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân vi phạm quy định của pháp luật trong hoạt động kinh doanh, buôn bán mặt hàng quần áo, giày dép; tăng cường kiểm soát các hành vi lợi dụng sàn giao dịch thương mại điện tử, mua, bán online, mạng xã hội. Đồng thời, nâng cao năng lực công tác cho công chức lực lượng QLTT; tăng cường đào tạo, tập huấn các kỹ năng về nhận diện hàng giả, hàng vi phạm sở hữu trí tuệ, kỹ thuật chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả sử dụng công nghệ cao...; đẩy mạnh hoạt động trao đổi thông tin với các doanh nghiệp, hiệp hội ngành hàng để công tác kiểm tra, xử lý hàng giả, hàng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ đạt hiệu quả. Đơn vị cũng sẽ tăng cường tuyên truyền, phổ biến pháp luật, phát tờ rơi, vận động các cơ sở kinh doanh ký cam kết không kinh doanh hàng nhập lậu, hàng giả, hàng kém chất lượng; thông báo đường dây nóng để kịp thời tiếp nhận tin báo, phản ánh của các tổ chức, cá nhân và người dân về các hành vi vi phạm, góp phần nâng cao ý thức chấp hành pháp luật, hạn chế các hành vi vi phạm trong hoạt động thương mại…

KHÁNH HÀ