09:08, 10/08/2022

Tiêm vắc xin phòng dịch tả heo châu Phi: Tỉnh Khánh Hòa còn đang chờ

Theo thông tin từ Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh Khánh Hòa, đến thời điểm này, tỉnh chưa được phân phối  vắc xin phòng dịch tả heo châu Phi (ASF), những  quảng cáo, kinh doanh một số sản phẩm được cho là vắc xin phòng bệnh ASF là không đúng sự thật. 

Theo thông tin từ Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh Khánh Hòa, đến thời điểm này, tỉnh chưa được phân phối  vắc xin phòng dịch tả heo châu Phi (ASF), những  quảng cáo, kinh doanh một số sản phẩm được cho là vắc xin phòng bệnh ASF là không đúng sự thật. Việc tiêm vắc xin phòng ASF sẽ triển khai trên đàn heo của tỉnh khi vắc xin được phép sử dụng đại trà.


Chưa được phân phối trên địa bàn tỉnh


Theo phản ánh của một số cơ quan báo chí, thời gian gần đây, trên thị trường xuất hiện hình thức quảng cáo, kinh doanh một số sản phẩm được cho là vắc xin phòng bệnh ASF. Tuy nhiên, qua xác minh của cơ quan chuyên môn, các đối tượng buôn bán vắc xin phòng dịch tả heo thông thường, nhưng lại quảng cáo, gây hiểu nhầm cho người chăn nuôi đó là loại vắc xin có khả năng phòng bệnh ASF.

 

Người chăn nuôi ở Cam Lâm chăm sóc heo.

Người chăn nuôi ở Cam Lâm chăm sóc heo.


Trao đổi với chúng tôi, ông Lê Thắng - Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh cho biết, qua theo dõi, nắm bắt từ các trạm thú y, trên địa bàn tỉnh chưa phát hiện loại vắc xin này. Tuy nhiên, chi cục cũng đã trao đổi thông tin và chỉ đạo lực lượng thú ý phối hợp với các địa phương nắm bắt tình hình kinh doanh, tiêu thụ thuốc thú y nói chung, kịp thời phát hiện và ngăn chặn hành vi kinh doanh thuốc thú y không đảm bảo chất lượng, không rõ nguồn gốc. Đồng thời, tăng cường tuyên truyền cho các hộ chăn nuôi biết, đến thời điểm này, trên thị trường tỉnh chưa phân phối vắc xin phòng bệnh ASF. Người chăn nuôi nếu được giới thiệu hoặc phát hiện đối tượng kinh doanh loại vắc xin này có thể báo cho chính quyền địa phương hoặc cán bộ thú y để xác minh, làm rõ.


Chờ vắc xin được phép tiêm đại trà


Qua trao đổi với cơ quan thú y được biết, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã cho phép đưa vào sử dụng trong phạm vi quy định đối với 2 loại vắc xin phòng ASF. Cụ thể là vắc xin NAVET ASF VAC của Công ty Cổ phần Thuốc thú y Trung ương Navetco và vắc xin AVAC ASF LIVE của Công ty TNHH MTV AVAC Việt Nam. Mặc dù đã được cơ quan chức năng cho phép đưa ra thị trường, song đây là vắc xin mới. Do đó, để có thêm các dữ liệu khoa học về an toàn và hiệu quả phòng bệnh ASF trong thực tế, làm cơ sở cho việc sản xuất, phân phối ở quy mô đại trà, cơ quan nhà nước có thẩm quyền đã thống nhất việc sử dụng các vắc xin này theo 2 giai đoạn. Giai đoạn 1, mỗi loại vắc xin được tiêm phòng 600.000 liều tại một số địa phương. Sau quá trình tiêm, cơ quan chuyên môn tổ chức giám sát đủ thời gian quy định, đảm bảo vắc xin an toàn đối với vật nuôi, hiệu quả đối với phòng bệnh mới xem xét cho phép tiếp tục triển khai giai đoạn 2, đó là tiêm phòng đại trà.


Theo ông Lê Thắng, do Khánh Hòa là tỉnh có quy mô chăn nuôi vừa phải, đồng thời đang trong giai đoạn khó khăn về kinh phí nên không đăng ký tham gia tiêm 2 loại vắc xin nêu trên cho đàn heo ở giai đoạn 1. Hiện nay, cơ quan thú y tập trung khuyến cáo người chăn nuôi tuân thủ an toàn sinh học trong chăn nuôi và tổ chức tiêm phòng các bệnh trên đàn gia súc, gia cầm theo kế hoạch. Đến khi các loại vắc xin phòng bệnh ASF qua giai đoạn 1, chi cục sẽ đề nghị các cơ sở chăn nuôi quy mô trang trại tiến hành tiêm phòng vắc xin phòng bệnh ASF theo quy định, đồng thời tham mưu Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn trình UBND tỉnh xem xét chính sách hỗ trợ tiêm phòng vắc xin ASF cho các hộ nuôi nhỏ lẻ.


Hồng Đăng