11:03, 18/03/2021

Hợp tác để phát triển nuôi biển bền vững

Để khai thác tiềm năng, lợi thế về nuôi trồng thủy sản biển (viết tắt là nuôi biển), mới đây, UBND tỉnh Khánh Hòa và Hiệp hội Nuôi biển Việt Nam đã ký kết thỏa thuận hợp tác nhằm thúc đẩy phát triển nuôi biển trên địa bàn tỉnh.

Để khai thác tiềm năng, lợi thế về nuôi trồng thủy sản biển (viết tắt là nuôi biển), mới đây, UBND tỉnh Khánh Hòa và Hiệp hội Nuôi biển Việt Nam đã ký kết thỏa thuận hợp tác nhằm thúc đẩy phát triển nuôi biển trên địa bàn tỉnh.


Chưa phát huy hết tiềm năng


Khánh Hòa có tiềm năng và lợi thế, nên đã sớm trở thành trung tâm nuôi trồng thủy sản lớn của cả nước. Thế nhưng, phát triển nuôi biển của tỉnh vẫn dừng lại ở các đối tượng nuôi chủ lực, gồm tôm hùm và một số loài cá biển. Hiện nay, toàn tỉnh có 60.647 lồng nuôi tôm hùm, sản lượng khoảng 1.500 tấn/năm và hơn 9.000 lồng nuôi cá biển, sản lượng gần 8.300 tấn/năm. Qua nhiều năm phát triển, những bất cập trong nghề nuôi tôm hùm, cá biển đã dần bộc lộ: Công nghệ nuôi lạc hậu, đa số theo kiểu lồng gỗ truyền thống, sử dụng thức ăn tươi, mật độ thả nuôi chưa đảm bảo, môi trường vùng nuôi ngày càng ô nhiễm…

 

Nuôi cá biển bằng lồng chất liệu HDPE có thể chống chịu bão cấp 12 trên vịnh Vân Phong.
Nuôi cá biển bằng lồng chất liệu HDPE có thể chống chịu bão cấp 12 trên vịnh Vân Phong.

 

Ông Nguyễn Trọng Chánh - Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản cho biết, chủ trương của tỉnh là phát triển nhanh lĩnh vực nuôi biển theo hướng sản xuất hàng hóa, hiện đại, đảm bảo an toàn thực phẩm, bảo vệ môi trường. Để thực hiện những vấn đề này, tỉnh tăng cường thu hút công nghệ và vốn đầu tư, phát triển lĩnh vực thủy sản để từ đó đa dạng hóa phương thức nuôi, phù hợp với từng đối tượng; ứng dụng khoa học - công nghệ để tăng năng suất, chất lượng sản phẩm thủy sản. Trong tái cơ cấu ngành nông nghiệp, tỉnh chú trọng phát triển nuôi trồng thủy sản trên biển theo hướng nâng cao giá trị gia tăng, phát triển bền vững.
Theo đó, định hướng cho người dân nuôi các đối tượng nuôi có giá trị kinh tế cao như tôm hùm, các loài cá biển ở vùng biển xa, ven các hải đảo; khuyến khích nuôi bằng hình thức lồng bè công nghiệp, có thể chịu được bão lớn đến cấp 12 trong các vịnh và vùng biển hở. Không chỉ vậy, trong định hướng phát triển nuôi biển giai đoạn tới, tỉnh còn chú trọng gắn phát triển nuôi lồng bè với phát triển du lịch sinh thái, phục vụ du lịch; tổ chức lại sản xuất và xây dựng các chuỗi giá trị đối với các đối tượng thủy sản nuôi; chú trọng liên kết các khâu sản xuất giống, thức ăn, công nghiệp phụ trợ với các khâu nuôi, thu hoạch, chế biến, tiêu thụ…


Để phát triển nuôi biển trong thời gian tới, UBND tỉnh kiến nghị Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ưu tiên các nguồn vốn để tỉnh thực hiện các chương trình, dự án đầu tư cơ sở hạ tầng phục vụ nuôi biển, giống thủy sản nuôi biển; có chính sách hỗ trợ các hộ nuôi chuyển đổi từ lồng nuôi truyền thống sang lồng nuôi bằng nhựa HDPE để thích ứng với biến đổi khí hậu; có chính sách khuyến khích doanh nghiệp đầu tư nuôi trồng thủy sản trên vùng biển từ 3 - 6 hải lý do tỉnh quản lý. UBND tỉnh cũng đề nghị Hiệp hội Nuôi biển Việt Nam hỗ trợ, kết nối các nhà đầu tư đến Khánh Hòa triển khai các mô hình nuôi biển bằng công nghệ tiên tiến, hiện đại; xây dựng các chuỗi giá trị cho sản phẩm nuôi biển chủ lực của tỉnh; hợp tác để thử nghiệm các mô hình nuôi, đối tượng nuôi mới, hiệu quả để từ đó triển khai cho người nuôi ứng dụng…  

 
Hợp tác để phát triển bền vững


Để khai thác tiềm năng, lợi thế phát triển nuôi trồng thủy sản biển của tỉnh, mới đây, UBND tỉnh và Hiệp hội Nuôi biển Việt Nam đã ký kết thỏa thuận hợp tác phát triển nuôi biển bền vững tại Khánh Hòa. Ông Nguyễn Hữu Dũng - Chủ tịch Hiệp hội Nuôi biển Việt Nam cho biết: “Hiệp hội và các đơn vị thành viên mong muốn hợp tác với địa phương để đẩy mạnh phát triển nuôi biển bền vững, nâng cao hiệu quả sản xuất cho ngư dân địa phương”.


Để thực hiện thỏa thuận hợp tác với tỉnh, hiệp hội sẽ tổ chức các chuyên gia hỗ trợ Khánh Hòa đánh giá lại hiện trạng, tiềm năng nuôi biển để tỉnh định hướng sử dụng hợp lý không gian biển; phối hợp để triển khai thực hiện Đề án phát triển nuôi biển theo hướng bền vững trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa đến năm 2030. Bên cạnh đó, Hiệp hội Nuôi biển Việt Nam sẽ hỗ trợ tỉnh cải tiến và chuyển đổi phương thức nuôi biển thủ công trong vịnh và vùng biển của tỉnh; kết nối để xây dựng các mô hình nuôi biển công nghiệp theo hướng bền vững trên địa bàn; tìm kiếm, giới thiệu các đối tác quốc tế để tỉnh thu hút đầu tư, chuyển giao công nghệ nuôi biển tiên tiến; tổ chức các lớp đào tạo công nhân nuôi biển chuyên nghiệp. Ngoài ra, hiệp hội sẽ chủ động phối hợp với tỉnh tổ chức các hội nghị, hội thảo kỹ thuật chuyên ngành về công nghệ mới và quản lý nuôi biển theo hướng bền vững; tổ chức các hoạt động phát triển thị trường nội địa và xuất khẩu…


Theo ông Đinh Văn Thiệu - Phó Chủ tịch UBND tỉnh, việc ký kết thỏa thuận hợp tác với Hiệp hội Nuôi biển Việt Nam sẽ giúp tỉnh khai thác các tiềm năng, đưa ngành nuôi trồng thủy sản biển phát triển theo hướng tích cực, nâng cao giá trị. UBND tỉnh sẽ giao Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp với các sở, ngành, địa phương ven biển trong tỉnh triển khai các công việc cụ thể trong thỏa thuận hợp tác này. Trước mắt, sẽ tập trung xây dựng và tổ chức thực hiện Đề án phát triển nuôi biển theo hướng bền vững trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa đến năm 2030; thực hiện một số mô hình nuôi biển tiên tiến thí điểm ở các vịnh và vùng biển khơi làm cơ sở để nhân rộng nghề nuôi biển công nghiệp gắn với bảo vệ môi trường; tạo điều kiện thu hút các doanh nghiệp trong, ngoài tỉnh đầu tư các cơ sở sản xuất giống quy mô lớn, sản xuất thức ăn công nghiệp, chế tạo các thiết bị, phương tiện nuôi biển công nghiệp, tổ chức hậu cần dịch vụ cho nghề nuôi biển công nghiệp theo hướng bền vững…


HẢI LĂNG