09:01, 17/01/2021

Ngành Nông nghiệp vượt khó

Giữa nhiều khó khăn, năm 2020, ngành Nông nghiệp tỉnh Khánh Hòa vẫn có những điểm sáng đáng ghi nhận. Năm 2021, ngành tập trung chuyển dịch cây trồng, ổn định chăn nuôi và nuôi trồng thủy sản.

Giữa nhiều khó khăn, năm 2020, ngành Nông nghiệp tỉnh Khánh Hòa vẫn có những điểm sáng đáng ghi nhận. Năm 2021, ngành tập trung chuyển dịch cây trồng, ổn định chăn nuôi và nuôi trồng thủy sản.


Chuyển dịch nông nghiệp


Năm qua, hoạt động nông nghiệp tiếp tục có sự chuyển dịch khá mạnh mẽ. Theo báo cáo của Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật, năm 2020, toàn tỉnh đã chuyển đổi được 651ha cây trồng. Trong đó, có 526ha diện tích đất trồng cây hàng năm và cây lâu năm kém hiệu quả được nông dân chuyển sang trồng cây ăn trái như: Sầu riêng, mít, bưởi, xoài… Đối với cây hàng năm, do nắng hạn nên diện tích gieo trồng chỉ đạt 62.585,5ha, giảm 22% so với năm 2019.

 

Cơ quan thú y kiểm tra công tác phòng dịch trên đàn heo của 1 hộ nuôi ở Cam Lâm.

Cơ quan thú y kiểm tra công tác phòng dịch trên đàn heo của 1 hộ nuôi ở Cam Lâm.


Với chăn nuôi, dịch bệnh trên đàn gia súc, gia cầm đã được khống chế nên có sự phát triển ổn định. Một số ổ dịch nhỏ trên đàn heo, gà đều được người dân, cơ quan chuyên môn và chính quyền địa phương nhanh chóng khống chế, dập dịch, thiệt hại do dịch bệnh vì thế được giảm thiểu. Điều này giúp cho tổng đàn gia súc, gia cầm duy trì ở mức cao, trong đó đàn trâu bò 83.000 con, gia cầm gần 3 triệu con và hơn 270.000 con heo. Đặc biệt, hoạt động chăn nuôi hiện nay đã chuyển dịch sang những trang trại chăn nuôi hiện đại, đáp ứng yêu cầu vệ sinh thú y; quy mô đàn mỗi trại lên tới hàng nghìn con heo và hàng chục nghìn con gia cầm. Tỷ lệ nuôi heo quy mô trang trại đã chiếm hơn 70% tổng đàn.


Với thủy sản, cùng với việc chăm lo cho hoạt động nuôi trồng, đánh bắt, năm qua, các nhiệm vụ khắc phục cảnh báo của Ủy ban châu Âu về chống khai thác hải sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định được ngành Nông nghiệp đẩy mạnh. Nhiều doanh nghiệp, cá nhân đã mạnh dạn đầu tư vào nuôi biển theo hướng công nghiệp, hiện đại. Theo ông Nguyễn Trọng Chánh - Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản, năm 2020, cả trong đánh bắt và nuôi trồng thủy sản đều phải đối diện với thời tiết không thuận lợi, dịch bệnh thủy sản vẫn còn xảy ra và những khó khăn trong ngư trường khai thác. Tuy nhiên, với sự nỗ lực của ngành và ngư dân, sản lượng thủy sản của Khánh Hòa đạt hơn 110.000 tấn, tăng 1,7% so với năm trước, trong đó sản lượng thủy sản khai thác là 97.000 tấn.


Về nông thôn mới, đến nay, hoạt động thẩm định kết quả năm 2020 vẫn đang gấp rút hoàn thành, nhưng nhiều khả năng toàn tỉnh sẽ có thêm 7 xã nông thôn mới, nâng tổng số xã nông thôn mới lên 56/92 xã; Nha Trang hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới.


Tiếp tục thúc đẩy nông nghiệp phát triển


Tại hội nghị tổng kết năm 2020 và triển khai nhiệm vụ năm 2021 của ngành Nông nghiệp mới đây, đồng chí Đinh Văn Thiệu - Phó Chủ tịch UBND tỉnh đề nghị ngành Nông nghiệp trong năm 2021 và những năm tiếp theo tập trung nghiên cứu để chọn, xây dựng một số sản phẩm nông nghiệp thế mạnh phát triển theo hướng hàng hóa. Nông sản của Khánh Hòa đang được thị trường đánh giá cao về chất lượng và tính độc đáo nhưng lại chưa được sản xuất, chế biến, tiêu thụ theo mô hình hàng hóa. Nông nghiệp vẫn đang chủ yếu làm ra những gì mình có, thay vì sản xuất ra các sản phẩm thị trường cần.


Hiện nay, UBND tỉnh tập trung xây dựng quy hoạch tổng thể kinh tế - xã hội, trong năm 2021 sẽ hoàn thành, trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, thông qua, trong đó bao gồm quy hoạch ngành Nông nghiệp. Đây là cơ sở cần thiết để thúc đẩy kinh tế nông nghiệp phát triển hơn nữa. Một mục tiêu đặc biệt quan trọng, có tính chất quyết định đến bức tranh nông nghiệp trong những năm tới, đó là Khánh Hòa đặt mục tiêu nâng sức chứa của các công trình thủy lợi lên thành 500 triệu m3 vào năm 2025 thay vì 250 triệu m3 như hiện nay. Mục tiêu này đang được cụ thể hóa bằng việc đầu tư xây dựng các hồ chứa nước lớn, chẳng hạn như dự án Hồ chứa nước sông Chò (huyện Khánh Vĩnh) đang thi công có sức chứa lên tới 110 triệu m3; dự án Xây dựng hệ thống đường ống cấp nước tưới cho 4.000ha xoài ở huyện Cam Lâm… sẽ là các hạng mục có tính chất đánh thức nhiều vùng trồng trọt trước đây chưa phát triển xứng tầm do chưa chủ động được nước tưới.


Theo ông Lê Tấn Bản - Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, năm 2021, ngành tiếp tục đẩy nhanh chuyển dịch cơ cấu nông nghiệp và kinh tế nông thôn; rà soát, điều chỉnh, bổ sung kịp thời và triển khai hiệu quả các đề án, chương trình trọng tâm như: Chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi; xây dựng cánh đồng lớn; kinh tế hợp tác...


Hồng Đăng