11:10, 13/10/2020

Xuất khẩu cá ngừ vào châu Âu tăng mạnh

Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU (Hiệp định EVFTA) có hiệu lực từ ngày 1-8 đã mở ra cơ hội xuất khẩu cá ngừ Việt Nam sang thị trường EU, kim ngạch xuất khẩu cá ngừ đã tăng mạnh trong 2 tháng gần đây. Tuy nhiên, để được hưởng ưu đãi về thuế quan, các sản phẩm cá ngừ của Việt Nam phải đáp ứng những yêu cầu ngày càng cao của thị trường này.

Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU (Hiệp định EVFTA) có hiệu lực từ ngày 1-8 đã mở ra cơ hội xuất khẩu cá ngừ Việt Nam sang thị trường EU, kim ngạch xuất khẩu cá ngừ đã tăng mạnh trong 2 tháng gần đây. Tuy nhiên, để được hưởng ưu đãi về thuế quan, các sản phẩm cá ngừ của Việt Nam phải đáp ứng những yêu cầu ngày càng cao của thị trường này.


Cơ hội lớn


Theo ông Rubén Saornil Mínguez - Phó Trưởng Văn phòng Thương mại Tây Ban Nha tại Việt Nam, Hiệp định EVFTA mở ra cơ hội lớn cho thủy sản Việt Nam vào thị trường châu Âu. Đối với ngành thủy sản, việc xóa bỏ thuế quan trong EVFTA tạo cơ hội lớn cho xuất khẩu. Cụ thể, EU sẽ xóa bỏ thuế quan đối với 86,5% kim ngạch xuất khẩu thủy sản của Việt Nam trong 3 năm; 90,3% trong vòng 5 năm và 100% trong vòng 7 năm. Đối với cá ngừ đóng hộp, EU dành cho Việt Nam hạn ngạch thuế quan 11.500 tấn/năm.

 

 Lãnh đạo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và UBND tỉnh tham quan dây chuyền sản xuất sản phẩm cá ngừ xuất khẩu sang EU của Công ty TNHH Hải Vương (Khu Công nghiệp Suối Dầu).

Lãnh đạo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và UBND tỉnh tham quan dây chuyền sản xuất sản phẩm cá ngừ xuất khẩu sang EU của Công ty TNHH Hải Vương (Khu Công nghiệp Suối Dầu).


Tận dụng cơ hội mở ra từ Hiệp định EVFTA, Công ty TNHH Hải Vương đã tiên phong trong đầu tư, đổi mới công nghệ chế biến, xuất khẩu cá ngừ đạt chuẩn sang thị trường EU. Theo lãnh đạo công ty, tổng kim ngạch xuất khẩu của đơn vị trong 9 tháng năm 2020 đạt 181 triệu USD, trong đó thị trường EU đạt 46,8 triệu USD, bình quân 5,2 triệu USD/tháng. Từ khi Hiệp định EVFTA có hiệu lực, giá trị xuất khẩu trong tháng 8 và 9 của công ty sang EU đạt 16 triệu USD, bình quân 8 triệu USD/tháng, tăng 1,5 lần so với bình quân các tháng đầu năm.


Theo ông Lê Hữu Hoàng - Phó Chủ tịch UBND tỉnh, nghề khai thác cá ngừ đại dương của tỉnh đã phát triển khá nhanh trong thời gian qua, cả về số lượng tàu cá, sản lượng khai thác và kim ngạch xuất khẩu, mở ra hướng đi đầy triển vọng cho hoạt động khai thác xa bờ. Hiện nay, toàn tỉnh có đội tàu khai thác cá ngừ hơn 550 chiếc, tổng sản lượng khai thác trung bình hàng năm đạt 3.800 tấn cá ngừ vây vàng, mắt to và 24.500 tấn cá ngừ khác. Trong số 44 doanh nghiệp chế biến xuất khẩu thủy sản đạt tiêu chuẩn ngành, có nhiều doanh nghiệp lớn như: Công ty TNHH Hải Vương, Công ty TNHH Hải Long, Công ty Cổ phần Vịnh Nha Trang… Các sản phẩm thủy sản xuất khẩu đến 64 thị trường trên thế giới, trong đó EU là một trong những thị trường trọng điểm, sản phẩm từ cá ngừ là sản phẩm xuất khẩu chủ lực. Hiệp định EVFTA có hiệu lực đã mở ra cơ hội lớn cho xuất khẩu cá ngừ của các doanh nghiệp trong tỉnh sang thị trường EU. Thực tế, sản lượng xuất khẩu cá ngừ sang EU đã tăng mạnh trong 2 tháng gần đây sau khi hiệp định có hiệu lực.


Cần đảm bảo yêu cầu của thị trường


Tuy có nhiều triển vọng trong xuất khẩu thủy sản nói chung và cá ngừ nói riêng sang thị trường EU nhưng để được hưởng các ưu đãi về thuế quan, doanh nghiệp Việt Nam và cộng đồng ngư dân cần lưu ý việc đáp ứng các tiêu chuẩn cao về chất lượng, truy xuất được nguồn gốc; đảm bảo tiêu chuẩn an toàn vệ sinh thực phẩm; sản phẩm thủy sản xuất khẩu vào thị trường này cũng đòi hỏi cao về trách nhiệm xã hội và môi trường…, nhất là phải khắc phục được cảnh báo “thẻ vàng” về khai thác IUU.


Theo ông Nguyễn Văn Dư - Giám đốc Công ty TNHH Hải Vương, để tận dụng tối đa lợi thế từ EVFTA trong thời gian tới, doanh nghiệp kiến nghị Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp với EU hỗ trợ tháo gỡ “thẻ vàng” về khai thác IUU nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho sản phẩm hải sản của Việt Nam xuất khẩu vào EU. Bộ Công Thương xem xét đề xuất với EU tăng thêm hạn ngạch cho sản phẩm cá ngừ đóng hộp, giúp các doanh nghiệp Việt Nam có thêm nhiều cơ hội xuất khẩu sang thị trường này. Các cơ quan chức năng của tỉnh cần tạo điều kiện trong việc kiểm soát nhập khẩu hải sản từ nước ngoài để chế biến xuất khẩu như: Áp dụng nguyên tắc quản lý rủi ro; miễn, giảm kiểm mẫu và hồ sơ... để doanh nghiệp tận dụng nguồn nguyên liệu cá ngừ nhập khẩu về chế biến, đáp ứng quy tắc xuất xứ hàng hóa theo EVFTA.


Để xuất khẩu cá ngừ và các sản phẩm thủy sản khác sang EU được thuận lợi và bền vững, tận dụng tối đa lợi thế Hiệp định EVFTA mang lại, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Phùng Đức Tiến đề nghị: UBND các tỉnh cần hướng dẫn ngư dân, doanh nghiệp khai thác thủy sản bền vững; thực hiện tốt các cam kết về chống khai thác IUU, khắc phục cảnh báo “thẻ vàng” của Ủy ban Châu Âu. Các doanh nghiệp cần thường xuyên cập nhật ưu đãi về thuế quan của Hiệp định EVFTA; các quy chuẩn của thị trường để chủ động kế hoạch sản xuất; tuân thủ các quy định về chất lượng sản phẩm, vệ sinh an toàn thực phẩm, đảm bảo trách nhiệm xã hội và môi trường… Qua đó, tận dụng các ưu đãi, thúc đẩy xuất khẩu thủy sản, nhất là các sản phẩm cá ngừ vào thị trường EU.

    
Hải Lăng