10:06, 17/06/2020

Khánh Vĩnh: Các mô hình kinh tế tập thể cần sự hỗ trợ

Những năm qua, huyện Khánh Vĩnh (Khánh Hòa) đã quan tâm hướng dẫn thành lập các tổ hợp tác, hợp tác xã nhằm hỗ trợ người dân liên kết, phát triển kinh tế bền vững. Tuy nhiên, các mô hình kinh tế tập thể cần được quan tâm hơn nữa để phát huy hiệu quả.

 

Những năm qua, huyện Khánh Vĩnh (Khánh Hòa) đã quan tâm hướng dẫn thành lập các tổ hợp tác, hợp tác xã (HTX) nhằm hỗ trợ người dân liên kết, phát triển kinh tế bền vững. Tuy nhiên, các mô hình kinh tế tập thể cần được quan tâm hơn nữa để phát huy hiệu quả.


Còn nhiều khó khăn


Thành lập từ năm 2018 với 12 thành viên, hoạt động trong lĩnh vực sản xuất, kinh doanh, dịch vụ sản phẩm bưởi da xanh, nông sản hàng hóa, giống cây trồng... nhưng đến nay, HTX Sông Cầu vẫn còn khó khăn trong định hướng hoạt động. Ông Phan Văn Thuận - Giám đốc HTX Sông Cầu cho biết, thời gian mới thành lập, do thiên tai nên việc sản xuất, tiêu thụ bưởi da xanh của các thành viên HTX gặp nhiều khó khăn. Năm nay, tình hình sản xuất ổn định, bưởi được mùa nhưng lại mất giá; việc tìm kiếm đầu ra ổn định cho quả bưởi vẫn còn là bài toán khó.

 

Những năm qua, huyện Khánh Vĩnh đã quan tâm hướng dẫn thành lập các tổ hợp tác, hợp tác xã (HTX) nhằm hỗ trợ người dân liên kết, phát triển kinh tế bền vững. Tuy nhiên, các mô hình kinh tế tập thể cần được quan tâm hơn nữa để phát huy hiệu quả.

Hợp tác xã Sông Cầu vẫn chưa tìm được đầu ra ổn định cho sản phẩm bưởi da xanh.


Hiện nay, huyện có 3 HTX hoạt động trên lĩnh vực nông nghiệp với 42 thành viên, gồm: HTX Cây ăn quả Khánh Vĩnh, HTX Sông Cầu, HTX Cây ăn quả Khánh Đông. Các HTX hoạt động sản xuất, kinh doanh nông sản như: Bưởi da xanh, trái cây các loại, giống cây trồng, vật tư nông nghiệp và bao tiêu sản phẩm nông nghiệp. Theo lãnh đạo huyện Khánh Vĩnh, các HTX nông nghiệp hoạt động có hiệu quả sẽ làm nòng cốt thu hút các nguồn vốn đầu tư kết cấu hạ tầng phục vụ sản xuất, dân sinh, góp phần quan trọng trong việc xây dựng nông thôn mới tại địa phương; đồng thời nâng cao thu nhập cho người sản xuất, làm thay đổi diện mạo nông thôn. Tuy nhiên, các HTX còn gặp không ít khó khăn như: Nguồn vốn hoạt động hạn chế, đội ngũ thành viên còn hạn chế về trình độ chuyên môn... HTX thành lập chủ yếu hợp tác trong khâu sản xuất, chưa tiếp cận được vật tư đầu vào và đầu ra sản phẩm...


Bên cạnh đó, huyện có 16 tổ hợp tác đang hoạt động với 147 thành viên. Trong đó, 1 tổ hợp tác hoạt động lĩnh vực thủ công - mỹ nghệ; 2 tổ hợp tác hoạt động lĩnh vực chăn nuôi và 13 tổ hợp tác hoạt động lĩnh vực trồng trọt. Các tổ hợp tác được hình thành để góp vốn, liên kết hỗ trợ kinh nghiệm, kỹ thuật, công lao động và tạo điều kiện thuận lợi trong một số khâu sản xuất. Các thành viên trong tổ hợp tác đã nhận thức và hiểu biết về phương thức sản xuất mới trong việc phát triển sản xuất, ngành nghề, nâng cao thu nhập, biết lựa chọn cây giống, vật nuôi phù hợp với điều kiện sản xuất của từng địa phương, áp dụng các biện pháp kỹ thuật tiên tiến và hiện đại để mang lại hiệu quả, đạt giá trị kinh tế cao. Tuy nhiên, về mặt tổ chức, các tổ hợp tác vẫn còn chưa chặt chẽ, thiếu ổn định và bền vững; sản phẩm tiêu thụ gặp nhiều khó khăn, thiếu vốn đầu tư; còn sản xuất riêng lẻ, chưa tập hợp, liên kết với nhau; việc theo dõi, đánh giá hoạt động của tổ hợp tác còn gặp nhiều khó khăn…


Nâng cao hiệu quả hoạt động


Theo ông Văn Ngọc Hường - Chủ tịch UBND huyện, Đảng và Nhà nước ngày càng quan tâm khu vực kinh tế tập thể, ban hành nhiều chính sách ưu tiên hỗ trợ phát triển kinh tế tập thể. Tuy nhiên, thực tế, kinh tế tập thể trên địa bàn huyện có quy mô còn nhỏ, cơ sở vật chất và trình độ kỹ thuật còn hạn chế; các HTX trong lĩnh vực nông nghiệp luôn gặp nhiều khó khăn do tác động của yếu tố thời tiết, biến đổi khí hậu, nguy cơ dịch bệnh đối với cây trồng, vật nuôi, thị trường đầu ra không ổn định. Để phát triển ổn định, cần sự liên kết giữa các HTX, tổ hợp tác với doanh nghiệp nhằm hỗ trợ nhau trong sản xuất, mở rộng quy mô nhằm hạn chế rủi ro và nâng cao hiệu quả kinh doanh.


Giai đoạn 2021 - 2030, huyện Khánh Vĩnh sẽ tiếp tục củng cố và nâng cao hiệu quả hoạt động của các HTX, tổ hợp tác trên địa bàn huyện; phát huy tốt tiềm năng, lợi thế, đẩy mạnh liên doanh, liên kết giữa các tổ hợp tác, HTX với nhau và giữa tổ hợp tác, HTX với các thành phần kinh tế khác; liên kết chặt chẽ giữa phát triển sản xuất gắn với thị trường, chế biến và tiêu thụ sản phẩm; quan tâm công tác đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ cho cán bộ HTX, tổ hợp tác. Cùng với đó, huyện sẽ phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan thực hiện các giải pháp nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động của HTX như: rà soát tình hình hoạt động của HTX; hướng dẫn các HTX thành lập mới, thu hút thêm thành viên, tăng số vốn điều lệ; tăng cường các hoạt động đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực; xúc tiến thương mại; từng bước mở rộng quy mô hoạt động của các HTX...


V.THÀNH