10:04, 12/04/2020

Tàu hàng tăng cường vận tải

Thời gian này, khi tàu khách chỉ còn chạy một đôi để bảo đảm tốt công tác phòng, chống dịch Covid-19 thì tàu chở hàng tăng công suất hoạt động.

Thời gian này, khi tàu khách chỉ còn chạy một đôi để bảo đảm tốt công tác phòng, chống dịch Covid-19 thì tàu chở hàng tăng công suất hoạt động.


Doanh thu tăng


Theo ông Lê Quang Chính - Phó Giám đốc Chi nhánh Vận tải đường sắt Nha Trang, do dịch Covid-19 bùng phát phức tạp khiến kế hoạch chạy tàu khách của ngành Đường sắt liên tục thay đổi. Đến đầu tháng 4, ngành Đường sắt phải dừng toàn bộ tàu địa phương, toàn mạng lưới chỉ còn duy trì 1 đôi tàu khách Thống Nhất chạy suốt Hà Nội - Sài Gòn là SE3/4. Khi tàu khách phải dừng thì ngành Đường sắt phải đẩy mạnh tàu hàng để phục vụ nhu cầu hàng hóa thiết yếu của người dân trong mùa dịch. Để giảm thời gian vận chuyển trên tuyến Bắc - Nam, từ ngày 1-4, ngành Đường sắt chính thức chạy đôi tàu hàng chuyên chở hành lý, hàng hóa HL1/HL2 với hành trình của đôi tàu khách nhanh SE5/6. Đây là đoàn tàu hàng chạy nhanh nhất, từ Sài Gòn - Hà Nội chỉ 34 giờ.

 

Bốc dỡ hàng hóa từ toa xe hàng.

Bốc dỡ hàng hóa từ toa xe hàng.


Theo thống kê, trong mùa dịch này, mỗi tháng, chi nhánh xếp được từ 600 đến 800 toa xe chở hàng với khoảng 1.800 đến 2.400 tấn hàng. Doanh thu mỗi tháng ước đạt từ 3 đến 5 tỷ đồng. So với cùng kỳ năm trước, số lượng chuyên chở và doanh thu tàu hàng của chi nhánh tăng 10 đến 15% và tăng khoảng 5 - 7% so với trước thời điểm có dịch.


Lý giải nguyên nhân của việc tăng khối lượng chuyên chở trong mùa dịch, lãnh đạo chi nhánh cho rằng, đối với số lượng hàng đóng bao như: muối, bột mì, bã sắn… do có khách hàng ổn định nên không tăng nhiều, nhưng lượng hàng phục vụ nhu cầu thiết yếu trong cuộc sống lại tăng mạnh. Nhiều khách hàng lẻ trong mùa dịch đã chọn dịch vụ vận chuyển của ngành Đường sắt thay vì các loại hình vận tải khác.

   
Vẫn còn khó khăn

 

Ngành Đường sắt đã chuẩn bị 3 kịch bản. Nếu dịch Covid-19 kết thúc trong quý II, dự báo doanh thu cả năm đạt 1.400 tỷ đồng, bằng 66% kế hoạch năm, lỗ 694 tỷ đồng. Nếu dịch kết thúc trong quý III, doanh thu đạt 1.227 tỷ đồng, bằng 58% kế hoạch năm, lỗ 842 tỷ đồng. Kịch bản xấu là dịch kéo dài đến cuối năm thì doanh thu chỉ đạt 1.114 tỷ đồng, lỗ 936 tỷ đồng.

Nhu cầu vận chuyển tăng cao dẫn đến thiếu hụt các toa xe chuyên chở hàng hóa của ngành Đường sắt. Hiện nay mỗi ngày, Chi nhánh Vận tải đường sắt Nha Trang thiếu khoảng 10 toa xe để chở hàng. Không chỉ vậy, lượng hàng chủ yếu từ nam ra bắc, trong khi từ bắc vào rất ít. Vì vậy, đơn vị phải điều toa xe rỗng từ Hà Nội vào khiến chi phí vận tải bị đội lên cao, ảnh hưởng đến doanh thu. Ngoài ra, các cửa khẩu biên giới giữa Việt Nam và Trung Quốc vẫn đang thực hiện các biện pháp chặt chẽ để phòng, chống dịch nên lượng hàng thông quan chậm.


“Hiện nay là trong giai đoạn cao điểm phòng, chống dịch, để thực hiện việc giãn cách xã hội theo chỉ đạo, chi nhánh siết chặt các biện pháp bảo đảm an toàn cho người lao động và cộng đồng. Đây cũng là một khó khăn đáng kể trong quá trình bốc xếp hàng hóa. Tuy nhiên, quan điểm của chúng tôi là an toàn được đặt lên hàng đầu, phải cùng Chính phủ chung tay chống dịch, nên mọi biện pháp đều được triển khai như: phun khử khuẩn, bảo hộ trong quá trình bốc xếp hàng hóa…”, ông Chính cho hay.


Được biết, hiện nay, ngành Đường sắt tập trung phát triển vận tải hàng hóa không chỉ trong mùa dịch Covid-19, mà còn định hướng lâu dài. Để phát triển vận tải hàng, ngành Đường sắt đã đóng mới khoảng 300 toa xe chở container; thử nghiệm và đưa vào vận hành chính thức hệ thống quản trị vận tải hàng hóa qua mạng nhằm nâng cao chất lượng dịch vụ, thuận tiện hơn đối với khách hàng. Đồng thời, ngành Đường sắt Việt Nam phối hợp với đường sắt Trung Quốc khai thác các đoàn tàu liên vận quốc tế chở container lạnh xuất khẩu hoa quả, thủy hải sản giữa hai nước. Không chỉ vậy, trong thời gian dịch bệnh, ngành Đường sắt cũng triển khai nhận đặt hàng online. Khách hàng có nhu cầu, nhân viên đường sắt sẽ đến tận nhà lấy hàng để vận chuyển.


THÀNH NAM