11:12, 30/12/2019

Người "xe duyên" cho đu đủ

Cần mẫn, chịu khó và không ngừng học hỏi, ông Nguyễn Minh Châu ở xã Diên Bình, huyện Diên Khánh đã có nhiều cải tiến, sáng tạo trong quá trình lao động, sản xuất để thu về kết quả cao hơn.

Cần mẫn, chịu khó và không ngừng học hỏi, ông Nguyễn Minh Châu ở xã Diên Bình, huyện Diên Khánh, Khánh Hòa đã có nhiều cải tiến, sáng tạo trong quá trình lao động, sản xuất để thu về kết quả cao hơn.


Cách đây khoảng 25 năm, gia đình ông Nguyễn Minh Châu (bà con xóm giềng vẫn quen gọi là ông Ba Son) chuyển đến khu vực chân núi Trại ở xã Diên Bình sinh sống. Hơn 2.000m2 đất của nhà ông nằm ở chân núi, phía trên giáp núi, phía dưới giáp với ruộng lúa. Khi chuyển đến đây, ông dự định sẽ dùng đất ở phía núi trồng cây ăn quả, còn đất phía giáp ruộng sẽ trồng cây ngắn ngày. Thế nhưng, phía dưới chân đất nhà ông không phải đất đồi hay đất phù sa, mà toàn là loại đất bột trắng như phấn, mùa khô thì bong lên như bụi, trắng phau, mưa xuống thì nén chặt lại, cứng như đá, chẳng cây gì có thể mọc được. “Nhờ người quen cho múc đất ở đỉnh núi Trại, nên sáng nào vợ chồng tôi cũng “tập thể dục” bằng vài chục xe đất. Cứ thế, năm này qua năm khác, lớp đất mặt có thể trồng cây ngày một dày thêm”, ông Châu cho biết.

 

Ông Châu chăm sóc đu đủ.

Ông Châu chăm sóc đu đủ.


 Tốn rất nhiều mồ hôi và công sức, cuối cùng người nông dân cần mẫn ấy đã có thể trồng xuống toàn bộ diện tích vườn hàng trăm cây đu đủ và gắn bó với cây trồng này cho đến nay. Nhưng vườn đu đủ của ông “khác người” ở chỗ, cứ 2 cây đu đủ được ông trồng cách nhau tầm 1m để ghép thành 1 cặp. Nếu 1 cây nghiêng về phía đông thì cây kia nghiêng về phía tây với góc 450 để tạo thành hình chữ X bắt chéo vào nhau. “Nơi đây, gió thường thổi mạnh, lâu lâu còn có gió giật. Đu đủ vốn thân mềm nên dễ bị đổ xuống hoặc rụng trái. Quan sát thấy một số cây đu đủ ngã rạp xuống vì bị gió thổi lại cầm cự được với những đợt gió sau, nên thay vì phải mua cây về chống đỡ, tôi trồng nghiêng cây đu đủ nhằm hạ thấp trọng tâm, đồng thời trồng theo từng cặp để đến thời điểm cây cho trái thì dùng dây buộc 2 ngọn đu đủ lại với nhau, tạo thành thế chằng néo hỗ trợ lẫn nhau, không ngã được”, ông Châu giải thích.


Qua quan sát, những cặp đu đủ được ông Châu “xe duyên” này không chỉ tạo nên hình thế rất trữ tình, mà còn cho trái chi chít, sà xuống sát mặt đất. “Lúc cao điểm, cả vườn có 250 cây đu đủ. Mỗi tháng thu hoạch 3 lần, mỗi lần thu được 500kg với giá bán từ 7 đến 10 nghìn đồng/kg. Cây đu đủ đã giúp gia đình tôi trang trải cuộc sống, nuôi con ăn học, thậm chí tôi còn xây được nhà nhờ cây đu đủ”, ông Châu chia sẻ.


Với cách làm này, năm 2019, ông Đinh Minh Trang - Chủ tịch Hội nông dân xã Diên Bình đã phối hợp với hội viên Nguyễn Minh Châu thực hiện đề tài “Sáng kiến cải tiến kỹ thuật trồng và lưu gốc tăng năng suất cây đu đủ” tham dự cuộc thi Sáng tạo khoa học - kỹ thuật tỉnh lần thứ VIII (năm 2018 - 2019) và đạt giải khuyến khích. Giải pháp chính của đề tài này là trồng nghiêng cây đu đủ theo cặp như kể trên. Đồng thời, sau khi thu hoạch hết quả đu đủ trong vòng 8 tháng kể từ ngày cây bắt đầu cho quả, thay vì nhổ bỏ gốc cũ để trồng mới như cách thông thường, giải pháp đưa ra là chừa lại gốc đu đủ cũ khoảng 1m, xử lý cho cây nảy chồi và chọn 1 chồi khỏe nhất giữ lại phát triển như một cây mới để cho thời gian thu hoạch lại nhanh hơn mà vẫn đảm bảo năng suất, chất lượng như cây mới.


Giờ đây, những cây đu đủ vẫn tiếp tục là cây trồng mang lại nguồn thu chủ lực cho gia đình nông dân này, nhưng đó không còn là nguồn thu duy nhất, mà trên mảnh đất gian khó ngày nào, ai cũng phải bất ngờ, khâm phục trước cơ ngơi gia đình ông Châu đã gây dựng được. Đu đủ đã được thu gọn lại chỉ chiếm khoảng 1/4 diện tích vườn, phần còn lại được ông chuyển qua trồng 80 gốc bưởi da xanh đã được 3 năm tuổi, bắt đầu cho trái bói. Ngoài ra, ông còn trồng xung quanh vườn mấy chục gốc dừa xiêm hiện nay cũng đã tạo tán xanh tốt. Trong khu vườn, ông đào 2 hồ nước, mục đích là tích trữ nước để tưới cây, có tác dụng điều hòa, giảm bớt sức nóng vào mùa khô. Đồng thời, cứ đầu năm ông thả xuống 2 hồ nước này hàng nghìn con cá trê, cuối năm thu hoạch khoảng 1,5  tấn cá. Ở một góc khác, chúng tôi thấy ông Châu đang thả ra vườn khoảng 300 con vịt. “Đây là máy nhổ cỏ và cung cấp phân bón cho cây”, ông cười lớn. Và để phục vụ nuôi vịt, nuôi cá trê, ông mày mò vẽ ra chiếc máy thái rau, cỏ rồi đưa cho thợ cơ khí chế tạo theo ý mình, chiếc máy này vừa có chức năng cắt  nhuyễn cỏ, rau, đồng thời còn có thể trộn rau với cám để cho vịt, cá ăn. Đây cũng là nguồn thức ăn cho 10 con heo rừng lai được ông nuôi trong vườn. Ngoài ra, ông còn nuôi 200 con bồ câu, mỗi tháng cho ra ràng 1 lứa gần 100 con, được thương lái đặt mua tận chuồng.


Theo ông Đinh Minh Trang, trước đây, gia đình ông Châu thuộc diện khó khăn của xã. Nhờ chịu khó làm ăn, siêng năng và sáng tạo, gia đình ông không chỉ thoát nghèo mà còn vươn lên khấm khá, mỗi năm thu nhập hơn 200 triệu đồng, trở thành nông dân sản xuất kinh doanh giỏi của xã nhiều năm liền.


Công Định