11:11, 14/11/2019

Cải tiến mắt lưới: Góp phần bảo vệ nguồn lợi thủy sản

Đạt giải khuyến khích tại hội thi Sáng tạo khoa học kỹ thuật tỉnh lần thứ VIII, giải pháp cải tiến mắt lưới áp dụng trong khai thác thủy sản của ông Nguyễn Văn Tính - Chủ tịch Nghiệp đoàn nghề cá phường Vĩnh Thọ, TP. Nha Trang  được nhiều ngư dân quan tâm.

Đạt giải khuyến khích tại hội thi Sáng tạo khoa học kỹ thuật tỉnh Khánh Hòa lần thứ VIII, giải pháp cải tiến mắt lưới áp dụng trong khai thác thủy sản của ông Nguyễn Văn Tính - Chủ tịch Nghiệp đoàn nghề cá phường Vĩnh Thọ, TP. Nha Trang  được nhiều ngư dân quan tâm.


Ông Tính cho biết, gia đình ông có 3 đời làm nghề đánh bắt trên biển, riêng ông có kinh nghiệm hơn 40 năm đi biển nên hiểu rõ về nghề này. Những năm 1980 trở về trước, nguồn lợi thủy sản còn dồi dào, phương tiện đánh bắt còn thô sơ, lạc hậu, tàu thuyền đánh bắt nhỏ nên chủ yếu khai thác gần bờ. Thời đó, lưới đánh bắt được người dân sử dụng chủ yếu là lưới chỉ sợi mảnh, mắt lưới nhỏ và chiều cao ngắn nên khi thả lưới, gặp dòng nước chảy lưới dễ bị nghiêng. Ngoài ra, khi gặp thời tiết sóng to, gió lớn, lưới dễ bị xoắn. Do sử dụng mắt lưới nhỏ nên ngư dân chủ yếu đánh bắt được cá nhỏ, cá lớn không bị mắc vào lưới hoặc có thì trong quá trình vùng vẫy cá sẽ làm rách mặt lưới và thoát đi. Do đó, hiệu quả đánh bắt không cao, vừa khai thác cạn kiệt nguồn thủy sản. Chưa kể, ngày nay ngư dân kéo lưới bằng máy thu lưới nên nếu sử dụng lưới cũ dễ bị rách.

 

Nhiều ngư dân ở TP. Nha Trang đã áp dụng mắt lưới cải tiến  của ngư dân Tính trong đánh bắt.

Nhiều ngư dân ở TP. Nha Trang đã áp dụng mắt lưới cải tiến của ngư dân Tính trong đánh bắt.


Trăn trở trước điều này, ông Tính đã tăng chiều cao lưới theo kinh nghiệm của các ngư dân khác nhưng khai thác không hiệu quả nên ông thôi sử dụng. Đến khi Nhà nước hỗ trợ phát triển ngành nghề thủy sản, gia đình ông đầu tư đóng tàu có công suất lớn, đánh bắt xa bờ. Lúc này, vấn đề làm thế nào để có tấm lưới khai thác có hiệu quả đánh bắt càng thôi thúc trong ông. Với kinh nghiệm nhiều năm trong đánh bắt thủy sản, ông nảy ra ý tưởng cải tiến mắt lưới đánh bắt thủy sản, thay vì sử dụng chỉ lưới 12 hoặc 15, ông dùng chỉ lưới 18, tăng chiều dài mắt lưới từ 70 - 80mm lên khoảng 112mm. Đánh bắt bằng 10 tấm lưới cải tiến, hiệu quả tăng lên rõ rệt. Ông Tính cho biết: “Khi sử dụng các tấm lưới này, số lượng cá có giá trị kinh tế cao đánh bắt được nhiều hơn, tôi đánh bắt được những con cá thu nặng 3 - 5kg, cá cờ cả chục kg. Còn với tấm lưới cũ trước kia, rất khó đánh bắt được như vậy. Sau 1 năm thử nghiệm, tỷ lệ hư, rách lưới ít hơn, tuổi thọ lưới dài hơn, hiệu quả kinh tế thu được tăng từ 20 - 30% so với việc sử dụng mắt lưới cũ”.


Ngư dân Huỳnh Mạnh Cầm (phường Vĩnh Thọ, TP. Nha Trang) áp dụng kỹ thuật này được 4 năm. Sau khi được ông Tính hướng dẫn, gia đình ông áp dụng ngay lưới cải tiến này, bởi tàu của ông có công suất 450CV, đánh bắt xa bờ với chiều dài vàng lưới từ 11 - 12 hải lý, nếu sử dụng lưới cũ trong khai thác thì hiệu quả kinh tế không cao do chỉ lưới mỏng, mắt lưới nhỏ nên tỷ lệ lưới hư, rách rất nhiều, chỉ đánh bắt được cá nhỏ. Ông Cầm cho biết: “Hiện nay, tôi sử dụng 335 tấm lưới cải tiến để đánh bắt. Nhờ sử dụng chỉ lưới 18 nên lưới rất chắc, tỷ lệ lưới hư giảm hẳn. Ngoài ra, mắt lưới to nên những con cá có giá trị kinh tế cao dưới 1kg sẽ không dính vào lưới, qua đó góp phần tái tạo môi trường sinh thái biển. Qua khai thác đánh bắt với tấm lưới cải tiến này, hiệu quả kinh tế tăng lên rõ rệt, nhờ thế thu nhập của anh em trên tàu cũng tăng bình quân từ 5 triệu đồng lên 6,5 triệu đồng/tháng”.


Hiện nay, tấm lưới cải tiến này không chỉ được ngư dân ở các xã, phường ven biển của TP. Nha Trang áp dụng, mà nhiều ngư dân ở huyện Vạn Ninh, thị xã Ninh Hòa và một số địa phương khác khác như: Phú Yên, Bình Định, Quảng Ngãi… cũng áp dụng trong khai thác thủy sản, nhất là những tàu có công suất trên 400CV.


C.Đan

 


 

Bên cạnh cải tiến trên, trước đó, ngư dân Nguyễn Văn Tính còn cải tiến mắt lưới hình vuông dùng cho nghề lưới kéo, giã cào. Ưu điểm của nó là khi kéo đánh bắt, lưới vẫn còn lỗ hở nên các loại cá nhỏ không bị mắc lưới. “Áp dụng mắt lưới này sẽ góp phần đảm bảo được nguồn lợi thủy sản. Tuy nhiên, sản lượng khai thác khi sử dụng mắt lưới vuông sẽ giảm 1/2 nên ngư dân chưa mặn mà. Vì vậy, Nhà nước nên có giải pháp tuyên truyền để người dân ý thức hơn trong việc giữ gìn nguồn lợi thủy sản lâu dài và bền vững”,  ông Tính kiến nghị.