10:11, 13/11/2019

Tập trung phát triển 3 vùng kinh tế trọng điểm

Theo đánh giá của đoàn kiểm tra việc thực hiện các nghị quyết số 08, 09 và 10, ngày 11-7-2016 của Tỉnh ủy về đẩy mạnh phát triển Khu Kinh tế Vân Phong, khu vực vịnh Cam Ranh và TP. Nha Trang tại 12 đơn vị, địa phương, các mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp mà các nghị quyết đề ra đều đã được triển khai tương đối tốt, đảm bảo tiến độ và yêu cầu.

Theo đánh giá của đoàn kiểm tra việc thực hiện các nghị quyết số 08, 09 và 10, ngày 11-7-2016 của Tỉnh ủy về đẩy mạnh phát triển Khu Kinh tế Vân Phong, khu vực vịnh Cam Ranh và TP. Nha Trang tại 12 đơn vị, địa phương, các mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp mà các nghị quyết đề ra đều đã được triển khai tương đối tốt, đảm bảo tiến độ và yêu cầu.


Kết quả đạt được


Theo đó, cơ cấu kinh tế các khu vực dịch chuyển đúng hướng (dịch vụ - du lịch, công nghiệp - xây dựng, nông - lâm - thủy sản). Việc huy động nguồn lực từ nhiều thành phần kinh tế khác nhau đã mang lại hiệu quả đáng kể trong việc đầu tư, xây dựng cơ sở hạ tầng thiết yếu, đồng bộ theo hướng hiện đại hóa và những dự án trọng điểm, có động lực lan tỏa, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội toàn tỉnh như: Đường Võ Nguyên Giáp; nâng cấp mở rộng đường Phong Châu; đường cất hạ cánh số 2 - Cảng hàng không quốc tế Cam Ranh…

 

Thành phố  Nha Trang, trung tâm kinh tế - xã hội của tỉnh

Thành phố Nha Trang, trung tâm kinh tế - xã hội của tỉnh


Về du lịch, hiện nay, trên địa bàn TP. Nha Trang thu hút được 130 dự án với tổng vốn đầu tư gần 71.614 tỷ đồng, trong đó có 38 dự án đã đi vào hoạt động với tổng vốn đầu tư hơn 47.644 tỷ đồng. Khu du lịch bắc bán đảo Cam Ranh hiện có 41 dự án được cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư với tổng vốn đầu tư khoảng 27.894 tỷ đồng, trong đó có 3 dự án đã hoàn thành toàn bộ và đưa vào khai thác, 5 dự án khai thác giai đoạn 1. Trong giai đoạn 2016 - 2018, kinh tế TP. Nha Trang tiếp tục tăng trưởng qua từng năm, cơ cấu kinh tế - xã hội chuyển dịch đúng hướng. Đến hết năm 2018, so với toàn tỉnh, giá trị sản xuất công nghiệp của thành phố chiếm 48%, tổng mức hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng chiếm 45%, doanh thu hoạt động du lịch chiếm 84,9%. Trong giai đoạn 2016 - 2018, giá trị sản xuất các ngành kinh tế TP. Cam Ranh tăng 21,67%/năm; giá trị sản xuất các ngành kinh tế huyện Cam Lâm tăng bình quân 12,1%. Khu Kinh tế Vân Phong đã thu hút 39 dự án mới, điều chỉnh tăng vốn cho 10 dự án; tổng vốn thu hút mới được hơn 63.788 tỷ đồng. Đến nay, đã có 82 dự án đi vào hoạt động với tổng vốn đầu tư đăng ký gần 605,9 triệu USD. Doanh thu từ các dự án bình quân 411,7 triệu USD, nộp ngân sách tỉnh bình quân gần 6.036 tỷ đồng/năm, chủ yếu từ nguồn thu thuế hoạt động xuất nhập khẩu xăng dầu.

 

Các lĩnh vực y tế, giáo dục - đào tạo, giải quyết việc làm ngày một nâng cao nhằm đảm bảo chất lượng cuộc sống cho người dân khu vực; an ninh, quốc phòng được giữ vững. Công tác lập quy hoạch phân khu (tỷ lệ 1/2000) tại các khu vực phát triển đô thị theo quy hoạch chung được duyệt đã được quan tâm triển khai thực hiện, tạo cơ sở cho công tác quản lý quy hoạch và thu hút đầu tư phát triển đô thị.

 

Đường Võ Nguyên Giáp, dự án trọng điểm tạo động lực thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Ảnh: Mã Phương

Đường Võ Nguyên Giáp, dự án trọng điểm tạo động lực thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.

 

Vẫn còn hạn chế


Đoàn kiểm tra cũng chỉ ra những hạn chế, tồn tại của từng đơn vị, địa phương trong quá trình triển khai thực hiện các nghị quyết để sớm có biện pháp khắc phục trong thời gian tới. Một số dự án đầu tư triển khai chậm tiến độ, các sai phạm về thủ tục đầu tư, xây dựng chưa được giải quyết dứt điểm; việc huy động nguồn lực chưa đáp ứng nhu cầu đầu tư phát triển hạ tầng của khu vực. Công tác lập quy hoạch còn nhiều hạn chế, chưa theo kịp với yêu cầu đầu tư phát triển và quản lý xây dựng; tình trạng xây dựng trái phép, khai thác khoáng sản và các hành vi gây ô nhiễm môi trường vẫn còn xảy ra. Việc triển khai lập chương trình phát triển đô thị tại các địa phương đều chậm. Công tác quản lý nhà nước về du lịch, trật tự an toàn giao thông - đô thị chưa đảm bảo yêu cầu. Hạ tầng giao thông chưa theo kịp sự gia tăng các phương tiện giao thông đường bộ; việc bố trí quỹ đất dành cho giao thông tĩnh (chủ yếu là các bãi đậu xe) gặp nhiều khó khăn do quỹ đất TP. Nha Trang còn hạn chế; tình trạng ùn tắc giao thông vào các giờ cao điểm trên một số tuyến đường trọng yếu của TP. Nha Trang chưa được cải thiện, tình hình trật tự an toàn giao thông còn diễn biến phức tạp. Bên canh đó, chất lượng nguồn lao động chưa đáp ứng được nhu cầu của các doanh nghiệp, nhà đầu tư trên địa bàn tỉnh…


Trên cơ sở kết quả kiểm tra, đoàn đề nghị Ban Thường vụ Tỉnh ủy chỉ đạo các đơn vị tập trung thực hiện tốt nhiều nội dung để tiếp tục đẩy mạnh phát triển 3 vùng kinh tế trọng điểm của tỉnh.


NAM DU