10:11, 04/11/2018

Cụm công nghiệp Trảng É gặp khó

Trong 3 cụm công nghiệp ở Trảng É, hiện nay, cụm công nghiệp Trảng É 1 đã hoàn thiện cơ sở hạ tầng nhưng các nhà đầu tư thứ cấp chưa vào đầu tư. Đối với cụm công nghiệp Trảng É 2, tiến độ có thể sẽ bị chậm do công tác giải tỏa, đền bù còn nhiều vướng mắc...

Trong 3 cụm công nghiệp (CCN) ở Trảng É, hiện nay, CCN Trảng É 1 đã hoàn thiện cơ sở hạ tầng nhưng các nhà đầu tư thứ cấp chưa vào đầu tư. Đối với CCN Trảng É 2, tiến độ có thể sẽ bị chậm do công tác giải tỏa, đền bù còn nhiều vướng mắc...


Chờ nhà đầu tư thứ cấp


Theo Công ty TNHH một thành viên Đầu tư và Kinh doanh bất động sản Khatoco (chủ đầu tư các CCN Trảng É), hệ thống hạ tầng giao thông, nước, phòng cháy chữa cháy tại CCN Trảng É 1 đã cơ bản hoàn thành. Riêng hệ thống điện trung thế và điện chiếu sáng từ nay đến cuối năm sẽ hoàn tất, đủ điều kiện để CCN hoạt động. Ngoài ra, trạm xử lý nước thải cho cả 3 CCN cũng đang được xây dựng và sẽ đưa vào hoạt động vào quý III/2019. Tuy nhiên, căn cứ vào tình hình đầu tư hiện tại, nhanh nhất đến năm 2020 mới có doanh nghiệp chính thức hoạt động và khi đó trạm xử lý nước thải mới có thể vận hành.

 

 Thi công hoàn thiện đường giao thông trong cụm công nghiệp.

Thi công hoàn thiện đường giao thông trong cụm công nghiệp.


Ông Phan Hoài Phương - Giám đốc Công ty TNHH một thành viên Đầu tư và Kinh doanh bất động sản Khatoco cho biết: “Chúng tôi đã chính thức cắm mốc, giao đất cho Nhà máy thuốc lá Khatoco với diện tích 12ha tại CCN Trảng É 1. Nhà đầu tư thứ cấp đang thẩm định thiết kế thi công, lộ trình sẽ hoạt động chính thức vào năm 2020. Song, ngoài đơn vị này thì chưa có thêm nhà đầu tư nào vào CCN. Thời gian qua, tuy có nhiều nhà đầu tư vào tìm hiểu để đầu tư, nhưng đa phần còn lưỡng lự, chưa quyết định thuê đất”.


Được biết, nguyên nhân chính khiến các nhà đầu tư chưa mặn mà với CCN Trảng É là do khó khăn về giao thông. Để đi vào các CCN Trảng É có 2 hướng chính gồm: từ xã Phước Đồng theo Tỉnh lộ 1 (dài khoảng 9km) và từ Quốc lộ 1 đi vào theo Tỉnh lộ 3 (dài khoảng 3km), đều đã xuống cấp. Đặc biệt, Tỉnh lộ 3 đang xuống cấp nghiêm trọng do mỗi ngày có hàng trăm xe chở đất, cát chạy qua phục vụ các dự án phía tây Nha Trang. UBND tỉnh đã có hướng đầu tư nâng cấp Tỉnh lộ 3 và dự kiến khởi công vào tháng 10-2018, nhưng do có nhiều quy định mới phát sinh nên chưa thể triển khai được.


Cần trợ lực từ nhiều phía

 

Các CCN Trảng É (xã Suối Cát và Suối Tân, huyện Cam Lâm) được UBND tỉnh phê duyệt đồ án quy hoạch chi tiết 1/500 ngày 12-12-2014 do Công ty TNHH một thành viên Đầu tư và Kinh doanh bất động sản Khatoco thuộc Tổng Công ty Khánh Việt làm chủ đầu tư. Tổng diện tích của dự án lên đến 152,3ha, gồm các CCN: Trảng É 1, Trảng É 2, Trảng É 3 và Khu dự trữ phát triển. Hiện nay, CCN Trảng É 1 đã hoàn tất cơ sở hạ tầng, CCN Trảng É 2 còn trong quá trình giải phóng mặt bằng.

Thực tế cho thấy, để thu hút các nhà đầu tư thứ cấp vào CCN Trảng É, ngoài nỗ lực của chủ đầu tư, cần sự chung sức của nhiều cấp, ngành. Trong đó, việc sớm xây dựng Tỉnh lộ 3 là quan trọng nhất. Ông Trần Văn Ngoạn - Phó Giám đốc Sở Công Thương cho biết: “Chúng tôi muốn tạo điều kiện hết sức cho chủ đầu tư, nhưng chưa nâng cấp Tỉnh lộ 3 thì không thể giải quyết được vấn đề. Các nhà đầu tư thứ cấp sẽ chẳng bao giờ vào đây với thực trạng đường sá gồ ghề như hiện nay. Sở đã nhiều lần kiến nghị tỉnh về vấn đề này. Chúng ta cần hỗ trợ chủ đầu tư để có thể sớm đưa CCN này vào hoạt động”.


Ông Huỳnh Kỳ Trầm - Giám đốc Ban quản lý Dự án Đầu tư Xây dựng các công trình giao thông Khánh Hòa cho hay: “Tỉnh lộ 3 hiện nay chuyển sang đầu tư công và cơ bản lãnh đạo tỉnh đã thống nhất. Đúng ra, việc thi công đã được tiến hành vào tháng 10, nhưng do có quy định mới nên phải đợi cuộc họp cuối năm của HĐND tỉnh để thông qua, sau đó mới tiến hành đấu thầu và thiết kế. Để đẩy nhanh tiến độ, hiện nay, ban vẫn tiến hành đền bù, giải tỏa. Dự kiến phải hết quý I/2019 mới có thể khởi công Tỉnh lộ 3”. 

 
Hiện nay, tiến độ ở CCN Trảng É 2 cũng bị ngưng trệ. Trong số 22ha đất phải thu hồi và giải phóng mặt bằng, cơ quan chức năng mới tiến hành thực hiện được 18ha. Đáng nói, toàn bộ phần đất đã giải tỏa lại không liền nhau. Chủ đầu tư muốn xây dựng hạ tầng ở phần 18ha cũng không thể thực hiện được. Nguyên nhân dẫn đến việc giải tỏa chậm là do một hộ không chịu nhận tiền và một số khác xảy ra tranh chấp, chờ giải quyết. Để giải quyết rốt ráo vấn đề này, UBND huyện Cam Lâm cần có những động thái tích cực hơn nữa nhằm sớm bàn giao đất cho nhà đầu tư.


Đình Lâm