09:09, 20/09/2018

Nâng cao sản lượng, chất lượng dịch vụ hàng hóa thông qua cảng: Cần những giải pháp đột phá

Ngày 20-9, tại Cam Ranh, Hiệp hội Cảng biển Việt Nam (VPA) tổ chức hội nghị thường niên năm 2018 nhằm đánh giá kết quả hoạt động trong thời gian qua và bàn các giải pháp nâng cao sản lượng, chất lượng dịch vụ hàng hóa thông qua cảng.

Ngày 20-9, tại Cam Ranh, Hiệp hội Cảng biển Việt Nam (VPA) tổ chức hội nghị thường niên năm 2018 nhằm đánh giá kết quả hoạt động trong thời gian qua và bàn các giải pháp nâng cao sản lượng, chất lượng dịch vụ hàng hóa thông qua cảng. Đến dự có các ông: Lê Thanh Quang - Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy; Đào Công Thiên - Phó Chủ tịch UBND tỉnh.


Sản lượng hàng hóa qua cảng biển Khánh Hòa chưa cao


Theo đánh giá của các doanh nghiệp cảng biển, Khánh Hòa có tiềm năng lớn về hoạt động khai thác kinh tế biển. Hiện nay, địa phương có nhiều cảng quan trọng phục vụ nhu cầu phát triển kinh tế, quốc phòng của cả nước như: cảng Cam Ranh, cảng quốc tế Cam Ranh, cảng Nha Trang… Với vai trò là cảng biển có tầm quan trọng trong trung chuyển hàng hóa, những năm qua, cảng Cam Ranh đã hợp tác với nhiều doanh nghiệp trong lĩnh vực để tăng lượng hàng qua cảng, đồng thời đầu tư phát triển cảng lên quy mô lớn hơn, hỗ trợ nhu cầu phát triển kinh tế địa phương trong tương lai.

 

Cảng Cam Ranh có nhiều lợi thế để phát triển

Cảng Cam Ranh có nhiều lợi thế để phát triển


Tuy nhiên, sản lượng hàng hóa thông qua các cảng tại Khánh Hòa mới chỉ ở mức khá. Năm 2017, chỉ có khoảng 700 chuyến tàu cập cảng Cam Ranh và Nha Trang với số lượng hàng hóa hơn 2,1 triệu tấn, trong đó cảng Cam Ranh hơn 1,6 triệu tấn, cách khá xa so với cảng Quy Nhơn (7,1 triệu tấn), Đà Nẵng (8,2 triệu tấn), Nghệ Tĩnh (3,6 triệu tấn)…


Tại hội nghị, ông Đào Công Thiên - Phó Chủ tịch UBND tỉnh đề nghị trong thời gian tới, Hiệp hội Cảng biển Việt Nam quan tâm phối hợp phát triển hoạt động hàng hải, khai thác cảng biển, dịch vụ logistics cho khu vực Nam Trung Bộ nói chung và Khánh Hòa nói riêng. Bên cạnh đó, phát huy vai trò, tiếng nói của hiệp hội, đề xuất các kiến nghị cần thiết cho sự phát triển của các thành viên, tạo môi trường kinh doanh và pháp lý lành mạnh trong ngành hàng hải, đặc biệt là lĩnh vực khai thác cảng biển không ngừng phát triển ngang tầm khu vực và trên thế giới. Tỉnh sẽ tiếp tục quan tâm, hoàn thiện và kết nối hạ tầng giao thông, hệ thống hậu cần sau cảng nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho việc phát triển của khối cảng biển, ngành hàng hải.


Cần phát triển đồng bộ cảng biển với hạ tầng

 

Theo báo cáo của Hiệp hội Cảng biển Việt Nam, khối lượng hàng hóa xuất/nhập qua các cảng biển Việt Nam trong năm 2017 đạt khoảng 271 triệu tấn (tăng 12% so với năm 2016), trong đó hàng container đạt khoảng 12,5 triệu TEU (tăng khoảng 9%). 6 tháng đầu năm 2018, khối lượng container qua các cảng giảm 10% so với cùng kỳ năm 2017, nhưng có tăng trưởng cao về giá trị hàng hóa xuất khẩu (điện thoại, máy tính và linh kiện). Hàng nhập khẩu thông qua các cảng thuộc hiệp hội đạt 108 triệu tấn, nhập siêu giảm còn 21 triệu tấn. Hàng nội địa 57 triệu tấn (giảm 9% so với với năm trước), chiếm 21% tổng sản lượng thông qua.

Hội nghị cũng đã dành nhiều thời gian thảo luận và đưa ra những kiến nghị nhằm nâng cao sản lượng hàng hóa thông qua cảng biển, chất lượng dịch vụ cảng biển… Theo VPA, hầu hết các doanh nghiệp cảng biển tiếp tục khó khăn trong kinh doanh, cạnh tranh giảm giá, không có đủ tích lũy để phát triển lên quy mô hiện đại. Giá dịch vụ cảng biển hiện nay còn quá thấp và theo hướng xin cho, bao cấp cho dịch vụ vận tải nội địa, lệ thuộc vào sự chi phối về giá phí kéo dài của vận tải biển nước ngoài. Một trong những vấn đề chính của cảng biển Việt Nam hiện nay là sự phát triển không đồng bộ giữa cảng biển với hạ tầng luồng lạch, hành lang giao thông đường bộ kết nối với hậu phương và chuỗi dịch vụ hỗ trợ đi kèm.


Theo ông Lê Công Minh - Chủ tịch Hiệp hội Cảng biển Việt Nam, Bộ luật Hàng hải Việt Nam (sửa đổi, bổ sung) đã được Quốc hội thông qua năm 2015 có hiệu lực từ năm 2017 có bổ sung về cơ quan quản lý cảng. Cho đến nay, khối cảng biển vẫn đang mong chờ quy định dưới luật cho cơ chế mang tính đột phá này để có thể khắc phục những tồn tại, bất cập hiện nay, triển khai áp dụng nhanh cơ chế đổi mới phát triển kết cấu hạ tầng cảng biển một cách đồng bộ và hiệu quả hơn với vai trò, nguồn lực và trách nhiệm của chính các thành phần lợi ích có liên quan trong từng khu vực thị trường theo kinh nghiệm thành công của nhiều nước. Trước mắt, để khắc phục những tồn tại về giao thông kết nối, cơ quan quản lý nhà nước cần rà soát để khai thông, nâng cấp, mở rộng các tuyến đường kết nối với cảng biển; kết hợp với quy hoạch phát triển đồng bộ dịch vụ logistics hỗ trợ cho từng cụm cảng biển. Về luồng lạch, cần ưu tiên đầu tư cho các tuyến luồng kết nối các cụm cảng chính. Đồng thời, cần có quy hoạch khu vực đổ thải nạo vét luồng kèm giải pháp cải tạo thay thế cho môi trường tại từng khu vực.


Bên cạnh đó, cần có cơ chế và những giải pháp mang tính đột phá để bảo đảm tính đồng bộ, phối kết hợp liên ngành, liên vùng trong quy hoạch và thu hút đầu tư thực hiện quy hoạch phát triển cảng biển một cách có hiệu quả và bền vững, vừa bảo vệ lợi ích của nhà đầu tư nhưng vẫn đảm bảo được quyền lợi, đạt được mục tiêu chiến lược phát triển kinh tế biển của quốc gia.


Hiệp hội Cảng biển Việt Nam cũng kiến nghị một số nội dung liên quan đến định giá cảng phí và lệ phí hàng hải, giá các dịch vụ hàng hải đi kèm; cơ chế linh hoạt thu hút vốn trong và ngoài nước để phát triển những cảng cửa ngõ trọng điểm quốc gia có tiềm năng lớn…


THÀNH NAM