10:06, 14/06/2018

Quan ngại vấn đề môi trường

Ngày 14-6, Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật tỉnh tổ chức hội thảo phản biện báo cáo đánh giá tác động môi trường dự án Nhà máy Điện mặt trời KN Cam Lâm. Tại hội nghị, các đại biểu đã có nhiều ý kiến quan ngại về vấn đề môi trường.

Ngày 14-6, Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật tỉnh tổ chức hội thảo phản biện báo cáo đánh giá tác động môi trường dự án Nhà máy Điện mặt trời KN Cam Lâm. Tại hội nghị, các đại biểu đã có nhiều ý kiến quan ngại về vấn đề môi trường.


Nhiệt độ tăng do bức xạ nhiệt


Theo báo cáo của đơn vị tư vấn là Công ty TNHH Kỹ thuật ứng dụng Việt Nam, dự án Nhà máy Điện mặt trời KN Cam Lâm là nguồn cung ứng điện năng cho nhu cầu phụ tải điện của tỉnh và khu vực Nam Trung bộ. Đồng thời, cung cấp nguồn điện bổ sung, góp phần đảm bảo an ninh năng lượng, giảm thiểu ô nhiễm khí thải môi trường. Cũng như nhiều công trình khác, trong suốt quá trình thực hiện và vận hành dự án, chắc chắn sẽ gây ra một số tác động tiêu cực đến dân sinh, kinh tế - xã hội, cảnh quan, môi trường sinh thái khu vực xung quanh nếu không có các biện pháp, giải pháp nhằm hạn chế, giảm thiểu sự tác động. Trong báo cáo đánh giá tác động môi trường, đơn vị tư vấn và chủ đầu tư đã chỉ ra những nguy cơ về môi trường và đưa ra các giải pháp cụ thể. Trong đó, vấn đề ô nhiễm không khí, tiếng ồn, nước thải và các vật liệu nguy hại... được nhận diện một cách kỹ lưỡng. Mỗi nguy cơ đều có những phương án xử lý phù hợp. Đặc biệt, chủ đầu tư còn cam kết sẽ xử lý pin sau khi không còn khả năng sử dụng.

 

Các sở, ban, ngành kiểm tra một số dự án điện mặt trời tại huyện Cam Lâm.

Các sở, ban, ngành kiểm tra một số dự án điện mặt trời tại huyện Cam Lâm.


Tuy nhiên, qua xem xét báo cáo, các thành viên tham gia phản biện đã rất quan ngại về vấn đề môi trường đối với các dự án điện mặt trời trên địa bàn tỉnh nói chung và dự án Nhà máy Điện mặt trời KN Cam Lâm nói riêng. Trong đó, hiện tượng nhiệt độ xung quanh khu vực lắp pin mặt trời tăng cao được khá nhiều đại biểu quan tâm. “Chủ đầu tư cho rằng, khi vận hành, các tấm pin bức xạ nhiệt nên nhiệt độ trong không khí xung quanh tấm pin sẽ tăng từ 3 đến 40C và mức độ ảnh hưởng sẽ trong phạm vi khoảng 30m trở lại, do đó không ảnh hưởng đến khu vực dân cư. Tuy nhiên, đánh giá như vậy e chưa thỏa đáng. Đối với các tấm pin đơn lẻ thì có thể, song với cả cánh đồng pin mấy chục héc-ta thì mức độ ảnh hưởng sẽ lớn hơn nhiều, chưa kể đến tác động của gió, nó sẽ khuếch tán nhiệt độ đi rất xa. Đáng ngại hơn, tại khu vực dự án còn có nhiều dự án điện mặt trời khác cùng hiện diện. Nếu không có biện pháp xử lý, khu vực này sẽ trở thành lò lửa”, một thành viên trong hội đồng phản biện nêu ý kiến.


Cần cam kết xử lý pin


Bên cạnh đó, việc xử lý các tấm pin bị hư hoặc hết hạn sử dụng cũng là vấn đề được hội nghị xem xét khá kỹ. Mặc dù chủ đầu tư có cam kết sẽ xử lý vấn đề này, song các đại biểu tham gia phản biện cho rằng, cần phải có những cam kết cụ thể hơn. Bởi việc xử lý pin mặt trời không hề đơn giản, các nước trên thế giới hiện đang gặp khó khăn trong vấn đề này. Nguy hiểm hơn, pin mặt trời thuộc nhóm rác thải nguy hại, có mức độ ảnh hưởng đến môi trường lớn nếu không bảo quản, xử lý đúng quy trình.


Ông Trần Văn Ngoạn - Phó Giám đốc Sở Công Thương cho biết: “Cam kết xử lý pin của chủ đầu tư rất chung chung. Dự án hàng năm đều thải ra một lượng pin nhất định, nếu không có phương án cụ thể thì sẽ rất nguy hại. Chủ đầu tư cần phải có cam kết cụ thể. Trong báo cáo đánh giá tác động môi trường, chủ đầu tư cho rằng khi pin hư, hết hạn, nhà sản xuất sẽ đưa về nơi sản xuất xử lý. Nhưng điều này lấy gì đảm bảo, phải có cam kết rõ ràng”.      

 

Dự án Nhà máy Điện mặt trời KN Cam Lâm do Công ty TNHH Điện mặt trời KN Cam Lâm thực hiện có diện tích 70ha, nằm trên địa bàn 2 xã Cam An Bắc và Cam Phước Tây, huyện Cam Lâm. Dự án có tổng vốn đầu tư khoảng 1.100 tỷ đồng. Hiện nay, quá trình thu hồi và bồi thường đất đã hoàn thành. Bộ Công Thương cũng đã đưa dự án này vào quy hoạch điện giai đoạn đến năm 2025. 

Ông Bùi Mau - Chủ tịch Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật tỉnh đề nghị: “Thời gian tới, đơn vị tư vấn cần nghiên cứu kỹ hiệu quả kinh tế và vấn đề an sinh xã hội khi dự án đi vào vận hành. Đồng thời, sớm xây dựng phương án cụ thể khi xảy ra mưa, bão, thiên tai. Trong đánh giá tác động môi trường, phải làm rõ hơn nữa vấn đề ảnh hưởng của dự án khi lắp đặt và đưa các tấm pin vào hoạt động, ảnh hưởng của việc vận hành đường dây điện cao thế đến môi trường. Đơn vị tư vấn cần nêu rõ phương án và địa chỉ cơ sở xử lý các tấm pin hết thời hạn sử dụng hoặc bị hư hỏng; thời gian và cách bảo quản các tấm pin hư, không còn khả năng sử dụng để chờ đưa đi xử lý cũng cần được nêu cụ thể”.


Đối với chủ đầu tư, ông Bùi Mau kiến nghị cần lắp đặt trạm quan trắc khí tượng tự động để theo dõi môi trường không khí, môi trường nước và những biến đổi môi trường trong khu vực. Đặc biệt, có phương án xử lý khi sự cố rò rỉ chất độc hại từ các tấm pin xảy ra, tránh tác động xấu đến môi trường. Chủ đầu tư phải lập, phê duyệt và niêm yết công khai kế hoạch quản lý môi trường của dự án; nghiêm túc thực hiện các yêu cầu về bảo vệ môi trường trong giai đoạn chuẩn bị đầu tư và thi công dự án. Khi đi vào vận hành, phải lập hồ sơ đề nghị kiểm tra, xác nhận việc đã thực hiện các biện pháp bảo vệ môi trường.


Đình Lâm