11:04, 04/04/2018

Ưu tiên phát triển đội tàu khai thác xa bờ

Trong điều kiện nguồn lợi ven bờ, vùng lộng ngày càng suy giảm, định hướng chính cho ngành đánh bắt thủy sản là phát triển đội tàu có công suất lớn, hiện đại để có thể vươn khơi xa…
 

Trong điều kiện nguồn lợi ven bờ, vùng lộng ngày càng suy giảm, định hướng chính cho ngành đánh bắt thủy sản là phát triển đội tàu có công suất lớn, hiện đại để có thể vươn khơi xa…
 
Nhiều tàu công suất nhỏ 
 
Những năm gần đây, nguồn lợi thủy sản ven bờ bị cạn kiệt, bởi số tàu thuyền khai thác vùng ven bờ và vùng lộng rất lớn, chủ yếu là tàu vỏ gỗ thô sơ... Theo ông Võ Thiên Lăng - Phó Chủ tịch Hội Nghề cá Việt Nam, Chủ tịch Hội Nghề cá Khánh Hòa, trong tình hình đó, ngành khai thác thủy sản phải thay đổi ngư trường đánh bắt để giảm áp lực cho vùng lộng và ven bờ. Để làm điều đó, cần hiện đại hóa máy móc thiết bị để nâng cao năng lực tàu thuyền, có thể vươn khơi xa hơn. Hiện nay, nhiều ngư dân trên địa bàn tỉnh đã đầu tư tàu có công suất lớn và chú trọng đến trang thiết bị công nghệ. Tuy nhiên, để xây dựng đội tàu công suất lớn, hiện đại thì phải có thời gian và cần thêm nhiều chính sách hỗ trợ, khuyến khích ngư dân.

 

Chính phủ và tỉnh đang có nhiều chính sách khuyến khích ngư dân phát triển đội tàu khai thác xa bờ.
Chính phủ và tỉnh đang có nhiều chính sách khuyến khích ngư dân phát triển đội tàu khai thác xa bờ.
 
Ông Lê Đình Khiêm - Trưởng phòng Quản lý tàu cá và cơ sở hậu cần nghề cá (Chi cục Thủy sản) cho biết: “Toàn tỉnh có gần 10.000 tàu cá đăng ký. Trong đó, số tàu cá dưới 20CV hoạt động ven bờ chiếm hơn 55%, tàu có công suất từ 20CV - dưới 90CV hoạt động vùng lộng hơn 30%. Như vậy, đội tàu có công suất hơn 90CV hoạt động ở vùng khơi chỉ chiếm khoảng 15% (1.365 chiếc có công suất hơn 400CV). Con số thống kê này cho thấy, tàu công suất nhỏ chiếm tỷ lệ rất lớn trong cơ cấu đội tàu khai thác của tỉnh, trong khi nguồn lợi ven bờ, vùng lộng ngày càng suy giảm. Điều này dẫn đến sản lượng khai thác sẽ xuống thấp, ảnh hưởng lớn đến thu nhập, đời sống của ngư dân các địa phương ven biển”.
 
Thực tế, đóng tàu công suất lớn để vươn khơi là mong ước của nhiều ngư dân. Ông Phan Thanh Long - ngư dân ở phường Ninh Hải (thị xã Ninh Hòa) tâm sự: “Tôm cá ven bờ, vùng lộng ngày càng ít cho nên muốn đánh bắt được nhiều chỉ có cách đóng tàu lớn để ra khơi xa. Tuy nhiên, cái khó nhất đối với chúng tôi là vốn, vì phần lớn ngư dân làm nghề ven bờ đều khó khăn về kinh tế. Trong khi đó, điều kiện để được vay vốn, hỗ trợ đóng mới tàu cá theo quy định nằm ngoài tầm với của hầu hết ngư dân”. 
 
Những chính sách khuyến khích
 
Nghị định 17 của Chính phủ quy định mức hỗ trợ đối với tàu khai thác, tàu dịch vụ hậu cần khai thác hải sản đóng mới vỏ thép (bao gồm cả các trang thiết bị mới) cụ thể như sau: tàu cá từ 800CV đến dưới 1.000CV: hỗ trợ 35% giá trị đầu tư đóng mới nhưng không quá 6,7 tỷ đồng/tàu; tàu cá từ 1.000CV trở lên, hỗ trợ 35% giá trị đầu tư đóng mới nhưng không quá 8 tỷ đồng/tàu. Tàu khai thác, tàu dịch vụ hậu cần khai thác hải sản đóng mới vỏ composite có công suất từ 800CV trở lên (bao gồm cả các trang thiết bị mới): hỗ trợ 35% giá trị đầu tư đóng mới nhưng không quá 6,7 tỷ đồng/tàu.
Theo ông Nguyễn Trọng Chánh - Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản, các chính sách khuyến khích phát triển khai thác thủy sản xa bờ và hiện đại hóa đội tàu khai thác của Chính phủ, của tỉnh đã giúp chuyển dịch dần cơ cấu nghề nghiệp khai thác, giảm áp lực khai thác đối với vùng biển ven bờ; số lượng tàu cá công suất lớn đã phát triển nhanh trong 3 - 4 năm gần đây. Đặc biệt từ năm 2014, UBND tỉnh đã chủ trương không phát triển tàu cá có công suất dưới 50CV. Chi cục đang tham mưu Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn trình UBND tỉnh xem xét chủ trương không đóng mới tàu cá công suất dưới 90CV trên địa bàn tỉnh. Để giúp ngư dân có điều kiện đóng mới, hoán cải tàu cá công suất lớn, chi cục đã tập trung hỗ trợ ngư dân tiếp cận với các chính sách của Nhà nước, từ việc tiếp cận vốn để đóng mới, nâng cấp tàu; hỗ trợ bảo hiểm theo Nghị định 67; hỗ trợ cho tàu cá khai thác vùng biển xa; hỗ trợ nâng cấp hầm bảo quản trên tàu cá; triển khai các chuỗi liên kết trong khai thác tiêu thụ hải sản để nâng hiệu quả chuyến biển… Chỉ tính riêng hỗ trợ đóng mới và nâng cấp tàu cá theo Nghị định 67, đến nay đã có 27 tàu hạ thủy (24 tàu đóng mới; 3 tàu cải hoán, nâng cấp); 3 tàu đang tiếp tục được đóng mới.
 
Để tiếp tục khuyến khích ngư dân đóng mới tàu cá công suất lớn, đầu năm 2018, Chính phủ đã ban hành Nghị định 17 sửa đổi, bổ sung một số điều Nghị định 67. Điểm chính đáng chú ý, ngân sách nhà nước sẽ hỗ trợ 1 lần sau đầu tư cho chủ tàu đóng mới tàu cá hoặc tàu dịch vụ hậu cần khai thác xa bờ có tổng công suất máy chính từ 800CV trở lên. Tàu được hỗ trợ phải thuộc số lượng tàu đã được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phân bổ cho tỉnh; tàu đóng mới thay thế các tàu làm nghề lưới kéo có công suất từ 90CV trở lên chuyển đổi sang làm các nghề được khuyến khích phát triển như: lưới vây, nghề lưới rê (trừ lưới rê khai thác cá ngừ), nghề câu, nghề chụp, dịch vụ hậu cần.
 
Theo ông Nguyễn Trọng Chánh, nhằm khuyến khích phát triển đội tàu công suất lớn, hiện đại, Chi cục Thủy sản sẽ tạo điều kiện thuận lợi nhất để hỗ trợ ngư dân tiếp cận với các chính sách đã được ban hành, đặc biệt là Nghị định 17 của Chính phủ. 
 
BÍCH LA