10:01, 25/01/2015

Các cơ sở đan giỏ cần xé ở Cam Lâm: Ứ đọng hàng cuối năm

Hàng ngàn giỏ cần xé hiện vẫn đang tồn trong kho của người dân Cam Lâm bởi mùa biển này vơi tôm cá…

Hàng ngàn giỏ cần xé hiện vẫn đang tồn trong kho của người dân Cam Lâm bởi mùa biển này vơi tôm cá… 

 

Hộ bà Thủy duy trì đan giỏ với hy vọng  qua Tết tình hình sẽ tốt hơn.
Hộ bà Thủy duy trì đan giỏ với hy vọng qua Tết tình hình sẽ tốt hơn.

 
Giỏ chờ cá!


Đến cơ sở Hòa Thủy (thôn Suối Cát, xã Cam Hiệp Nam) vào chiều tối, chúng tôi ngạc nhiên khi thấy gần chục người vẫn say sưa đan giỏ. Bà Trần Thị Thủy, chủ cơ sở cho biết: “Lẽ ra tôi đã xếp vốn nghỉ rồi, nhưng còn gần 100 nhân công làm các khâu, chưa kể 5 người nhà, nghỉ thì biết bao giờ thanh toán được? Thôi thì đành vừa làm vừa chờ cá”. Hiện kho nhà bà tồn hơn 10.000 giỏ, chưa kể khoảng 20.000 giỏ của các mối lẻ mà bà thu gom. Vừa rồi, bà được Quỹ Hỗ trợ nông dân cho vay 100 triệu đồng, cộng với 100 triệu đồng bà vay ngân hàng nhưng vẫn như muối bỏ bể. Mỗi ngày, bà phải trả tiền công 100.000 đồng/người, chưa kể tiền tre, mây. Ông Nguyễn Đăng Sung ở cùng thôn cũng cho biết, ông đã đan giỏ hơn 30 năm, trước có cơ sở riêng, nhưng hiện nay hàng tiêu thụ chậm nên ông đóng cửa, đi đan giỏ thuê cho bà Thủy. Trong khi đó, ngồi chơi bên cạnh chồng giỏ cao chất ngất hơn 20.000 chiếc, chị Nguyễn Thị Minh (thôn Quảng Đức) cho biết, vài trăm triệu đồng của chị chôn vốn ở đó. Tháng 1-2014, nhà chị bán được 17 chuyến (700 - 1.800 giỏ), còn từ tháng 7-2014 đến nay chẳng ai hỏi tới.


Theo ông Nguyễn Ngọc Anh, Chủ tịch Hội Nông dân xã Cam Hiệp Nam, không riêng Hòa Thủy, 6 cơ sở lớn khác trên địa bàn cũng lâm vào cảnh tương tự. Những nhà có 3 - 4 người đan khoảng 10 - 15 giỏ/ngày đã bỏ đi làm thêm việc khác. Nếu tính số hộ làm thêm nghề đan giỏ (2 người làm/hộ) thì năm 2013, toàn xã có khoảng 600 hộ, năm 2014 chỉ còn 200 - 250 hộ.


Ở xã Cam Thành Bắc, kho chứa của anh Thái Lập Sỹ (thôn Tân Sinh Đông) đang tồn khoảng 10.000 giỏ từ năm 2013, đọng vốn 320 triệu đồng. Tháng 3-2015 anh đáo hạn ngân hàng nên giờ đang phải lo chạy tiền. Nhiều người trong thôn anh đã bỏ đan giỏ đi bắt ốc. Những người còn trụ lại cũng chỉ làm cầm chừng 10 - 20 giỏ/ngày, trong khi trước đây đan 100 giỏ/ngày. Ông Lâm Ngọc Xuyên, Chủ tịch Hội Nông dân xã Cam Thành Bắc cho biết, hộ làm thêm nghề đan giỏ cần xé tập trung nhiều nhất ở thôn Tân Sinh Tây (khoảng 150 hộ). 2 năm nay, đặc biệt năm 2014, biển ít cá nên hàng ứ đọng, nhiều người không làm thêm nghề này nữa.


Nuôi hy vọng

 

 Thông tin từ Phòng Kinh tế - Hạ tầng huyện Cam Lâm, đến hết năm 2014, trên địa bàn huyện có 202 cơ sở thuộc nhóm hộ làm nghề may mặc - dệt - giày da - thủ công mỹ nghệ, trong đó có 15 cơ sở đan giỏ cần xé có đăng ký kinh doanh, còn lại là các hộ đan giỏ tự phát, làm thêm lúc nông nhàn, tập trung ở 3 xã Cam Thành Bắc, Cam Hiệp Bắc, Cam Hiệp Nam. Hết năm 2014, lượng giỏ bán được thấp hơn cùng kỳ khoảng 20%.

Trả lời cho câu hỏi vì sao vẫn duy trì nghề mà không dừng lại nếu đọng hàng nhiều, bà Thủy nói đặc thù của nghề này là đan lai rai 3 năm, nhưng chỉ cần đánh bắt cá trúng 1 tháng là giỏ bán hết veo. Cá về, bạn hàng điện thoại rồi cho xe tới liền, mỗi chuyến có thể mua 1.000 - 3.500 giỏ. Nếu cá về nhiều, cơ sở của bà có thể sản xuất được 200 - 400 giỏ/ngày, thậm chí 800 giỏ/ngày, đêm. Bà Thủy dẫn chứng: Năm 2010, biển ít cá, giá xuống còn 20.000 đồng/giỏ, nhưng khi trúng cá, giá vọt lên 61.000 đồng/giỏ. Giá tăng nhanh là bởi cá tươi cập bến cần giỏ ngay, không thể chần chừ. Tháng 1-2014, giá thị trường là 30.000 - 32.000 đồng/giỏ nhưng người mua chỉ trả 28.000 đồng/giỏ, bà tiếc không bán, mấy hôm sau hết cá thì chào mời cũng không ai mua. Giờ chỉ hy vọng vụ cá Tết này, bởi chỉ khi nào biển hết cá thì nghề này mới hết đất sống.


Anh Sỹ phân tích, trước đây giỏ nhựa chỉ chiếm khoảng 10% thị trường, nhưng nay chiếm khoảng 50% (chủ yếu thị trường trong tỉnh), bởi người Khánh Hòa dùng giỏ nhựa vận chuyển bằng xe máy, ô tô thuận tiện hơn. Giỏ tre ở thôn anh và một số thôn khác chủ yếu xuất đi Phan Thiết. Ngoài ra, không như cá thu, cá ồ, một số loại như cá cơm, cá nục phải chứa bằng giỏ tre mới tươi lâu nên về lâu dài, nghề đan giỏ cần xé vẫn có tương lai, quan trọng là biển có cho nhiều cá tôm hay không. Chị Minh cũng quyết tâm không bỏ nghề và hy vọng từ nay tới sau Tết tình hình đánh bắt khá hơn.


TIỂU MAI