08:08, 08/08/2019

Acura - xe sang Nhật lắp ráp thủ công trên đất Mỹ

Jayme Cummins phải lắp bằng tay các chi tiết với mức độ sai lệch không quá nửa milimet, nếu không cô sẽ làm lại từ đầu.
 

Jayme Cummins phải lắp bằng tay các chi tiết với mức độ sai lệch không quá nửa milimet, nếu không cô sẽ làm lại từ đầu.
 
"Một nửa milimet là chiều cao của vài trang giấy xếp chồng lên nhau, hay tương đương một nửa chiều dày của chiếc thẻ tín dụng hoặc một đồng xu. Nếu quy đổi, con số đó sẽ rơi vào khoảng 1/200 inch". Tác giả Aaron Cole mở đầu trong bài viết trên Motor Authority về quy trình lắp ráp xe Acura thủ công ở Mỹ. 
 
Đó cũng là sai số tối đa cho phép đối với Jayme Cummins, một trong những người tham gia lắp ráp xe mới tại Trung tâm sản xuất xe hiệu năng cao (PMC - Performance Manufaturing Center) của Acura tại Marysville, Ohio. Đây là nơi cho ra đời những chiếc xe Acura đáng tin cậy nhất trên thế giới.

Thợ kiểm tra bề mặt xe.
Thợ kiểm tra bề mặt xe.
 
 
Jayme Cummins chịu trách nhiệm lắp các bộ phận như nắp capo, đèn pha và cản trước lại với nhau, công việc đòi hỏi sự kiên nhẫn và chính xác của một bác sĩ phẫu thuật, đồng thời có đôi mắt tinh tường của một kỹ sư để đảm bảo mọi chi tiết dù nhỏ nhất đều phải hoàn hảo. Cummins cô đơn trong không gian của mình, bao quanh bởi những thùng các tông chứa hộp số và các thành phần cơ khí khác.
 
Chỉ có 3 mẫu Acura được lắp ráp tại trung tâm PMC: siêu xe NSX, sedan TLX và chiếc crossover MDX. Cummins lắp ráp các chi tiết phần đầu xe hoàn toàn bằng tay. Cô tập trung chính xác và tỉ mỉ ở những chi tiết quan trọng nhất, chỉ cần làm lệch một nửa milimet, công việc của cô sẽ phải kiểm tra lại.
 
Những gì Cummins làm với chiếc xe sẽ là những thứ đầu tiên đập vào mắt nhiều người; là vị trí ưu tiên; không chỉ là bộ mặt của chiếc xe, nó là bộ mặt của cả thương hiệu Acura.
 
Mỗi ngày cô có thể hoàn thiện "khuôn mặt" cho 6 chiếc TLX, với NSX thì con số chỉ là một, mẫu xe này yêu cầu nhiều thời gian hơn. Cô lặng yên tập trung cao độ khi đôi tay đang kiểm tra một bộ đèn pha LED. Đồng nghiệp và quản lý không thể nhớ rõ lần cuối cùng Cummins mắc lỗi là khi nào. Nó đã quá lâu.
 
"Cô ấy chắc chắn kiên nhẫn hơn tôi trong mọi thời điểm, kể cả là sau này," Jeff Britton, Giám đốc bộ phận lắp ráp tại PMC nhận xét về đồng nghiệp. Britton đã làm việc cho Honda được 36 năm, anh hiểu rõ sự kiên nhẫn sau vài thập kỷ liên quan tới công việc này. Trước đây, Britton từng đảm trách lắp ráp đèn pha trên những chiếc môtô Goldwing. Giờ đây, anh quan sát nhân viên cẩn thận thao tác với các bộ phận phía trên nắp động cơ và hệ thống giảm xóc, trong "vở ba lê của kỹ nghệ lắp ráp hoàn hảo từng milimet" từng ngày.

Những vết sơn chưa chuẩn được đánh dấu.
Những vết sơn chưa chuẩn được đánh dấu.
 
 
Ngoài Britton và Cummins, còn có 98 người khác làm việc thường xuyên ở PMC, tham gia lắp ráp thủ công những chiếc Acura cao cấp nhất tại đây.
 
Quy trình lắp ráp không mấy khác biệt so với các thương hiệu ôtô cao cấp khác. Gần như tất cả đều có những dây chuyền lắp ráp thủ công sử dụng kinh nghiệm và hiểu biết của riêng mình. Rolls-Royce nổi tiếng với những chiếc siêu sang lắp ráp bằng tay ở trình độ thượng thừa. Bentley và Ferrari cũng xây dựng thương hiệu hiện tại dựa trên nền tảng kỹ nghệ hoàn thiện thủ công, phân nhánh Mercedes-AMG tự hào khi mỗi động cơ đều được gắn tên của kỹ sư làm ra nó.
 
Tại trung tâm PMC, mỗi chiếc Acura được hoàn thiện sẽ đi kèm một tấm thẻ kim loại được dập nổi, trên tấm thẻ đó có đánh số thứ tự cho từng xe.
 
"Đó là kí hiệu của chúng tôi," Britton nói.
 
Honda đang gấp rút hướng tới kỷ niệm 40 năm sản xuất tại Mỹ vào ngày 10/9 tới. Sản phẩm đầu tiên lăn bánh khỏi dây chuyền tại bang Ohio lại không phải một chiếc xe hơi, nó là chiếc mô tô CBR250 đời 1979. Không lâu sau đó, Ohio trở thành nơi ra đời của những chiếc Accord và Acura TL, và ở hiện tại, nhà máy tại đây đang lắp ráp các mẫu CR-V nhiều nhất có thể.
 
Dọc theo con phố từ phía những dây chuyền lắp ráp, trung tâm PMC vận hành trong một xưởng chế tạo ghế xe cũ, nơi sau đó là một nhà kho. Vào năm 2003, thời điểm Acura có những kế hoạch cho chiếc NSX thế hệ mới, nhà kho trống trơn ấy đã lột xác trở thành một học viện "hàng đầu" dành cho các công nhân lắp ráp xe Acura. Những nhân viên tiềm năng của trung tâm PMC được phỏng vấn và kiểm tra, chỉ một vài người được chọn để lắp ráp xe trong nhà máy. Một quy trình đòi hỏi phải vắt kiệt sức.

Thẻ kim loại đánh số thứ tự xe.
Thẻ kim loại đánh số thứ tự xe.
 
 
Chỉ riêng thân xe NSX đã yêu cầu tới hơn 900 mối hàn MIG. Nếu trải ra, hỗn hợp vật liệu hàn đó sẽ có chiều dài tương đương 45,1 m. Hầu hết quá trình hàn được thực hiện bằng robot để đảm bảo sự đồng nhất, dù vậy, một kỹ thuật viên hàn tay nghề cao sẽ luôn giám sát cũng như lập trình cho hệ thống máy hàn robot để phát hiện những sai lệch nhỏ trong vật liệu và đo lường. Những cánh tay robot có thể nâng hầu hết các chi tiết nặng, nhưng các công nhân nhiều tài năng sẽ luôn kiểm soát từng chuyển động của chúng.
 
Việc hàn và chuẩn bị thân xe NSX cũng như tới những chiếc xe đua NSX hoàn thiện có thể mất tới 2 tuần cho mỗi lô gồm 8 chiếc; từng cái đinh tán được xem xét kỹ lưỡng, từng con ốc được phân tích.
 
Susan Dulix là giám đốc bộ phận kiểm tra chất lượng, cô di chuyển trên mặt sàn mỗi ngày, kiểm tra từng thân xe phủ sơn trắng của những chiếc MDX và TLX phiên bản PMC. Cô cũng bám sát quy trình sản xuất những chiếc NSX trong tuần đó. Susan tự hào giới thiệu nhà máy tới những chủ sở hữu xe NSX thế hệ mới. Acura cung cấp một hành trình tham quan tới khách hàng giúp họ tận mắt chứng kiến chiếc xe của mình đang được lắp ráp ra sao. Ở đó, họ luôn muốn tự tay lắp đặt một bộ phận nào đó trên chiếc xe mình đã chọn, như logo chẳng hạn, và đôi khi họ kết bạn với những công nhân trong nhà máy, rồi gửi cho họ những bức ảnh chụp cùng chiếc xe sau khi họ nhận xe, Susan cho biết.
 
Mỗi chiếc xe lăn bánh khỏi khu vực lắp ráp luôn được theo dõi và lưu trữ hồ sơ rất cẩn thận. Honda thậm chí giữ các thông số về lực siết của từng chiếc bu lông cho mỗi xe trong 75 năm kể từ ngày sản xuất. Mặc dù quy trình hiện tại gần như diễn ra tự động, thì con người và máy móc vẫn luôn cần phải kết hợp với nhau trong những dây chuyền sản xuất xe tiên tiến tại nơi đây. Khi xe được chuyển tới phòng xử lý bề mặt, hàng loạt bóng đèn LED sẽ rọi xuống lớp sơn. Những khiếm khuyết nhỏ sẽ được loại bỏ.
 
Christian kiểm tra kỹ lưỡng từng góc và khe hở, mài và đánh bóng lớp sơn bằng tay mọi khu vực trên bề mặt. Anh làm việc, mỉm cười, lau chùi từng inch cho tới khi hàm răng trắng bóng phản chiếu lấp lánh trên nước sơn màu đỏ thẫm. Phía sau phân xưởng của Christian, một lá cờ Mỹ rất to cao 3 m treo trên tường. Nó nhắc nhở mỗi kỹ thuật viên lắp ráp tại trung tâm PMC về một niềm tự hào lớn lao chứa đựng trong những chi tiết nhỏ của mỗi chiếc xe lăn bánh khỏi nhà máy.

Nhà máy PMC tại Mỹ.
Nhà máy PMC tại Mỹ.
 
Sau khi Cristian hoàn thành công việc, những chiếc xe sẽ lăn bánh tới một khu vực giả lập điều kiện đường xá thực tế. Xe sẽ được đưa lên một máy rung 4 chân đặt tại vị trí mỗi bánh. Mọi sai sót kỹ thuật của hệ thống khung gầm và hệ thống treo sẽ được phát hiện. Cỗ máy rung đặc biệt bắt đầu hoạt động sau mỗi quy trình lắp ráp, nó sẽ tạo ra những rung động lớn tới mức sẵn sàng phá hủy cả khối động cơ dưới nắp ca-pô. Vượt qua được bài thử, những chiếc xe sẽ lăn bánh thẳng vào thùng container, tất cả đều chỉ dưới 5 km trên đồng hồ công tơ mét.
 
Dù cho đã lắp ráp hàng ngàn xe, nhưng Britton nói anh vẫn phải bước ra ngoài khỏi sàn nhà máy khi động cơ những chiếc Acura được khởi động trước lúc đặt trên máy rung. Đó là một bài kiểm tra rất khắc nghiệt.
 
Anh có thể nghe thấy âm thanh nó phát ra từ phòng họp, ngay phía sau cánh cửa kính mờ dẫn tới lối vào, ở đó những khách hàng mới sẽ nhìn thấy ngôi nhà nơi những chiếc Acura ra đời.
 
"Nó là trái tim của mỗi chiếc xe, đập nhịp đập đầu tiên để bắt đầu một cuộc đời." "Đó là khoảnh khắc những chiếc Acura được sinh ra", Britton nói.
 
Theo vnexpress