11:06, 09/06/2022

Đẩy mạnh thực hiện chương trình phát triển tài sản trí tuệ

Sở Khoa học và Công nghệ Khánh Hòa với vai trò cơ quan đầu mối tham mưu UBND tỉnh về sở hữu trí tuệ đã tích cực đẩy mạnh nhiều hoạt động, tạo chuyển biến trong nhận thức và công tác phát triển tài sản trí tuệ trên địa bàn. 

Sở Khoa học và Công nghệ (KH-CN) với vai trò cơ quan đầu mối tham mưu UBND tỉnh về sở hữu trí tuệ (SHTT) đã tích cực đẩy mạnh nhiều hoạt động, tạo chuyển biến trong nhận thức và công tác phát triển tài sản trí tuệ trên địa bàn. Hiện nay, Sở KH-CN đang tập trung triển khai các nội dung thuộc Chương trình phát triển tài sản trí tuệ của tỉnh giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến năm 2030. Bà Nguyễn Thị Hoàng Diệp - Phó Giám đốc Sở KH-CN trả lời phỏng vấn Báo Khánh Hòa về vấn đề này.

- Thưa bà, những năm qua, công tác SHTT trên địa bàn tỉnh luôn được quan tâm. Xin bà cho biết một số kết quả cụ thể?

 

Sở Khoa học và Công nghệ (KH-CN) với vai trò cơ quan đầu mối tham mưu UBND tỉnh về sở hữu trí tuệ (SHTT) đã tích cực đẩy mạnh nhiều hoạt động, tạo chuyển biến trong nhận thức và công tác phát triển tài sản trí tuệ trên địa bàn. Hiện nay, Sở KH-CN đang tập trung triển khai các nội dung thuộc Chương trình phát triển tài sản trí tuệ của tỉnh giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến năm 2030. Bà Nguyễn Thị Hoàng Diệp - Phó Giám đốc Sở KH-CN trả lời phỏng vấn Báo Khánh Hòa về vấn đề này.


- Nhằm nâng cao nhận thức, hiểu biết pháp luật về SHTT, nhất là Luật SHTT cho tất cả các nhóm đối tượng quyền SHTT (quyền tác giả và quyền liên quan đến quyền tác giả, quyền sở hữu công nghiệp, quyền đối với giống cây trồng), hoạt động tuyên truyền, phổ biến Luật SHTT được các cơ quan chuyên môn thực hiện thường xuyên, liên tục theo kế hoạch hàng năm với nhiều phương thức, hình thức tổ chức khác nhau. Nhờ đó, nhận thức của các tổ chức, cá nhân ngày càng cao về Luật SHTT, các quy định về đăng ký, bảo vệ quyền SHTT khi đưa các sản phẩm hàng hóa, dịch vụ ra thị trường. Đặc biệt, cơ quan chức năng của tỉnh đã tích cực hướng dẫn, hỗ trợ các tổ chức, cá nhân tiến hành các thủ tục đăng ký bảo hộ, thực thi quyền sở hữu công nghiệp. Qua số liệu thống kê từ Trang Thông tin điện tử của Cục SHTT (Bộ KH-CN), giai đoạn 2016 - 2020, toàn tỉnh có hơn 1.500 đơn đăng ký quyền sở hữu công nghiệp, kết quả có gần 600 văn bằng được cấp; tổng số đơn đăng ký quyền sở hữu công nghiệp tăng dần theo các năm, tăng trung bình hơn 11,1%/năm.


Hiện nay, toàn tỉnh có 11 thương hiệu sản phẩm đặc trưng sử dụng tên địa danh, chỉ dẫn địa lý của các địa phương, trong đó có 8 sản phẩm đang được hỗ trợ triển khai mô hình quản lý, khai thác và phát triển tài sản trí tuệ. Các sản phẩm đặc trưng được xây dựng thương hiệu có sử dụng tên địa danh dưới hình thức nhãn hiệu chứng nhận, nhãn hiệu tập thể gồm: Xoài Cam Lâm, dừa xiêm Ninh Đa, hoa cúc Ninh Giang (thị xã Ninh Hòa), sầu riêng Khánh Sơn, bưởi da xanh Khánh Vĩnh, táo Cam Thành Nam (TP. Cam Ranh), nước mắm Nha Trang, yến sào Nha Trang bước đầu đã mang lại hiệu quả kinh tế cho các hộ sản xuất, kinh doanh và góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của các địa phương, góp phần quan trọng trong quá trình triển khai, nâng cao hiệu quả của Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP) và xây dựng nông thôn mới của tỉnh…


- UBND tỉnh vừa ban hành quy định quản lý, thực hiện Chương trình phát triển tài sản trí tuệ của tỉnh giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến năm 2030. Bà có thể cho biết kỹ hơn về chương trình này?


- Để triển khai hiệu quả Quyết định số 2205 ngày 24-12-2020 của Thủ tướng Chính phủ về ban hành Chương trình phát triển tài sản trí tuệ đến năm 2030 và Kế hoạch số 3621 ngày 5-5-2021 của UBNB tỉnh về triển khai thực hiện Chiến lược SHTT của tỉnh đến năm 2030, UBND tỉnh đã ban hành Chương trình phát triển tài sản trí tuệ tỉnh giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến năm 2030 kèm theo Quyết định số 2049 ngày 19-7-2021 của UBND tỉnh; ngày 16-5-2022, UBND tỉnh ban hành quy định quản lý, thực hiện chương trình.


Theo đó, Chương trình phát triển tài sản trí tuệ của tỉnh giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến năm 2030 đặt mục tiêu đưa SHTT trở thành công cụ quan trọng nâng cao năng lực cạnh tranh của tỉnh, tạo môi trường khuyến khích đổi mới sáng tạo, thúc đẩy phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội của tỉnh; hướng tới hình thành văn hóa SHTT trên địa bàn tỉnh, phù hợp với bối cảnh toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế. Mục tiêu cụ thể: Đến năm 2025, phấn đấu 100% các trường đại học, viện nghiên cứu, tổ chức KH-CN, doanh nghiệp KH-CN được tuyên truyền, nâng cao nhận thức về các quy định pháp luật liên quan đến Luật SHTT và hỗ trợ, hướng dẫn đăng ký bảo hộ quyền SHTT cho các kết quả nghiên cứu KH-CN và đổi mới sáng tạo. Có ít nhất 5 sản phẩm, dịch vụ đặc trưng, chủ lực có tiềm năng xuất khẩu, các tri thức truyền thống, văn hóa dân gian của tỉnh; ít nhất 50% sản phẩm thuộc Chương trình OCOP, sản phẩm tham gia cụm liên kết ngành, chuỗi giá trị trên địa bàn tỉnh được hỗ trợ, hướng dẫn đăng ký bảo hộ quyền SHTT, hỗ trợ các hoạt động quản lý, khai thác và phát triển tài sản trí tuệ, kiểm soát nguồn gốc và chất lượng sau khi được bảo hộ.


Đến năm 2030, phấn đấu số lượng đơn đăng ký sáng chế, giải pháp hữu ích tăng trung bình 20%/năm; số lượng đơn đăng ký kiểu dáng công nghiệp tăng trung bình 3%/năm; số lượng đơn đăng ký nhãn hiệu tăng trung bình 10-15%/năm. Có ít nhất 1 sản phẩm, dịch vụ đặc trưng, chủ lực có tiềm năng xuất khẩu của tỉnh được hỗ trợ xây dựng, đăng ký bảo hộ quyền SHTT ra nước ngoài; ít nhất 2-3 giống cây trồng của tỉnh được hỗ trợ đăng ký bảo hộ quyền SHTT đối với giống cây trồng; ít nhất 5 tài sản trí tuệ trên địa bàn tỉnh được thương mại hóa. Có ít nhất 10 sản phẩm, dịch vụ đặc trưng, chủ lực có tiềm năng xuất khẩu, các tri thức truyền thống, văn hóa dân gian của tỉnh; ít nhất 70% sản phẩm thuộc Chương trình OCOP, sản phẩm tham gia cụm liên kết ngành, chuỗi giá trị trên địa bàn tỉnh được hỗ trợ, hướng dẫn đăng ký bảo hộ quyền SHTT, hỗ trợ các hoạt động quản lý, khai thác và phát triển tài sản trí tuệ, kiểm soát nguồn gốc và chất lượng sau khi được bảo hộ.


Chương trình có 6 nhóm nội dung, giải pháp trọng tâm gồm: Tăng cường các hoạt động tạo ra tài sản trí tuệ, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực về đổi mới sáng tạo và SHTT; thúc đẩy đăng ký bảo hộ tài sản trí tuệ ở trong và ngoài nước; nâng cao hiệu quả quản lý, khai thác và phát triển tài sản trí tuệ; thúc đẩy và tăng cường hiệu quả thực thi và chống xâm phạm quyền SHTT; phát triển, nâng cao năng lực các tổ chức trung gian và chủ thể quyền SHTT; hình thành, tạo dựng văn hóa SHTT trong xã hội. Các nhiệm vụ thuộc chương trình nêu trên phân thành 2 nhóm: Nhiệm vụ thường xuyên và nhiệm vụ KH-CN thuộc chương trình; công tác tổ chức, phân công trách nhiệm thực hiện các nhiệm vụ được giao cụ thể cho các cơ quan chuyên môn, đơn vị trên địa bàn tỉnh.


- Sở KH-CN sẽ triển khai những giải pháp gì để thực hiện hiệu quả chương trình này, thưa bà?


- Từ những mục tiêu đặt ra của chương trình trong giai đoạn này, Sở KH-CN sẽ tập trung thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp. Trong đó, quan tâm thúc đẩy đăng ký bảo hộ tài sản trí tuệ trong và ngoài nước, xây dựng cơ sở dữ liệu, các công cụ và cung cấp dịch vụ thông tin SHTT của tỉnh; hỗ trợ tra cứu, khai thác thông tin SHTT cho các tổ chức KH-CN, doanh nghiệp khởi nghiệp đổi mới sáng tạo; hỗ trợ hình thành và phát triển các tổ chức trung gian tư vấn chuyển giao, thương mại hóa tài sản trí tuệ; xây dựng và triển khai các chương trình tập huấn, đào tạo kiến thức pháp luật về SHTT cho các trường, viện, tổ chức KH-CN, doanh nghiệp có hoạt động KH-CN và đổi mới sáng tạo… Đồng thời, tiếp tục đẩy mạnh việc hỗ trợ đăng ký bảo hộ tài sản trí tuệ ở trong và ngoài nước đối với các đối tượng thuộc quyền SHTT và  xây dựng, đăng ký bảo hộ thương hiệu các sản phẩm đặc trưng của tỉnh; nâng cao hiệu quả quản lý, khai thác, phát triển các thương hiệu sản phẩm có sử dụng tên địa danh, chỉ dẫn địa lý đã đăng ký bảo hộ chỉ dẫn địa lý, nhãn hiệu chứng nhận, nhãn hiệu tập thể và sản phẩm thuộc Chương trình OCOP gắn với đăng ký mã số vùng trồng, quản lý an toàn thực phẩm, kiểm soát và chứng nhận chất lượng và xác thực, truy xuất nguồn gốc sản phẩm được bảo hộ theo hướng hợp tác, liên kết chuỗi giá trị… góp phần tạo thị trường tiêu thụ ổn định sản phẩm của tỉnh.


- Xin cảm ơn bà!


KIỀU CHÂU (Thực hiện)