10:08, 26/08/2020

172 nước tham gia kế hoạch bảo đảm công bằng vaccine SARS-CoV-2

Ngày 24/8, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cho biết 172 nước đang tham gia kế hoạch mang tên COVAX do tổ chức này dẫn đầu nhằm bảo đảm sự tiếp cận công bằng vaccine ngừa virus SARS-CoV-2 gây ra dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19.

Ngày 24/8, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cho biết 172 nước đang tham gia kế hoạch mang tên COVAX do tổ chức này dẫn đầu nhằm bảo đảm sự tiếp cận công bằng vaccine ngừa virus SARS-CoV-2 gây ra dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19.

 


Phát biểu trước báo giới, Tổng Giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus nêu rõ: "Ban đầu, nguồn cung vaccine phòng dịch COVID-19 có thể bị hạn chế nên điều quan trọng là phải cung cấp vaccine cho những người dễ có nguy cơ lây nhiễm nhất trên toàn cầu”.

Ông cũng nhấn mạnh việc huy động thêm nguồn tài trợ đang trở nên cấp bách và các quốc gia cần đưa ra những cam kết mang tính ràng buộc.

Trong khi đó, Cố vấn cấp cao của WHO, ông Bruce Aylward, cùng ngày đã lên tiếng kêu gọi các nước tham gia kế hoạch COVAX. Ông nêu rõ: “Điều then chốt là phải bảo đảm các vaccine có thể được chuyển tới tất cả các quốc gia càng sớm càng tốt”.

Trước đó, khi đề cập tới hiện tượng mà ông gọi là "chủ nghĩa dân tộc vaccine", Tổng Giám đốc Ghebreyesus đã cảnh báo điều này đang khiến cuộc khủng hoảng y tế hiện nay do dịch bệnh COVID-19 gây ra trở nên tồi tệ hơn.

Ông Ghebreyesus cho biết ông đã gửi thư tới tất cả các nước thành viên của WHO, trong đó đề nghị những nước này tham gia nỗ lực đa phương về phát triển vaccine phòng ngừa COVID-19.

EU bảo đảm nguồn cung vaccine

Thời gian qua, Ủy ban châu Âu (EC) vẫn không ngừng nỗ lực nhằm cụ thể hóa chiến lược bảo đảm nguồn cung vaccine ngừa COVID-19 cho công dân của “lục địa già”.

EC hiện đã thương lượng sơ bộ với các hãng dược phẩm như Sanofi-GSK, Johnson&Johnson et Curevac và Moderna. Đặc biệt, EC đã đạt được một thỏa thuận cung cấp vaccine với hãng dược phẩm liên doanh Anh-Thụy Điển AstraZeneca.

EC hiện đã đạt được thỏa thuận với Sanofi-GSK để có được 300 triệu liều vaccine khi vaccine phòng COVID-19 của hãng này chứng minh được hiệu quả và an toàn. Tương tự, EU cũng đã có được nguồn cung vaccine từ Johnson&Johnson với 200 triệu liều. Đặc biệt, EU kỳ vọng vào nhiều vào vaccine của AstraZeneca với thỏa thuận cung cấp 300 triệu liều và lựa chọn bổ sung thêm 100 triệu liều nữa.

Theo EC, hiện nay trên thế giới có hơn 165 loại vaccine ngừa COVID-19 đang được nghiên cứu và phát triển và 32 loại vaccine đang được thử nghiệm trên người. Theo thống kê mới nhất của giới khoa học châu Âu, hiện có 7 loại vaccine đang được thử nghiệm ở giai đoạn 3, tức giai đoạn cuối trước khi được thương mại hóa.

Hiện loại vaccine được đánh giá cao và có triển vọng nhất trong số này là vaccine ChAdOx1 nCoV-19 do Đại học Oxford và hãng dược phẩm AstraZeneca cùng nghiên cứu và phát triển.

Theo các chuyên gia y tế châu Âu, miễn dịch cộng đồng là điều xa vời, chính vì vậy, điều chế vaccine chống COVID-19 chính là giải pháp hiệu quả nhất hiện nay.

Theo chinhphu.vn