01:08, 21/08/2018

Quản lý hoạt động lặn biển: Cần có sự phối hợp

Lâu nay, việc quản lý hoạt động lặn biển và thể thao giải trí trên biển có sự tham gia của rất nhiều sở, ngành, địa phương. Nhưng do thiếu sự phối hợp nên đã bộc lộ nhiều bất cập, gây phiền hà đối với doanh nghiệp.

Lâu nay, việc quản lý hoạt động lặn biển và thể thao giải trí trên biển có sự tham gia của rất nhiều sở, ngành, địa phương. Nhưng do thiếu sự phối hợp nên đã bộc lộ nhiều bất cập, gây phiền hà đối với doanh nghiệp.


Thiếu sự phối hợp


Từ nhiều năm nay, loại hình lặn biển, thể thao giải trí trên biển như: kéo dù, lướt ván, mô tô nước, thuyền buồm, fly boar… đã trở thành sản phẩm du lịch đặc trưng của Nha Trang - Khánh Hòa. Khách du lịch cũng rất ưa chuộng sử dụng các dịch vụ này trong hành trình tour tham quan biển đảo. Các hoạt động nêu trên chịu sự quản lý của nhiều cơ quan chức năng. Cụ thể, Sở Văn hóa và Thể thao chịu trách nhiệm chính trong việc cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện hoạt động. UBND cấp huyện có vai trò bố trí các điểm được phép. Bộ đội Biên phòng có nhiệm vụ quản lý, bảo vệ chủ quyền, an ninh biển đảo nơi tổ chức các dịch vụ trên. Lực lượng công an triển khai biện pháp đảm bảo an ninh, trật tự, cứu hộ, cứu nạn. Sở Giao thông vận tải thực hiện chức năng kiểm tra, giám sát các hoạt động giao thông và phương tiện giao thông trên biển. Ngoài ra, các sở: Du lịch, Thông tin và Truyền thông, Tài nguyên và Môi trường, Công Thương cũng căn cứ vào chức năng, nhiệm vụ của mình trong việc thực hiện các quy định liên quan.

 

Du khách sử dụng dịch vụ lặn biển bằng mũ thợ lặn.

Du khách sử dụng dịch vụ lặn biển bằng mũ thợ lặn.


Tuy có sự tham gia quản lý của nhiều đơn vị, địa phương, nhưng do thiếu sự phối hợp nên việc quản lý đối với các hoạt động lặn biển, thể thao giải trí trên biển vẫn chưa thực sự hiệu quả. “Trong lĩnh vực kinh doanh lặn biển và thể thao giải trí trên biển vẫn còn những doanh nghiệp chưa được cấp phép, chưa đủ điều kiện vẫn nghiễm nhiên hoạt động. Điều này vừa tiềm ẩn nguy cơ gây mất an toàn đối với du khách, vừa tạo sự thiếu công bằng giữa các doanh nghiệp. Ngoài ra, việc có quá nhiều sở, ngành, địa phương cùng tham gia quản lý đã gây khó khăn, phiền hà cho doanh nghiệp”, ông Nguyễn Huy Hân - Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Việt Asia Nha Trang (doanh nghiệp chuyên tổ chức dịch vụ lặn biển) cho biết.


Ông Võ Ngọc Hùng - Phó Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao cho biết: “Lâu nay, sự phối kết hợp giữa các sở, ngành, địa phương trong vấn đề này vẫn chưa có văn bản pháp quy nào quy định cụ thể. Việc phối hợp chỉ mang tính chất sự việc, sự vụ và chưa có sự chủ động, tự giác của các đơn vị, địa phương. Từ đó, chúng tôi thấy các cơ quan chức năng cần có sự phối hợp quản lý một cách chặt chẽ hơn, đúng quy định”.

 

Đang xây dựng quy chế


Ông Võ Ngọc Hùng cho biết: “Sở Văn hóa và Thể thao đã xây dựng bản dự thảo quy chế phối hợp hoạt động giữa các sở, ngành, địa phương trong việc quản lý tổ chức hoạt động lặn biển, thể thao giải trí trên biển. Hiện nay, bản dự thảo này đã gửi cho các sở, ngành, địa phương liên quan góp ý để sở hoàn thiện trước khi trình cho UBND tỉnh có quyết định ban hành. Việc thực hiện quy chế sẽ giúp cho việc phát hiện, xử lý kịp thời các hành vi vi phạm, góp phần xây dựng hoạt động lặn biển, thể thao giải trí trên biển phát triển bền vững, tạo ra sản phẩm du lịch an toàn”.


 Bản dự thảo có 4 chương, 22 điều quy định một cách chi tiết, cụ thể về nguyên tắc, cách thức, nội dung, hình thức phối hợp. Bên cạnh đó, quy định rõ trách nhiệm của cơ quan chủ trì và các cơ quan phối hợp; trách nhiệm cụ thể của các sở, ngành, địa phương liên quan. Khi quy chế phối hợp trong vấn đề này được ban hành sẽ là cơ sở để các sở, ngành, địa phương liên quan tổ chức triển khai thực hiện việc quản lý được hiệu quả hơn. Các cơ quan chức năng liên quan sẽ có sự theo dõi tình hình thực hiện quy chế, đề xuất các giải pháp để thực hiện quy chế được tốt hơn, nhất là việc quản lý sẽ không còn tình trạng chồng chéo, gây phiền hà cho doanh nghiệp.


Giang Đình