10:07, 12/07/2019

Khó xử lý triệt để nạn ăn xin

Sau một thời gian tạm lắng, nạn ăn xin tại TP. Nha Trang đang tái diễn với những biến tướng khác nhau.

Sau một thời gian tạm lắng, nạn ăn xin tại TP. Nha Trang đang tái diễn với những biến tướng khác nhau.


Ăn xin trá hình


Hiện nay, tại một số khu vực ở phường Phương Sài (TP. Nha Trang) như đường Bà Triệu, cây xăng Mả Vòng, các quán nhậu, cà phê, nhiều người dễ dàng bắt gặp cảnh những người ăn xin. Chúng tôi đã theo chân một nhóm gồm 2 phụ nữ dẫn theo 3-4 trẻ em khoảng 8-10 tuổi, ăn mặc rách rưới, lem luốc đi xin ăn suốt cả buổi. Họ dẫn các em lê la các hàng quán để xin. Khi các em xin được tiền lập tức phải nộp lại cho 2 phụ nữ này.

 

Khách cho tiền người ăn xin tại một quán cà phê.

Khách cho tiền người ăn xin tại một quán cà phê.


Một lần khác, trên đường 23-10, dưới cái nắng giữa trưa như đổ lửa, chúng tôi bắt gặp người đàn ông đi xe đạp chở 2 cháu nhỏ 4-5 tuổi vào một quán cà phê ven đường. Các cháu nhỏ cầm tập vé số chào mời khách trong quán. Rất ít khách mua vé số, chỉ có một số người thương cảm cho các cháu bé một ít tiền lẻ. Đi hết một lượt trong quán, các cháu nhanh chóng lên xe tiếp tục cuộc hành trình xin ăn dưới vỏ bọc bán vé số.


Những trường hợp như trên không phải hiếm gặp. Các đối tượng lang thang xin ăn thường tập trung ở khu vực chùa chiền vào các ngày rằm, mùng một âm lịch dưới hình thức bán nhang hay bán đồ cúng lễ; còn ở các hàng quán, trên những tuyến phố, họ lại ngụy trang bằng hình thức bán vé số, bán kẹo… Dưới bộ dạng rách rưới, tật nguyền hoặc mang theo trẻ nhỏ… họ kiếm sống bằng lòng thương hại của mọi người. Nhưng đây cũng là cách để đối phó với cơ quan chức năng nếu chẳng may bị bắt gặp. Ngoài ra, các đối tượng xin ăn còn giả làm người bệnh, người thân của bệnh nhân để xin ăn tại các bệnh viện. Họ nằm vật vạ tại các hành lang, khu chờ và chỉ xin khi không có nhân viên bệnh viện.


Khó khăn trong xử lý

 

Theo khuyến nghị của lãnh đạo Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội TP. Nha Trang, người dân khi phát hiện hành vi lang thang, “chăn dắt” ăn xin thì báo về đường dây nóng theo số 02583.525440 bất kể giờ giấc.

Theo lãnh đạo Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội TP. Nha Trang, từ khi triển khai đề án thực hiện mục tiêu không có người lang thang, ăn xin trên địa bàn giai đoạn 2015-2020, đến nay, Đội 524 (Đội chuyên trách tập trung người lang thang xin ăn) đã phối hợp với các đơn vị, địa phương đưa hơn 500 lượt đối tượng lang thang ăn xin vào Trung tâm Bảo trợ xã hội tỉnh. Thông qua đường dây nóng, đội cũng đã tiếp nhận hơn 100 tin báo của nhân dân, tập trung được hơn 90 đối tượng đưa về trung tâm. Bên cạnh đó, đội đã kịp thời xác minh làm rõ những phản ánh của cán bộ và nhân dân về hiện tượng trẻ em có dấu hiệu bị lạm dụng “chăn dắt” xin ăn. Việc xử lý các đối tượng liên quan đến hành vi ăn xin trên địa bàn thành phố có số lượng giảm theo từng năm. Năm 2016, Đội 524 xử lý 231 trường hợp, đến năm 2018 chỉ còn 88 trường hợp.


Theo quy định, các đối tượng ăn xin vi phạm lần đầu sẽ được đưa vào Trung tâm Bảo trợ xã hội tỉnh và giữ lại trong vòng 7 ngày. Nếu tái phạm, trung tâm sẽ giữ lại 90 ngày, sau đó phối hợp với UBND các xã, phường để bàn giao lại cho gia đình, người thân. Nhưng thực tế, việc làm này gặp rất nhiều khó khăn, nhất là với các đối tượng đến từ những tỉnh khác. Những trường hợp như vậy, Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội đã gửi nhiều công văn, nhưng không nhận được phản hồi.


Một vấn đề khác cũng cần nhận được sự quan tâm của các cấp, ngành chính là chế độ phụ cấp cho những người trực tiếp đi thực hiện nhiệm vụ này còn khá thấp. Đó là chưa kể những mối nguy hiểm mà họ gặp phải trong quá trình xử lý các đối tượng xin ăn. Mặt khác, do thiếu nhân sự nên Đội 524 chỉ thường tập trung làm nhiệm vụ ở những con đường chính, nơi tập trung đông khách du lịch. “Để khắc phục tình trạng này, chúng tôi sẽ cố gắng nâng cao công tác tuyên truyền đến người dân và các đối tượng ăn xin thông qua các hình thức khác nhau. Bên cạnh đó, tăng cường phối hợp với các địa phương để phát huy vai trò, trách nhiệm của các xã, phường, người dân trong việc phát hiện các đối tượng lang thang, ăn xin; làm tốt công tác an sinh xã hội cho các đối tượng này, đặc biệt đối với trẻ em”, bà Lê Thị Mai Loan - Trưởng phòng Lao động - Thương binh và Xã hội TP. Nha Trang cho biết.


MÃ PHƯƠNG