02:01, 16/01/2019

Nước mắm Châu Sơn

Quyết giữ nghề truyền thống của ông cha, coi trọng chữ tín, chất lượng, đổi mới để phát triển. Đó là bí quyết làm nên thương hiệu nước mắm Châu Sơn.

Quyết giữ nghề truyền thống của ông cha, coi trọng chữ tín, chất lượng, đổi mới để phát triển. Đó là bí quyết làm nên thương hiệu nước mắm Châu Sơn.


“Đóng thuyền ra biển lớn”


Tiếp chúng tôi trong căn nhà 2 tầng đã cũ, vây quanh bởi các xưởng mắm, ông Nguyễn Hoài Sơn - Giám đốc Công ty TNHH Thành Sơn Nha Trang kể về con đường làm nên thương hiệu nước mắm Châu Sơn. “Ngày đó, cha vợ tôi có nghề làm mắm truyền thống, khi con cái ra riêng, ông bà chia cho mỗi đứa mấy thùng mắm, loại bằng gỗ có buộc niềng tre ở giữa. Chúng tôi quý tài sản này lắm, mãi biết ơn các cụ, sau này nhờ chúng mà chúng tôi gây dựng công việc ổn định”, ông Sơn bày tỏ.

 

Xưởng sản xuất nước mắm Châu Sơn.

Xưởng sản xuất nước mắm Châu Sơn.


Trước đây, vợ chồng ông Sơn đều là công chức nhà nước, về sau nghỉ mất sức không biết làm gì để duy trì cuộc sống. Vợ ông ở nhà phụ chồng, còn ông bươn chải bao nghề để mưu sinh. Từ chăn nuôi heo gà, sắm can cho thuê, đến mua xe tải chở mắm, nước khoáng ra Đà Nẵng. Thấy nghề tài xế nhiều rủi ro, lại lớn tuổi nên ông bán xe chuyển qua làm đại lý bảo hiểm nhân thọ. Sau nhiều trăn trở, vợ chồng ông quyết tâm trở lại nghề làm mắm.


Xã hội phát triển, nghề mắm cũng thay đổi. Cư dân làng mắm ngày càng đối mặt với sự cạnh tranh khốc liệt. Năm 2007, thị trường nước mắm chao đảo khi có nhiều “ông lớn” nhảy vào. Nước mắm thùng thay bằng nước mắm đóng chai, nước mắm không tên thay thế bởi thương hiệu, kiểu dáng bắt mắt. Gia đình ông Sơn đứng trước ngã rẽ: “thay đổi hay là chết”. Nếu không thay đổi, cư dân làng mắm sẽ lụn bại và chỉ có một cách là suốt đời làm thuê cho các doanh nghiệp lớn với tài chính, công nghệ vượt trội. Vợ chồng ông bàn tính và quyết định cho ra mắt mô hình doanh nghiệp thay cho loại hình hộ sản xuất không còn phù hợp.


“Những hộ làm ăn lớn hơn tôi nhiều, thậm chí gấp 10 lần vẫn trung thành với cách làm cũ, không chịu lên doanh nghiệp nhưng vẫn sống được là nhờ làm mắm giá rẻ nhưng quay vòng lớn. Những hộ nhỏ không chịu nổi cạnh tranh khốc liệt phải bán trại. Đó là lý do vì sao nhà tôi lọt thỏm trong các trại mắm. Tôi đã mua lại chúng - những trại mắm thua lỗ. Mình lên doanh nghiệp là để tồn tại, phải biết đóng thuyền ra biển lớn”, ông Sơn chia sẻ.


Giữ gìn uy tín, chất lượng


Nhiều người thắc mắc, tại sao Châu Sơn vẫn đứng vững trước bao sóng gió dù là doanh nghiệp nhỏ, chưa có tiếng tăm gì. Lý giải điều này, ông Sơn cho biết, không có gì ngoài việc giữ gìn chữ tín với khách hàng, tuân thủ những gì ông cha để lại trong sản xuất sản phẩm.  


Ông lưu ý, muốn có mắm ngon phải thực hiện đúng công thức truyền thống, không bớt xén nguyên liệu. Công thức muối cá vẫn là 3 muối 1 cá. Muối phải chọn loại tốt, hạt chắc, không lẫn tạp; cá cơm phải tươi, không ham rẻ mà mua cá tạp, cá nhiều dầu, chất lượng mắm sẽ kém. Nước mắm làm ra phải trong, có màu hổ phách, hương vị đậm đà.  


Châu Sơn hiện đang sản xuất 2 dòng nước mắm truyền thống là 300 và 350 đạm. Bình quân 1 năm sản lượng 400.000 lít, phân phối 1 phần cho các doanh nghiệp và các tập đoàn nước mắm. Ngoài ra, đơn vị còn bán sản phẩm nước mắm đóng chai phục vụ thị trường nội địa. Hiện nay, đơn vị có nhà xưởng rộng 1.000m2, thu hút 20 - 40 lao động. Nhờ trung thành với cách làm mắm truyền thống có cải tiến nên Châu Sơn đã giành được nhiều thành tích đáng nể. Trong 8 năm (2006 - 2014), 4 lần đoạt giải vàng: Giải vàng chất lượng an toàn thực phẩm 2006 do mạng truyền thông điện tử VFS bình chọn; Cúp vàng thương hiệu Việt uy tín chất lượng 2007 do mạng thương hiệu Việt lần 3 bình chọn; Huy chương vàng thực phẩm chất lượng an toàn vì sức khỏe cộng đồng best food 2008; Cúp Bông sen vàng 2009 Thương hiệu mạnh và phát triển bền vững do Liên hiệp Các hội khoa học và kỹ thuật Việt Nam bình chọn. Ngoài ra, còn có 3 năm liền đạt Top 100 Chất lượng vàng thủy sản Việt Nam 2009 -  2011 - 2014, bằng khen do Hội Nghề cá Việt Nam bình chọn; Top 100 Vinasats 2013 Sản phẩm thực phẩm người tiêu dùng bình chọn do Hội Tiêu chuẩn và bảo vệ người tiêu dùng khảo sát; Giải thưởng Doanh nghiệp doanh nhân xuất sắc ASEAN 2014…


Hiện nay, đơn vị liên kết với Trường Đại học Công nghiệp Thực phẩm TP. Hồ Chí Minh, Đại học An Giang hàng năm đưa 300 - 400 sinh viên đến tham quan, giao lưu, học tập về sản xuất nước mắm…


P.LÂM