12:01, 09/01/2019

Không nên coi thường 10 thay đổi nhỏ này trên cơ thể

Những thay đổi nhỏ trên cơ thể được liệt kê dưới đây có thể là dấu hiệu cảnh báo sức khoẻ của bạn đang gặp vấn đề.

Những thay đổi nhỏ trên cơ thể được liệt kê dưới đây có thể là dấu hiệu cảnh báo sức khoẻ của bạn đang gặp vấn đề.
 
Nhiều người thường xem nhẹ những thay đổi “nhỏ” tại các bộ phận trên cơ thể như môi khô, rụng lông mày, gót chân nứt nẻ... Tuy nhiên, chúng có thể là dấu hiệu của những vấn đề sức khỏe nghiêm trọng.
 
Môi khô nứt

 

Môi trở nên khô nứt có thể do dị ứng. Ảnh: Brightside.
Môi trở nên khô nứt có thể do dị ứng. Ảnh: Brightside.

 

Đôi môi khô nứt đôi khi không đơn giản chỉ do thời tiết hay thiếu nước mà còn là dấu hiệu dị ứng. Nếu thấy môi xuất hiện tình trạng này, hãy chú ý loại mỹ phẩm, sản phẩm vệ sinh răng miệng, thực phẩm và dược phẩm bạn đang dùng. Những vết nứt xuất hiện ở khóe môi có thể là dấu hiệu của việc cơ thể bạn đang thiếu vitamin B, A và E. Nếu tình trạng môi khô đi cùng mắt khô và các vấn đề về tiêu hóa, bạn nên gặp bác sĩ để tìm hiểu nguyên nhân.
 
Rụng lông mày
 
Việc lông mày rụng theo chu kỳ là hoàn toàn bình thường, nhưng nếu bạn thấy hiện tượng lông mày rụng với số lượng lớn hoặc biến mất hoàn toàn, nên đi khám bác sĩ càng sớm càng tốt. Đây có thể là dấu hiệu cho thấy hoạt động của tuyến giáp không bình thường.
 
Những thay đổi trên móng tay
 
Thay đổi về màu sắc, cấu trúc của móng tay là những “báo động” về sức khỏe. Móng tay nhợt nhạt, quá mỏng có thể là dấu hiệu của bệnh thiếu máu, thiếu sắt. Móng tay ngả vàng có thể cho thấy gan hoặc dạ dày đang gặp vấn đề hoặc bệnh nấm móng. Những đốm trắng hoặc những sọc xuất hiện trên móng tay có thể do thiếu kẽm, đồng hay iốt. Móng tay giòn, dễ gãy có thể do cơ thể thiếu vitamin, sắt, canxi và beta-carotene.
 
Môi sưng đỏ
 
Nếu đường viên môi dưới bị sưng và xuất hiện mẩn nhỏ, có thể bạn bị nhạy cảm với tia cực tím trong ánh nắng mặt trời. Trong trường hợp này, bạn nên hạn chế tiếp xúc với ánh nắng và sử dụng các sản phẩm chống nắng. Môi sưng đỏ còn có thể do dị ứng mỹ phẩm, sản phẩm vệ sinh răng miệng, thực phẩm...
 
Mặt đỏ
 
Nếu cơ thể bạn vừa trải qua một số thay đổi tự nhiên về thể chất như massage da mặt, thay đổi nhiệt độ hoặc sử dụng đồ có cồn, việc mặt bạn trở nên đỏ là hoàn toàn bình thường. Phụ nữ trên 40 tuổi cũng có thể xuất hiện tình trạng này đang trải qua thời kỳ mãn kinh.
 
Tuy nhiên, mặt đỏ có thể là dấu hiệu nhiễm trùng. Những vùng đỏ trên da mặt cùng với hiện tượng chóng mặt có thể cho thấy huyết áp không ổn định.
 
Gót chân khô nứt
 
Nguyên nhân khiến da chân trở nên khô là do sự thiếu hụt vitamin A và E. Ngoài ra, da chân khô còn có thể do cơ thể bị nhiễm nấm, gây ảnh hưởng lên lớp biểu bì. Tình trạng nấm chân thường đi kèm các dấu hiệu như những vết nứt xuất hiện trên da chân và móng chân chuyển màu vàng. Nếu tình trạng da khô, thô ráp không biến mất sau khi đã được chăm sóc và bổ sung vitamin, bạn cần hết sức chú ý vì đây có thể là dấu hiệu rối loạn nội tiết.
 
Da khô
 
Làn da thường trở nên khô trong thời tiết lạnh, nhưng tình trạng này có thể được cải thiện nhờ việc dùng kem dưỡng ẩm, uống nhiều nước và bổ sung vitamin. Nếu những biện pháp trên vẫn không thể cải thiện tình trạng làn da, bạn nên đi khám da liễu vì da khô là biểu hiện thường thấy ở những trường hợp mắc bệnh tiểu đường, nhược giáp hoặc viêm da dị ứng.
 
Chân bị biến dạng
 
Những thay đổi về hình dạng bàn chân có thể gây ra do đi giày cao gót quá nhiều, khiến áp lực phân bố không đều lên bàn chân và đặc biệt, có thể dẫn tới hội chứng bàn chân bẹt.
 
Với những người mắc hội chứng chân bẹt, gan bàn chân phẳng lì, không có vòm cung ở bàn chân. Vòm cung giúp bàn chân chịu lực, giảm phản lực từ đất dội lên khi đặt chân xuống đất. Bàn chân bẹt sẽ khiến việc đi lại trở nên khó khăn, chân đau nhức. Chứng chân bẹt còn khiến các xương cẳng chân bị xoay trong lúc đi lại, dẫn tới các khớp đầu gối cũng bị xoay lệch, gây đau, viêm hoặc thoái hóa khớp gối. Tình trạng cẳng chân bị lệch do bàn chân bẹt còn có thể ảnh hưởng tới lưng, thắt lưng, cổ.
 
Xuất hiện mảng bám màu trắng trên răng
 
Bệnh nhiễm độc flour ở răng gây ra khi sử dụng lượng lớn nước hoặc các sản phẩm có nồng độ các hợp chất chứa flour cao. Biểu hiện của bệnh là trên men răng xuất hiện các mảng bám màu trắng hoặc màu vàng, sau đó phát triển kích thước và có thể chuyển sang màu nâu. Trên men răng còn xuất hiện các vết nứt, rãnh, khiến răng trở nên dễ vỡ.
 
Rụng tóc
 
Trung bình mỗi người rụng khoảng 100 sợi tóc mỗi ngày. Các nang tóc trải qua nhiều giai đoạn phát triển kéo dài từ 2-8 năm. Khi giai đoạn này qua đi, sợi tóc sẽ rụng và một sợi mới bắt đầu mọc thay thế sau khoảng 2 tháng. Kết quả là 80-90% tóc của một người đang mọc, số còn lại rụng hoặc đang trong giai đoạn nghỉ.
 
Nếu bạn thấy hiện tượng rụng tóc số lượng nhiều và bất thường, bạn nên đi khám bác sĩ vì có rất nhiều bệnh lý nghiêm trọng đều dẫn tới hiện tượng này. Đó có thể là do nhiễm trùng da, rối loạn tuyến giáp hoặc hệ miễn dịch.
 
Bản thân mỗi thay đổi trên cơ thể đề cập đến trong bài viết có thể không hoàn toàn chỉ ra những vấn đề bệnh lý nghiêm trọng. Tuy nhiên, bạn nên chú ý đến những thay đổi trên cơ thể và trạng thái sức khỏe bản thân để kịp thời tham vấn ý kiến bác sĩ khi cần.
 
Theo Zing News