11:07, 03/07/2015

Cẩn trọng khi uống nước rong mơ

Cho rằng uống nước rong mơ giải nhiệt, nhiều người đã nấu nước uống thay trà. Người này truyền người kia, tự nấu nước uống mà không hề biết nó có tác dụng thế nào...

Cho rằng uống nước rong mơ giải nhiệt, nhiều người đã nấu nước uống thay trà. Người này truyền người kia, tự nấu nước uống mà không hề biết nó có tác dụng thế nào...


Thời gian gần đây, nhiều người dân ở vùng ven biển các xã Ninh Phước, Ninh Vân (thị xã Ninh Hòa) đã tự nấu nước rong mơ uống thay nước trà giải nhiệt, do thấy các thương lái thu mua rong mơ nhiều nên nghĩ rằng sẽ nấu nước uống được. Bà Trần Thị Hồng (thôn Ninh Tịnh, xã Ninh Phước) nói: “Không biết công dụng của nó thế nào, nhưng 2 tháng nay thấy người dân trong thôn nấu nước uống nhiều nên tôi cũng làm theo. Nghe nói thứ này làm mát cơ thể, do đó tôi nấu với đường phèn để uống. Loại cây ở trên rừng thì không dám uống chứ ở dưới biển, cá nó ăn được thì mình cũng uống được, sợ gì? Với lại phải dùng được người ta mới mua số lượng lớn như vậy”. Khi được hỏi dựa vào đâu để kết luận rong mơ có tác dụng giải nhiệt thì chúng tôi chỉ nhận được những cái lắc đầu. Mọi thông tin nói trên hoàn toàn do người dân truyền tai nhau.

 

Bà Mau đang thu rong mơ về nấu nước uống.
Bà Mau đang thu rong mơ về nấu nước uống


Tra cứu các tài liệu y học, rong mơ chứa 10 - 15% muối vô cơ (trong đó có nhiều iod 0,3 - 0,8%, asen, kali), 1 - 2% lipid, 4 - 5% protid và rất nhiều algin hay acid alginic, có vị đắng, tính mặn, có tác dụng tiêu đàm, lợi niệu. Trong các bài thuốc đông y hoặc các bài thuốc cổ phương, rong mơ cũng được dùng như một vị thuốc. Tuy nhiên, những tư liệu này không thấy đề cập đến việc dùng rong mơ nấu nước uống. Hơn thế, đa số cách dùng đều là sấy hoặc sao khô, tán bột để dùng. Chi rong mơ được chia thành gần 30 loài khác nhau, trong số đó không phải loài nào cũng tốt cho sức khỏe. Việc người dân tự ý đun rong mơ uống hàng ngày mà không hề có liều lượng và hiểu biết, sẽ rất nguy hại cho sức khỏe.


Ông Trà Đức Tuấn (thôn Đông, xã Ninh Vân) - người có kinh nghiệm đi lặn biển đã phản bác cách dùng rong mơ như hiện nay. Ông Tuấn nói: “Tôi cả đời đi lặn nhưng chưa bao giờ dám uống rong mơ. Trong rong có rất nhiều loài tảo độc bám vào, rửa không sạch uống vào bổ đâu chưa thấy, coi chừng phải đi viện thì khổ!”. Cũng theo ông Tuấn, rong mơ là nơi đẻ trứng của các loài hải sản, sau khi đẻ trứng, nhiều loài đã phun vào đó những độc tố để bảo vệ trứng của mình. Do đó, nếu những cây rong này không được rửa sạch độc tố, khi uống vào sẽ rất nguy hiểm.


Các chuyên gia về độc tố của Viện Hải dương học cho biết, có nhiều nước đã dùng rong mơ. Tuy nhiên, quy trình sử dụng của họ khá nghiêm ngặt. Thông thường, họ chiết xuất các chất cần thiết. Nếu dùng toàn thân cây thì phải rửa sạch để loại bỏ các loài tảo độc. Trong các loài cá và rong biển ở vùng rạn san hô nhiệt đới như khu vực Khánh Hòa, Ninh Thuận, Bình Thuận... thường xuất hiện loại độc tố Ciguatera (CFP). Đây là độc tố phổ biến nhất, nguồn gây độc là Gambierdiscus toxicus, một loài tảo sống xung quanh những rạn san hô sống ở đáy, gắn chặt với những tảo lớn. Độc tố CFP tăng lên khi những rạn đá hay san hô bị xáo trộn. Khi những cây rong mơ bị vi tảo có chứa độc tố CFP bám vào sẽ gây nguy hiểm cho con người. Nó tác động mạnh nhất vào dạ dày và hệ thần kinh. Do đó, người dân cần thận trọng khi dùng các loại rong biển, nếu dùng cần phải rửa thật sạch để tránh xảy ra ngộ độc.


Đình Lâm