10:12, 17/12/2013

In hóa đơn ATM: Thói quen cần từ bỏ

Tuy không cần đến nhưng nhiều người vẫn có thói quen in hóa đơn ở những máy rút tiền tự động ATM. Đây là thói quen không những làm lãng phí mà còn làm cho các điểm đặt máy ATM trở nên nhếch nhác.

Tuy không cần đến nhưng nhiều người vẫn có thói quen in hóa đơn (HĐ) ở những máy rút tiền tự động ATM. Đây là thói quen không những làm lãng phí mà còn làm cho các điểm đặt máy ATM trở nên nhếch nhác.


Rác “hóa đơn”


Mỗi ngày, có rất nhiều khách hàng giao dịch tại các máy ATM. Phần lớn khách hàng thường in HĐ sau mỗi lần giao dịch. Tuy nhiên, đa số các HĐ đó đều nhanh chóng biến thành rác ngay sau khi ra khỏi máy ATM. Rất nhiều khách hàng bấm nút “Có” cho câu hỏi của máy “Bạn có in biên lai không?” như một thói quen mà hoàn toàn không cần đến những HĐ đó, thậm chí còn không quan tâm trong HĐ ghi gì. Đây là một thói quen tưởng chừng như vô hại nhưng lại gây lãng phí lớn, đôi khi còn làm xấu hình ảnh của nhiều cột ATM bởi “rác HĐ”.


Quan sát tại một cột ATM của một ngân hàng trên đường Thái Nguyên (TP. Nha Trang) trong khoảng vài giờ, chúng thôi thấy có khoảng gần 100 lượt khách hàng giao dịch tại 3 máy ATM đặt tại đây. Trong số đó, có đến gần 90% giao dịch là có in HĐ nhưng chỉ có vài người cầm HĐ ra khỏi cột ATM. Phần lớn các HĐ được in ra đều bị vò và vứt vào thùng rác, hoặc vứt ngay xuống nền. Có một số người có in HĐ nhưng khi HĐ ra khỏi máy họ không thèm rút ra để xem. Cũng tại cột ATM này, chúng tôi thấy một khách hàng thực hiện 4 lần giao dịch rút tiền liên tiếp nhưng cả 4 lần đều in HĐ rồi vứt ngay vào giỏ rác mà không thèm đọc lại.

 

Hầu hết hóa đơn được in tại các máy ATM đều trở thành rác và làm các điểm đặt máy này trở nên nhếch nhác (ảnh chụp tại một máy ATM trên đường Thái Nguyên TP. Nha Trang).
Hầu hết hóa đơn được in tại các máy ATM đều trở thành rác và làm các điểm đặt máy này trở nên nhếch nhác (ảnh chụp tại một máy ATM trên đường Thái Nguyên TP. Nha Trang).

 

Chị Trần Thị Mai Lan (TP. Nha Trang) cho rằng, không nên in HĐ khi không thực sự cần chúng. Đối với những giao dịch như chuyển khoản, sao kê tài khoản, hay những giao dịch mà khách hàng cần giữ lại HĐ để đối chiếu thì mới nên in HĐ. Còn những giao dịch khác như giao dịch rút tiền thì việc in HĐ là không thực sự cần thiết và lãng phí.


Cùng quan điểm với chị Lan, nhưng theo anh Nguyễn Minh Hiền, trú phường Lộc Thọ, TP. Nha Trang, thói quen in HĐ lãng phí của khách hàng một phần bắt nguồn từ phía ngân hàng. Đa số các giao dịch tại máy ATM như giao dịch rút tiền, khi thực hiện máy đều hỏi “Bạn có cần in biên lai không?” và để sẵn 2 phương án “Có” và “Không”. Tâm lý của khách hàng đều muốn các giao dịch an toàn và nếu có vấn đề gì xảy ra thì còn có HĐ để đối chiếu với ngân hàng nên họ đều bấm “Có”.


Một thói quen lãng phí


Theo báo cáo của Ngân hàng Nhà nước, tính đến hết quý II năm nay, cả nước đã có 54,89 triệu thẻ thanh toán nội địa và 5,26 triệu thẻ thanh toán quốc tế. Lượng thẻ ATM này đã tương đương với 50% dân số Việt Nam hiện tại. Cùng với đề án thanh toán không dùng tiền mặt được triển khai, mà cụ thể là việc thanh toán lương qua các ngân hàng đã làm cho việc giao dịch bằng thẻ ATM trở nên phổ biến hơn. Điều đó cũng đồng nghĩa với việc lượng HĐ được in ra tại các cột ATM ngày càng nhiều.


Theo khảo sát của chúng tôi, rất nhiều khách hàng cho rằng họ biết việc in HĐ như vậy là lãng phí. Tuy nhiên, họ không quan tâm bởi họ đã trả đầy đủ các khoản phí cho ngân hàng, vì vậy nếu có lãng phí thì đó là lãng phí của ngân hàng chứ không phải lãng phí của họ. Một số khác cho rằng tờ HĐ khá nhỏ nên cũng chẳng lãng phí là bao nhiêu. Trên thực tế, mỗi lượt giao dịch khách hàng in một HĐ tuy rất nhỏ nhưng với hàng triệu giao dịch thì sự lãng phí giấy mực đó là rất đáng kể. Thiết nghĩ nếu ngành ngân hàng thu phí với việc in HĐ thì có lẽ sẽ hạn chế được thói quen này.


Xuân Nha