04:02, 02/02/2022

Kỳ vọng mới vào Khu Kinh tế Vân Phong

Đã từ lâu, Vân Phong luôn được đặt niềm tin về một khu kinh tế động lực, tạo thêm một bước phát triển mới cho tỉnh Khánh Hòa. Bước vào năm 2022, sự kỳ vọng vào khu vực này càng lớn hơn gấp nhiều lần. Vân Phong sẽ là bệ phóng đủ tầm cho Khánh Hòa vươn ra biển lớn.

 

Đã từ lâu, Vân Phong luôn được đặt niềm tin về một khu kinh tế (KKT) động lực, tạo thêm một bước phát triển mới cho tỉnh Khánh Hòa. Bước vào năm 2022, sự kỳ vọng vào khu vực này càng lớn hơn gấp nhiều lần. Vân Phong sẽ là bệ phóng đủ tầm cho Khánh Hòa vươn ra biển lớn.


Những tín hiệu vui  

 
Tuy năm 2021 có nhiều biến động nhưng cũng mở ra rất nhiều cơ hội cho KKT Vân Phong. Trong năm, Vân Phong đã thu hút được 5 dự án mới và điều chỉnh tăng vốn cho 11 dự án với tổng vốn đăng ký mới 2.531 tỷ đồng (đạt 101,2% so với kế hoạch đăng ký, trong đó có 5 dự án có vốn đầu tư nước ngoài với tổng vốn 29,89 triệu USD). Lũy kế đến thời điểm hiện tại, KKT Vân Phong đã thu hút được 155 dự án đầu tư (125 dự án trong nước và 30 dự án có vốn đầu tư nước ngoài) với tổng vốn đăng ký khoảng 4,1 tỷ USD, vốn thực hiện là 2,15 tỷ USD, đạt 52% vốn đăng ký. Trong đó, có 94 dự án đã đi vào hoạt động; 61 dự án đã được cấp giấy chứng nhận đầu tư, đang triển khai đầu tư xây dựng.

 

Lãnh đạo tỉnh đi khảo sát khu vực quy hoạch khu công nghiệp.

Lãnh đạo tỉnh đi khảo sát khu vực quy hoạch khu công nghiệp.


Trong công tác xúc tiến đầu tư, mặc dù bị ảnh hưởng nặng nề bởi dịch bệnh nhưng trong năm 2021, Ban Quản lý KKT Vân Phong đã tiếp đón rất nhiều nhà đầu tư đến nghiên cứu cơ hội đầu tư vào Vân Phong trong lĩnh vực cảng biển, logistic, khu công nghiệp, khu chức năng công nghiệp, lọc hóa dầu, điện khí, bất động sản và du lịch nghỉ dưỡng. Trong đó, có nhiều nhà đầu tư lớn như: Tập đoàn IPPG; Tập đoàn Sungroup; Công ty Cổ phần Tập đoàn Sovico; liên danh Công ty Cổ phần Tập đoàn Đầu tư Địa ốc Nova Land và Công ty Cổ phần Đầu tư Đất Tâm, Công ty Cổ phần Tập đoàn T&T, Công ty Cổ phần Tập đoàn Hòa Phát, Công ty Cổ phần Tập đoàn Flamingo, Công ty Millennium Energy (Hoa Kỳ), Tập đoàn Sumitomo (Nhật Bản), Tập đoàn FPT, Công ty Phương Đông... Dự kiến trong thời gian tới, KKT Vân Phong hứa hẹn sẽ thu hút vốn đầu tư hàng chục tỷ USD từ các nhà đầu tư lớn trong và ngoài nước.


Ông Nguyễn Trọng Hoàng - Trưởng Ban Quản lý KKT Vân Phong cho biết, việc có hàng loạt nhà đầu tư tìm hiểu cơ hội đầu tư vào Vân Phong là một tín hiệu đáng mừng. Qua đó cho thấy vai trò và tiềm năng rất lớn của khu vực này. Dù ảnh hưởng bởi dịch bệnh Covid-19 nhưng trong năm, ban vẫn tham dự hội thảo trực tuyến xúc tiến hợp tác Khánh Hòa - Ấn Độ; tổ chức đoàn công tác quảng bá khu gian hàng đầu tư phát triển công nghiệp Việt Nam tại Hội chợ VietnamExpo 2021 do Cục Thương mại - Bộ Công Thương tổ chức; tham dự diễn đàn “Nhịp cầu phát triển 2021” do Cục Ngoại vụ - Bộ Ngoại giao tổ chức; trực tuyến xúc tiến hợp tác Khánh Hòa - Xanh Pê-téc-bua... Để đáp ứng và chuẩn bị cho sự phát triển trong năm tới, mới đây, ban đã phối hợp với các địa phương tổ chức khảo sát, nghiên cứu các khu công nghiệp mới trên địa bàn tỉnh; đề xuất UBND tỉnh chỉ đạo đơn vị tư vấn nghiên cứu đưa vào phương án phát triển khu công nghiệp trong quy hoạch tỉnh Khánh Hòa thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 theo quy định của Luật Quy hoạch để có cơ sở thu hút đầu tư.


Để Vân Phong “cất cánh”


Nhằm hiện thực hóa khát vọng đưa Khánh Hòa thành một cực tăng trưởng của khu vực và cả nước, Thường trực Tỉnh ủy xác định cần phải có những bước đột phá cao hơn; xem đây là mục tiêu quan trọng, then chốt trong giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2045, yêu cầu cả hệ thống chính trị và chính quyền các cấp vào cuộc. Trong đó, nhiệm vụ đầu tiên và cấp bách chính là đẩy nhanh hoàn thành công tác lập và tổ chức triển khai Quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050; điều chỉnh Quy hoạch chung TP. Nha Trang đến năm 2040; rà soát, điều chỉnh Quy hoạch phân khu tỷ lệ 1/2000 Khu đô thị phía Tây TP. Nha Trang; điều chỉnh Quy hoạch chung KKT Vân Phong; các quy hoạch phân khu 1/2000 đối với khu vực vịnh Cam Ranh.

 

Kho xăng dầu ngoại quan Vân Phong.

Kho xăng dầu ngoại quan Vân Phong.

 

Ông Nguyễn Hải Ninh - Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy khẳng định, để Khánh Hòa tiếp tục phát triển hơn nữa thì vấn đề quy hoạch phải được đặt lên hàng đầu, chỉ có làm tốt công tác quy hoạch mới tạo được nền tảng để phát triển lâu dài. Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVIII cũng chỉ ra rất rõ, đổi mới và nâng cao chất lượng công tác quy hoạch tỉnh; tập trung cải cách hành chính, tạo môi trường đầu tư kinh doanh thuận lợi, công khai, minh bạch, bình đẳng để thu hút đầu tư xã hội chính là 1 trong 4 đột phá trong nhiệm kỳ 2020 - 2025.


Trong hành trình phát triển phía trước, khu vực Vân Phong được lựa chọn trở thành động lực chính tạo nên bước đột phá. KKT Vân Phong phải được phát triển ở tầm quốc gia, trong mối quan hệ hợp tác, cạnh tranh chiến lược với quốc tế; vai trò, vị trí của khu vực này như là tọa độ phát triển của đất nước.


Tại buổi làm việc với Thường trực Tỉnh ủy về thực hiện Kết luận số 53-KL/TW của Bộ Chính trị, ông Trần Tuấn Anh - Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng ban Kinh tế Trung ương nhấn mạnh, Vân Phong có vị trí địa lý thuận lợi, hội tụ nhiều yếu tố để phát triển đa ngành, đa lĩnh vực, trong đó có cảng trung chuyển container quốc tế, công nghiệp lọc hóa dầu, trung chuyển dầu mỏ và sản phẩm dầu mỏ, kết hợp phát triển kinh tế du lịch, dịch vụ, công nghiệp, nuôi trồng hải sản và các ngành kinh tế khác. KKT Vân Phong không chỉ là trung tâm kinh tế của tỉnh, đầu tàu thu hút đầu tư mà còn là động lực phát triển kinh tế cho các vùng lân cận và cả nước. Vân Phong phải hướng tới việc trở thành hình mẫu về phát triển kinh tế biển, nơi có sự gắn kết chặt chẽ, có tác động thúc đẩy, hỗ trợ lẫn nhau phát triển giữa các ngành công nghiệp, nông nghiệp và dịch vụ.


Đình Lâm