02:02, 02/02/2022

Thảm xanh dưới tán rừng

Dành 2-3 năm để cải tạo những mảnh đất khô cằn, hoang hóa trở lại màu mỡ; phát triển mô hình vườn cây dưới tán rừng theo 4 tầng thuận tự nhiên - đó là hành trình dài hơi của những con người thực sự tâm huyết với môi trường thiên nhiên, sức khỏe con người, mong muốn trả lại cho đất như những gì vốn có.

Dành 2-3 năm để cải tạo những mảnh đất khô cằn, hoang hóa trở lại màu mỡ; phát triển mô hình vườn cây dưới tán rừng theo 4 tầng thuận tự nhiên - đó là hành trình dài hơi của những con người thực sự tâm huyết với môi trường thiên nhiên, sức khỏe con người, mong muốn trả lại cho đất như những gì vốn có.


Trả màu mỡ cho đất


Nhiều tháng nay, mảnh vườn 3.000m2 giữa cánh đồng lúa rộng mênh mông ở thôn Phú Thọ 3 (phường Ninh Diêm, thị xã Ninh Hòa) của anh Nguyễn Hữu Lộc (sinh năm 1989) nhộn nhịp người đến tham quan và chia sẻ trên Facebook bày tỏ sự thích thú khi được ở trong một không gian xanh, ăn các các loại rau, trái cây tự hái.

 

Anh Lộc chia sẻ, cách đây 5 năm, mảnh đất của này toàn sỏi đá, bị hoang hóa không còn dinh dưỡng để trồng cây. Qua một số người quen ở TP. Nha Trang, anh biết đến mô hình vườn rừng nên bắt đầu tìm tòi, học hỏi. “Đây là mô hình đi ngược từ hiện đại về quá khứ, trước đây, thế hệ ông bà mình đều trồng cây và để phát triển thuận theo tự nhiên, không dùng hóa chất nên thực phẩm làm ra đều rất sạch và ngon. Rồi dần dần, con người lạm dụng thuốc, phân bón hóa học, khai thác kiệt quệ đất nên cây cối cũng èo uột, đất đai bỏ hoang, lãng phí. Do đó, bước đầu tên của mô hình vườn rừng là trả lại cho đất những gì vốn có của nó”, anh Lộc chia sẻ.


Để thực hiện mô hình, trong 2 năm 2016 và 2017, thấy anh Lộc không trồng bất cứ cây gì trên đất mà chỉ để tự nhiên, bỏ tiền mua mùn từ cây gỗ về để phủ lên đất; người dân thôn Phú Thọ 3 thấy vậy còn bàn tán, lắc đầu: “làm vườn kiểu đó sao có kinh tế, bao giờ mới có thu hoạch”. Nhưng đất không phụ lòng người, sau 2 năm, mảnh vườn hoang hóa của anh Lộc đất đai trở nên tươi xốp và phì nhiêu, khác xa các mảnh đất trồng lúa xung quanh ngày càng bỏ hoang rất nhiều do trồng trọt không hiệu quả. Anh Lộc bắt đầu trồng cây, gây rừng, theo hướng dẫn từ sách và làm theo. Vườn của anh được hình thành theo mô hình nông lâm kết hợp vừa trồng rừng, vừa trồng cây ăn trái: tầng cao nhất là cây keo, tầng thứ hai là chuối, tầng thứ ba là các loại cây ăn trái như ổi, cherry… và tầng phủ mặt đất là trồng rau.  Toàn bộ cành, lá cây ở các tầng trên như keo, chuối tỉa xuống sẽ là nguồn dinh dưỡng cung cấp cho đất ngày càng thêm màu mỡ. Cùng với đó, anh Lộc còn vớt bèo phủ lên tầng mặt của đất để cung cấp dinh dưỡng cho đất. Anh Lộc chia sẻ rằng: “Hiện nay, vườn đã bắt đầu cho những trái ngọt đầu tiên, khi ăn chuối và rau sạch từ vườn, người dân ai cũng khen có vị ngọt và thanh mát hơn các loại trái cây, rau mua nơi khác”.

 

Anh Lộc dùng bèo để cung cấp  dinh dưỡng cho đất.

Anh Lộc dùng bèo để cung cấp dinh dưỡng cho đất.

 

Tương tự, anh Phan Rida (TP. Nha Trang) cũng có một mảnh đất 3 ha tại thôn Suối Sâu (xã Ninh Tân, thị xã Ninh Hòa) đang áp dụng theo mô hình vườn rừng đã được 3 năm nay. Tuy chỉ mới khởi đầu, nhưng sau 3 năm phục hồi đất, mảnh đất hoang hóa, bạc màu vì sử dụng thuốc trừ sâu, phân bón hóa học, nay đã tươi xốp, màu mỡ. Anh Rida chia sẻ, đối với mô hình vườn rừng sẽ không dùng bất kỳ loại phân bón hóa chất, phân bón hữu cơ vi sinh được sản xuất công nghiệp, thuốc bảo vệ thực vật kể cả thuốc sinh học; không lệ thuộc vào nguồn giống bên ngoài thị trường, khôi phục mạch nước ngầm; không có cây nào là xấu dù là cỏ dại, không có con nào là xấu dù là con sâu rầy trong quan điểm trồng trọt; không bị tác động lệ thuộc nhiều vào các bất lợi về thiên tai, dịch bệnh và yếu tố thị trường mua bán, không tổn hại đến hệ sinh thái tự nhiên: đất, nước, khí hậu, động, thực vật.


Đồng thời, mô hình vườn rừng sẽ tự tạo tự chủ nguồn phân bón, tự kiểm soát quản lý sâu bệnh dịch hại bằng năng lực nội tại của hệ sinh thái từng vườn, tôn trọng, thuận theo mùa vụ tự nhiên trong canh tác ở từng vùng, tạo ra đa dạng sản phẩm có năng suất và chất lượng cao, tạo thành những cộng đồng trao đổi và tiêu dùng sản phẩm chất lượng…


Truyền cảm hứng trồng rừng


Không chỉ riêng anh Lộc, anh Rida mà hiện nay có những cộng đồng những người đam mê mô hình vườn rừng thuận tự nhiên trên địa bàn tỉnh đã hình thành, thu hút nhiều người tham gia và thực hiện. Nói về tương lai của mô hình vườn rừng, anh Rida chia sẻ: “Để làm được mô hình vườn rừng nông lâm kết hợp thuận tự nhiên cần rất nhiều thời gian và công sức. Do đó, điều tôi và cộng đồng người làm mô hình này hướng đến trước tiên phục hồi thiên nhiên, an toàn sức khỏe cho con người; lợi ích kinh tế có thể đến muộn nhưng bền vững, lâu dài. Và chúng tôi tin rằng, rồi trong tương lai gần con người sẽ quay lại với những giá trị tự nhiên, thuần khiết như các thế hệ trước từng làm”.


Là người hướng dẫn mô hình trồng rừng cho các chủ vườn ở thị xã Ninh Hòa anh Phạm Văn Quyết (quê ở tỉnh Nam Định), chia sẻ, những người làm mô hình vườn rừng đều mang trong mình một sứ mệnh đó là truyền đi thông điệp trồng cây, gây rừng tới người dân địa phương. Cách truyền đi thông điệp hiệu quả nhất là cho người dân địa phương thấy tận mắt sự khác biệt giữa những vùng đất đang bị khai thác kiệt quệ, hoang hóa dẫn đến bỏ hoang với vùng đất được cải tạo, nuôi dưỡng theo cách thuận tự nhiên. Từ đó, người dân sẽ dần dần thay đổi nhận thức, cách làm phát triển kinh tế theo hướng tôn trọng thiên nhiên, môi trường hơn. Đồng thời, phát triển vườn rừng sẽ tạo ra các vùng tiểu khí hậu khắp nơi mang lại giá trị bền vững thực sự cho nông dân, xã hội và môi trường.

 

Ông Đỗ Anh Thy - Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh: Việc phục hồi lại đất, trồng cây ăn quả hay cây dược liệu dưới tán rừng theo hướng thuận theo tự nhiên là cách làm cần được khuyến khích và nhân rộng vì mang lại rất nhiều giá trị to lớn cho tự nhiên và con người. Bên cạnh việc áp dụng mô hình nông lâm kết hợp ở đất rừng sản xuất, hiện nay, đối với rừng tự nhiên, Nhà nước đã cho phép và hướng dẫn cụ thể cho người dân, doanh nghiệp thuê môi trường rừng để phát triển kinh tế như làm du lịch, trồng dược liệu dưới tán rừng…

 


THÁI THỊNH