01:01, 27/01/2020

Thú vị múa cột

Trong suy nghĩ của không ít người, múa cột là một loại hình khá nhạy cảm. Ấy vậy mà trên thực tế, múa cột đã được công nhận là một môn thể thao. Hãy cùng khám phá những nét độc đáo của môn thể thao mới lạ này…
 

Trong suy nghĩ của không ít người, múa cột là một loại hình khá nhạy cảm. Ấy vậy mà trên thực tế, múa cột đã được công nhận là một môn thể thao. Hãy cùng khám phá những nét độc đáo của môn thể thao mới lạ này…
 
Tin Nguyễn, tên thường gọi của Nguyễn Ngọc Chí (28 tuổi), huấn luyện viên lớp múa cột ở Nha Trang (số 6A đường Ngô Thời Nhiệm) bắt đầu màn biểu diễn bằng việc di chuyển nhẹ nhàng quanh chiếc cột, rồi từ từ leo lên, xoay người nhào lộn, vắt vẻo trên không hết sức uyển chuyển và mềm dẻo. Trong điệu nhạc du dương, người tập cứ thế phiêu quanh chiếc cột, còn người xem được dịp mãn nhãn. 
 

 

Tin Nguyễn và Khánh Ngân  trong một màn  biểu diễn múa cột.

Tin Nguyễn và Khánh Ngân trong một màn biểu diễn múa cột.

 
. Kén người học
 
Thực tế, để có vài phút biểu diễn thành thục, Tin Nguyễn đã phải trải qua quãng thời gian tập luyện nghiêm túc và không ít đau đớn. Bởi việc điều tiết thể lực nhằm giữ cơ thể trụ vững trên cột và liên tục thay đổi tư thế không phải dễ dàng. Anh cũng luôn trau chuốt từng động tác và dành thời gian để nghiên cứu các động tác khó để các bài diễn được hoàn hảo, đẹp mắt và mới mẻ. 
 

 

Mỗi buổi tập, các học viên  lại cùng nhau tập những  động tác mới (ảnh nhỏ).

Mỗi buổi tập, các học viên lại cùng nhau tập những động tác mới 

 
Cô giáo của Tin Nguyễn, chị Diễm Ngọc được cho là một trong những người đầu tiên đưa bộ môn múa cột về Nha Trang, từ cuối năm 2012. Sau khi Diễm Ngọc ra nước ngoài, Tin Nguyễn vẫn tiếp tục theo đuổi bộ môn này và hiện là một trong những giáo viên dạy múa cột hiếm hoi ở thành phố biển. Đến nay, anh đã có 5 năm gắn bó với bộ môn này. Tin Nguyễn kể, vì yêu thích thể dục, thể thao, anh đã thử qua nhiều bộ môn như: sexy dance, zumba… Múa cột khó hơn, nhưng chính cái khó ấy tạo nên sự cuốn hút cho bộ môn này khiến anh say mê. Anh tìm tòi, trao đổi, học hỏi kinh nghiệm từ những người đi trước, người nổi tiếng và cả bạn bè ở nước ngoài. 
 

 

 
Tin Nguyễn cho biết, lớp múa cột ở Nha Trang rất khó tuyển chọn học viên vì bộ môn này kén người học. Múa cột đòi hỏi nhiều về thể lực, sự kiên trì và ý chí quyết tâm. Việc cả tay, chân, eo, đùi bầm tím, toàn thân đau mỏi khi tập với cột là chuyện thường ngày. Đã có không ít người tìm đến bộ môn này nhưng rồi từ bỏ nửa chừng vì luyện tập quá vất vả. Có những lúc, cả lớp chỉ có duy nhất 1 học viên, Tin Nguyễn toan nghỉ dạy. Nhưng thấy người học viên cuối cùng vẫn đều đều lên lớp và luyện tập miệt mài, anh cũng phải lên theo để hướng dẫn. Dần dà, số lượng học viên đã ổn định hơn. Hiện nay, lớp múa cột Nha Trang có khoảng 20 người đang theo học. Lớp học được tổ chức 3 buổi/tuần; mỗi buổi là 100.000 đồng/1 giờ luyện tập.
 
. Chung niềm đam mê
 
Học viên lớp múa cột có nhiều độ tuổi, mỗi người có một ngành nghề khác nhau, nhưng đều có chung niềm đam mê với… cột. Ở đây, hầu như không có sự phân biệt giáo viên với học sinh, mà cả thầy và trò đều như những người bạn cùng nhau học hỏi, tập luyện. Trong lúc luyện tập, huấn luyện viên luôn đặt sự đảm bảo an toàn lên hàng đầu, không lơ là dù chỉ một chút. Bản thân các học viên cũng luôn lắng nghe, theo sát sự hướng dẫn của huấn luyện viên nên chưa có sự cố gì xảy ra trong quá trình tập luyện. 
 
Trong suy nghĩ của không ít người, múa cột là một loại hình khá nhạy cảm, thậm chí là không lành mạnh. Nhưng hiện nay, múa cột đã được công nhận là một môn thể thao. Với các học viên của lớp múa cột, họ đến và gắn bó với bộ môn này vì nó không chỉ giúp họ cải thiện về sức khỏe và ngoại hình mà còn truyền thêm cảm hứng trong cuộc sống. Nguyễn Thị Khánh Ngân (29 tuổi) cho biết: “Tôi đã tập nhiều môn thể thao và cảm thấy múa cột là sự kết hợp của nhiều môn. Ngoài ra, múa cột có những điều thú vị riêng của nó. Nếu không có ý chí, bạn khó lòng vượt qua được sự sợ hãi. Đến thời điểm này, tôi cảm thấy rất yêu lớp học này, nếu như ngày nào đó lớp không còn thì tôi sẽ buồn lắm…”. 
 
Đỗ Trần Bảo Huyên (34 tuổi) ban đầu tìm đến múa cột chỉ vì tò mò, khi vừa mới hồi phục chấn thương đầu gối. Vậy mà chỉ sau 1 tuần tập luyện, chị đã cảm thấy như “bộ môn này sinh ra để cho mình”. Những ngày đầu, cơ sở vật chất phòng tập chưa đúng chuẩn, chiếc cột chỉ là thanh hành lang chứ chưa có loại cột xoay như hiện tại. Hơn nữa, do mới bị chấn thương, cơ thể không được dẻo dai nên nếu người khác tập trong 3 ngày thì chị phải tập 2, 3 tháng mới làm được. Với những động tác lật ngược, khi mọi người đều có thể biểu diễn ngay từ những ngày đầu thì chị mất cả một năm trời mới làm được. Vượt qua nỗi sợ hãi và đau đớn ban đầu, đến nay, chị Huyên đã có hơn 2 năm gắn bó với múa cột. “Đến giờ thì tôi “nghiện” múa cột rồi. Mỗi ngày đi học, mọi người sẽ có 1 động tác mới, 1 bài học mới. Chúng tôi cùng chia sẻ với nhau niềm vui và cả những đau đớn khi tập múa cột”, chị chia sẻ. 
 
Tin Nguyễn cho biết, anh muốn phát triển bộ môn múa cột ở TP. Nha Trang, từ việc duy trì lớp học, quảng bá, chiêu mộ học viên trên facebook, Instagram… Anh cũng hy vọng, các thế hệ sau sẽ góp phần đưa bộ môn này đến với nhiều người hơn nữa. 
 
HOÀNG NGÂN