07:01, 25/01/2020

Tết xưa, Tết nay

Tuy có nhiều thay đổi nhưng Tết Nguyên đán vẫn là ngày lễ cổ truyền lớn nhất, nhộn nhịp nhất của người Việt; là dịp để mọi người cùng nhau hướng đến những giá trị tốt đẹp.

Tuy có nhiều thay đổi nhưng Tết Nguyên đán vẫn là ngày lễ cổ truyền lớn nhất, nhộn nhịp nhất của người Việt; là dịp để mọi người cùng nhau hướng đến những giá trị tốt đẹp.
 
. Ăn Tết
 
Người xưa mong Tết không chỉ để được nghỉ ngơi mà quan trọng là quanh năm vất vả, bận rộn nên ăn uống đơn giản, chỉ có ngày Tết mới được ăn những món ngon. Do đó, việc chuẩn bị cho ngày Tết rất được chú trọng. Bà Nguyễn Thị Mụi (70 tuổi) vốn là người Hà Tây, Hà Nội, chuyển vào thị xã Ninh Hòa sống đã hơn 50 năm. Thế nhưng, chưa bao giờ bà quên được hương vị Tết xưa ở Bắc. Bà kể: “Hồi xưa, mỗi lần gần đến Tết, cả làng chúng tôi, nhà nào cũng phải có heo, mà phải là giống heo quê cho ăn cám nấu cây chuối, sức lớn mỗi tháng chỉ 4 - 6kg, nên để đạt trọng lượng 50 - 60kg thịt cho ngày Tết, phải nuôi từ đầu năm. Việc gói bánh chưng cũng được chuẩn bị từ rất sớm. Ngay từ đầu tháng Chạp, mọi người đã lo mua gạo nếp, đậu xanh... để sẵn. Thậm chí lá dong, lạt... cũng phải lo liệu trước, không đợi cận Tết mới sắm”. 
 

 

Hình ảnh ông đồ xưa được tái hiện những ngày trước và trong Tết.

Hình ảnh ông đồ xưa được tái hiện những ngày trước và trong Tết.

 
Nói về Tết xưa, ông Võ Văn Cang (68 tuổi), phường Phước Long, TP. Nha Trang nhớ lại, không khí Tết xưa ở đây cũng bắt đầu từ ngày 23 tháng Chạp, khi nhà nhà cúng ông Công, ông Táo. Ngày 24 trở đi, không khí Tết đã rộn rã lắm rồi. Trẻ con mua pháo lẻ ở chợ về đốt chơi đì đùng. Người lớn đi tạ mộ ông bà; lau dọn bàn thờ tổ tiên; tổng vệ sinh nhà cửa... Tết đến, bánh chưng là món ăn ngon, nếp của mình nên chẳng cần đong đếm. Ngặt một nỗi, chiếc nồi luộc được ba bốn chục cái bánh hồi ấy chỉ có năm bảy nhà giàu mới sắm được, vì vậy phải mượn chuyền tay nhau, phải dạm trước với nhà chủ để còn sắp xếp. Có nhà luộc bánh từ sáng 27 Tết, nhà mượn cuối cùng là chiều 30, tính đếm sao cho kịp trả nồi trước lúc gia chủ thắp hương đón giao thừa, tiếng pháo nổ rền mừng năm mới.
 
Trong ký ức của bà Mụi, ông Cang, những cái Tết xưa tuy không đủ đầy như bây giờ nhưng luôn rộn ràng, ấm cúng. Chiều 30 Tết, nhà nào cũng dựng cây nêu ở giữa sân. Đó là cây tre nhỏ hay cây nứa còn bánh tẻ để nguyên ngọn cong vút như cần câu, buộc lá cờ đuôi nheo xanh đỏ hoặc túm lá dứa dại làm tín hiệu chào đón “ông bà ông vải” về ăn Tết, và để ngăn trừ ma quỷ.
 
. Chơi Tết
 
Cuộc sống ngày càng đủ đầy nên việc ăn uống trong ngày Tết hiện đã không còn quá quan trọng. Nếu như xưa kia, cả năm mọi người chỉ đợi đến ngày Tết để được ăn miếng bánh chưng, thịt heo, gà... thì hiện nay bánh chưng được bán quanh năm ngoài chợ, thịt, cá bây giờ là thức ăn hàng ngày, không còn là những món ăn đặc biệt trong ngày Tết nữa. Nhiều gia đình vẫn duy trì việc gói bánh nhưng nhưng chỉ để vui, cho có không khí ngày Tết. Việc chuẩn bị Tết cũng không cầu kỳ, vất vả như trước. Mọi mặt hàng từ hoa quả, bánh trái, thực phẩm, đồ uống... đều có sẵn, chỉ dành một, hai buổi là có thể sắm đủ đầy. 
 
Tết nay, bên cạnh xu hướng về quê đón Tết của những người xa xứ, những gia đình hiện đại có xu hướng đi du lịch dịp Tết. Nhất là nhiều bạn trẻ dành thời gian nghỉ Tết cho việc vui chơi giải trí, thăm thú bạn bè hay đi du lịch... “Đầu xuân, tôi thường cùng đám bạn đi du lịch đâu đó. Vì thời gian đó, các tour du lịch và vé đi lại rất rẻ…”, bạn Đinh Diệu Hương - sinh viên Trường Đại học Nha Trang nói. 
 
Tuy vậy, người Việt vẫn duy trì và gìn giữ nhiều nét đẹp văn hóa, phong tục truyền thống như: tảo mộ, dọn dẹp trang trí nhà cửa, cúng giao thừa, xin lộc, mừng tuổi... 
 
Đặc biệt, Tết là dịp quan trọng để cả nhà sum vầy, quây quần bên nhau, cùng đón một năm mới an lành, hạnh phúc.
 
THANH TRÚC