05:01, 25/01/2020

Về Vạn Ninh ăn chả cá, lẩu mực

Vạn Ninh không chỉ có nhiều danh lam thắng cảnh kỳ thú, nổi tiếng như bãi biển Đại Lãnh, đảo Phật nằm, con đường dưới biển, điểm cực đông Mũi Đôi…, nơi đây còn có nhiều món ăn ngon làm mê đắm thực khách. 
 

Vạn Ninh không chỉ có nhiều danh lam thắng cảnh kỳ thú, nổi tiếng như bãi biển Đại Lãnh, đảo Phật nằm, con đường dưới biển, điểm cực đông Mũi Đôi…, nơi đây còn có nhiều món ăn ngon làm mê đắm thực khách. 
 
. Dai, ngọt vị chả cá
 
Chả cá Vạn Ninh không chỉ là món ăn khá phổ biến, mà còn là đặc sản của vùng đất này. Cá làm chả có thể là cá mối, cá nhồng, cá đỏ củ, cá rựa… tùy theo mùa. Tuy nhiên, để làm chả, cá phải được đánh bắt ở vùng biển Vạn Ninh, khi sơ chế vẫn phải tươi, vẩy còn lấp lánh, trên mình còn độ nhớt tự nhiên. Cá được bỏ đầu, ruột rồi rửa sạch, sau đó nạo thịt. Thịt cá được thêm gia vị gồm: tỏi, đường, tiêu, bột ngọt, muối, hành tím và đặc biệt một nguyên liệu không thể thiếu đó là lòng trứng trắng gà để tạo độ giòn, dai, tăng thêm sự kết dính. Sau đó, hỗn hợp này được xay hoặc giã nhuyễn rồi lên khuôn tròn tạo thành từng miếng có trọng lượng từ 200 - 500gram.
 

 

Một công đoạn chế biến chả cá.

Một công đoạn chế biến chả cá.

 
Tùy theo sở thích của người tiêu dùng mà người làm bếp sẽ chiên hoặc hấp chả cá. Dù chế biến cách nào thì chả cá Vạn Ninh luôn dai, ngọt, mềm giòn; nếu hấp chả sẽ ngọt và cảm nhận rõ mùi cá biển hơn, còn chiên thì chả sẽ thơm hơn. Món chả cá có thể ăn với cơm hoặc bánh canh, bún hay ăn kèm với các loại rau thơm, khế chua và chuối chát thái mỏng. Chấm miếng chả cá vào bát nước mắm pha chế với chanh, đường, ớt, tỏi, thực khách như ngất ngây với hương vị tươi ngon của biển. Miếng chả thơm và ngọt xen lẫn với hương thơm dịu nhẹ từ rau, vị mặn đậm đà của mắm như đánh thức toàn bộ vị giác. 
 

 

 
. Hấp dẫn lẩu mực
 
Ngoài chả cá, lẩu mực Vạn Ninh cũng là một trong những món ăn dân dã, đậm đà với dư vị rất đặc biệt và nổi tiếng. Thuở ban đầu, mực ở đây rất nhiều. Ngư dân khi đánh cá thường không có thời gian nấu nướng nên chỉ nấu một nồi nước sôi, khi bắt được mực nhỏ thì tiện tay cho vào nồi rồi vớt ra ăn liền. Kiểu ăn dân dã như vậy lại rất ngon. Do các làng chài ven biển sát quốc lộ nên người dân ở đây thử nấu phục vụ món này cho cánh tài xế, hành khách đường dài. Nào ngờ, món ăn này trở nên hút khách và đã trở thành một thương hiệu riêng cho vùng đất này. 
 

 

Lẩu mực Vạn Ninh luôn hấp dẫn  thực khách gần xa.

Lẩu mực Vạn Ninh luôn hấp dẫn thực khách gần xa.

 

Bây giờ, dọc Quốc lộ 1, từ thị trấn Vạn Giã đến xã Đại Lãnh, hàng quán bình dân, nhà hàng bán lẩu mực mọc san sát. Mực ở nơi đây được ngư dân đánh bắt bằng cách câu, giăng mành, nhử lồng nên còn sống nguyên. Vì vậy, lúc nào cũng có đủ các loại mực ống, mực cơm tươi rói. Khi dọn lẩu lên, con mực vẫn còn tươi nguyên, da trong veo, trên thân còn những chấm sao lấp lánh. Nước lèo được chế biến và thêm rất nhiều nguyên liệu như: gừng tươi, cà chua, rau thơm, gia vị... để có vị béo, đậm đà, chua chua và ngọt thanh. Rau ăn kèm có mồng tơi, rau má, cải xanh, bắp còi, hành tây, hành lá và một đĩa bún tươi. Khi nước lèo sôi, người ăn cho mực và rau vào, nhúng sơ là có thể thưởng thức. Gắp một con mực cơm căng tròn chấm với nước mắm nguyên chất, dằm thêm vài trái ớt xiêm xanh cay nồng, húp một chút nước lèo nóng hổi, chua chua, cay cay là hành khách quên ngay cảm giác mệt mỏi của cả hành trình. 
 
Ban đầu, khi mới mở, do nguồn mực dồi dào và tính cách phóng khoáng của dân miền biển, lẩu được bán theo kiểu “lẩu bụng”, tức là khách đến ăn no rồi tính tiền theo một giá. Giờ đây, người ta bán theo phần. Mỗi phần lẩu chừng 3 đến 4 người ăn, giá từ 150.000 đến 250.000 đồng/phần. Bà Nguyễn Thị Kim Phương (xã Vạn Thọ, huyện Vạn Ninh), chủ quán lẩu mực Phong Phú chia sẻ: “Vùng biển Vạn Ninh mùa nào cũng có mực ngon. Mực bắt lên chỉ nhỉnh hơn lóng tay một chút và tươi xanh. Khi nào có khách, chúng tôi mới bật bếp nấu”. Có lẽ, nhờ vậy mà món ăn này mãi giữ được hương vị tươi ngon, lưu dấu trong lòng thực khách thập phương... 
 
V.G