10:05, 06/05/2020

Cần tuân thủ quy định về đốt dọn nương rẫy

Những ngày qua, những ai có dịp đi trên tuyến đường đèo Cù Hin (thành phố Nha Trang đi huyện Cam Lâm) hay đường đèo Tỉnh lộ 9 (thành phố Cam Ranh đi huyện Khánh Sơn), qua các địa bàn xã Ninh Tây, xã Ninh Sơn (thị xã Ninh Hòa)… cũng dễ dàng cảm nhận được sự khắc nghiệt của mùa khô năm nay khi những thảm rừng đã trở nên "kiệt sức" trong thời tiết nắng nóng kéo dài.

Những ngày qua, những ai có dịp đi trên tuyến đường đèo Cù Hin (TP. Nha Trang đi huyện Cam Lâm) hay đường đèo Tỉnh lộ 9 (TP. Cam Ranh đi huyện Khánh Sơn), qua các địa bàn xã Ninh Tây, xã Ninh Sơn (thị xã Ninh Hòa)… cũng dễ dàng cảm nhận được sự khắc nghiệt của mùa khô năm nay khi những thảm rừng đã trở nên “kiệt sức” trong thời tiết nắng nóng kéo dài. Nhìn cây rừng đã khô giòn, cảm giác bất an xuất hiện, bởi chỉ cần một tàn thuốc bất cẩn cũng có thể khiến hàng chục héc-ta rừng bùng cháy, rất khó để khống chế.


Theo lãnh đạo Chi cục Kiểm lâm, từ đầu năm đến nay, tuy cấp dự báo cháy rừng trên địa bàn tỉnh vẫn ở mức thấp nhưng toàn tỉnh đã ghi nhận 4 vụ cháy rừng gây thiệt hại hơn 10,6ha rừng trồng tại 4 địa phương gồm: Nha Trang, Cam Lâm, Diên Khánh, Khánh Vĩnh. Dự báo từ nay đến cuối tháng 8, nguy cơ cháy rừng trên địa bàn tỉnh sẽ ở mức cao; mức cảnh báo cháy rừng trên địa bàn tỉnh sẽ tăng lên cấp nguy hiểm bất cứ lúc nào.


Trước tình hình này, các hạt kiểm lâm địa phương đang cập nhật diễn biến nguy cơ cháy rừng hàng ngày để tham mưu hiệu quả cho chính quyền về công tác phòng cháy chữa cháy rừng. Việc phân công trực chỉ huy, trực báo cháy đang được triển khai nghiêm túc. Các khu vực rừng trọng điểm, nguy cơ cháy cao đã được xác định để có phương án đối phó. Lực lượng, phương tiện cũng đã sẵn sàng để xử lý kịp thời khi đám cháy mới xảy ra… Các chủ rừng trong tỉnh cũng thực hiện nghiêm phương án phòng, chống cháy rừng đã được duyệt; làm mới, tu sửa đường băng cản lửa, các công trình phòng cháy, chữa cháy rừng; hợp đồng thêm nhân công canh coi lửa rừng; kiểm soát chặt chẽ người vào những khu vực rừng có nguy cơ cháy cao… Tuy nhiên, khi nhận diện nguy cơ cháy rừng, nhiều ý kiến lo ngại, ngoài yếu tố thời tiết, thảm thực bì dày, khô, hầu hết các diện tích rừng có nguy cơ cháy cao đều tiếp giáp với nương rẫy của người dân nên rất dễ cháy lan.


Hiện nay là cao điểm người dân các địa phương miền núi đốt dọn nương rẫy chờ mưa giông xuống để làm rẫy. Cứ mỗi khi các hộ đốt dọn nương rẫy, lực lượng chức năng lại phải căng mình phòng cháy vì sợ cháy lan từ rẫy sang rừng. Điều đáng nói là dù đã được tuyên truyền nhưng nhiều hộ, nhất là các hộ đồng bào dân tộc thiểu số không tuân thủ quy định về việc đốt dọn nương rẫy nên đã gây cháy lan vào rừng. Vì vậy, để ngăn ngừa việc cháy lan, các hộ cần tuyệt đối tuân thủ quy định như: trước khi đốt phải thực hiện các biện pháp an toàn phòng cháy; phải báo cho lực lượng kiểm lâm và chính quyền sở tại về thời gian, địa điểm phát, đốt rẫy; chỉ được đốt rẫy vào sáng sớm hoặc chiều tối khi có gió nhẹ và phải đốt ngược hướng gió…


H.L