10:03, 29/03/2018

Khó xử lý?

Tại phiên họp Thường trực HĐND tỉnh Khánh Hòa tháng 3-2018, nhiều câu hỏi được đặt ra cho 2 nhóm vấn đề nóng: quản lý du lịch và quản lý khai thác khoáng sản - được người dân, cử tri hết sức quan tâm. 

Tại phiên họp Thường trực HĐND tỉnh Khánh Hòa tháng 3-2018, nhiều câu hỏi được đặt ra cho 2 nhóm vấn đề nóng: quản lý du lịch và quản lý khai thác khoáng sản - được người dân, cử tri hết sức quan tâm. Những vấn đề đại biểu HĐND nêu tại cuộc họp đã mổ xẻ được thực trạng, những câu trả lời của các cơ quan chức năng cũng đã làm rõ được trách nhiệm, sự bất cập, thiếu đồng bộ trong công tác quản lý. Thế nhưng có lẽ, điều cử tri mong chờ hơn cả là sau phiên họp này, sẽ có những giải pháp quyết liệt hơn để chấn chỉnh những tồn tại trong 2 lĩnh vực này.
 
Cần sự quyết liệt hơn là bởi, thực tế cho thấy khi có sai phạm nào đó, của dự án nào đó xảy ra, dễ dàng nhận thấy việc khắc phục lại nguyên trạng gần như là điều không thể thực hiện. Đơn cử như dự án du lịch sinh thái ở Hòn Rùa: lấn biển trái phép với diện tích 12.870m2, xẻ núi làm đường nội bộ ngoài ranh giới được giao hơn 1.000m2; hay như dự án Nha Trang Sao lấn biển hơn 23.000m2… Vi phạm nghiêm trọng như thế, việc khắc phục trả lại hiện trạng, trách nhiệm thuộc về chủ đầu tư nhưng rõ ràng là qua các đợt giám sát cho thấy, chủ đầu tư cũng chỉ khắc phục kiểu đối phó, nộp phạt rồi tiếp tục chây ì! 
 
 
 
Dự án du lịch tại Hòn Rùa lấn biển trái phép đến nay vẫn chưa khắc phục xong.
Dự án du lịch tại Hòn Rùa lấn biển trái phép đến nay vẫn chưa khắc phục xong.
 
Cần sự quyết liệt hơn là bởi, như tình trạng cát, sỏi trái phép - dù đã nói nhiều lần, đã đặt ra nhiều giải pháp nhưng vẫn không thể nào giải quyết dứt điểm, thậm chí tình trạng này còn diễn biến phức tạp hơn. Đặt ra vấn đề quản lý ở đây, rõ ràng là thuộc chính quyền địa phương, nhưng không thể thiếu vai trò phối hợp của các ngành chức năng. Giao vai trò giám sát cho người dân nhưng nếu thiếu sự quyết liệt trong xử lý thì có giám sát đến đâu cũng là vô nghĩa. Ngày càng có nhiều bến bãi khai thác trái phép, những đối tượng ngang nhiên vi phạm, khi hỏi đến thì nhận được câu trả lời “khó xử lý” của địa phương và cơ quan chức năng. Vậy đến bao giờ mới xử lý được?
 
Mà đâu chỉ có 2 lĩnh vực này. Câu chuyện “khó xử lý” còn ở những công trình xây dựng trái phép ở xã Phước Đồng (Nha Trang), thậm chí có công trình trong vùng quy hoạch đất trồng rừng. Khi cán bộ địa chính xã đi kiểm tra, việc xây dựng vẫn diễn ra rầm rộ, ngang nhiên. Đặt câu hỏi vì sao lại có tình trạng này, chính quyền xã cho rằng “khó xử lý”, vì thẩm quyền xử phạt vi phạm, đình chỉ thi công không thuộc thẩm quyền của xã.
 
Vậy trách nhiệm của các cơ quan chức năng ở đâu? Không kiên quyết giải quyết ngay từ đầu, hậu quả về sau lại càng khó xử lý!
 
Hơn lúc nào hết, người dân cần sự quyết liệt hơn nữa từ chính quyền và các cơ quan chức năng trong việc chấn chỉnh những bất cập này. Xử lý kịp thời và nghiêm minh - ấy cũng là cách để người dân thấy rõ hơn hiệu quả của quyền giám sát.
 
LỆ HẰNG