10:06, 15/06/2022

Nỗ lực gỡ khó cho doanh nghiệp

Sáng 15-6, các ông: Nguyễn Khắc Toàn - Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh; Nguyễn Tấn Tuân - Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh; Lê Hữu Hoàng - Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh chủ trì hội nghị đối thoại doanh nghiệp lần thứ 1 - năm 2022. Hội nghị thu hút hơn 160 doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa tham gia.

 

Sáng 15-6, các ông: Nguyễn Khắc Toàn - Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh; Nguyễn Tấn Tuân - Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh; Lê Hữu Hoàng - Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh chủ trì hội nghị đối thoại doanh nghiệp (DN) lần thứ 1 - năm 2022. Hội nghị thu hút hơn 160 DN trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa tham gia.


Nhiều vấn đề vướng mắc


Tại hội nghị, ý kiến của đại diện các DN chủ yếu tập trung vào những khó khăn, vướng mắc liên quan đến các dự án đầu tư, như: Việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, điều chỉnh chủ trương đầu tư dự án, hợp đồng BT, gia hạn thời gian thực hiện dự án, việc cấp phép khai thác khoáng sản, thực hiện nghĩa vụ thuế tài nguyên. Ngoài ra, còn ý kiến liên quan đến việc chuyển đổi pháp nhân một số công ty; mở rộng ngành nghề kinh doanh; xác định giá đất…

 

Ông Trần Quốc Dũng - Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn Hưng Thịnh  kiến nghị các vướng mắc của doanh nghiệp.

Ông Trần Quốc Dũng - Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn Hưng Thịnh kiến nghị các vướng mắc của doanh nghiệp.


Ông Trần Quốc Dũng - Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn Hưng Thịnh cho biết, DN đang gặp khó khăn đối với các dự án đã ký hợp đồng BT với UBND tỉnh từ năm 2017, gồm: Dự án Hệ thống thoát nước mưa và Dự án Tuyến đường nhánh (giai đoạn 2) tại Khu du lịch Bắc bán đảo Cam Ranh. Hiện nay, cả 2 dự án đã hoàn thành, đưa vào hoạt động nhưng DN vẫn chưa được thanh toán quỹ đất hoàn vốn theo hợp đồng đã ký. Trong khi đó, theo quy định, những hợp đồng BT ký trước ngày 1-1-2018 phải được Nhà nước thanh toán cho nhà đầu tư. Ngoài ra, 2 dự án nói trên đã được Thanh tra Chính phủ, Kiểm toán Nhà nước tiến hành thanh tra, kiểm tra toàn diện và đưa ra kết luận phù hợp với quy định của pháp luật; Ủy ban Pháp luật của Quốc hội đã có văn bản cho ý kiến đủ điều kiện thanh toán quỹ đất hoàn vốn. Ngoài ra, DN còn có Dự án Tuyến đường phía tây bán đảo Cam Ranh đã ký kết hợp đồng BT từ năm 2018 phù hợp quy định. DN đã chuẩn bị nhân lực, thiết bị… nhưng đến nay vẫn chưa được tiếp tục triển khai. Vì vậy, DN kiến nghị tỉnh sớm tháo gỡ khó khăn cho DN để sớm được triển khai. Ngoài ra, DN cũng kiến nghị tỉnh sớm tháo gỡ khó khăn, vướng mắc tại các dự án như: Khu đô thị Hưng Thịnh (Golden Bay); Khu du lịch dịch vụ tổng hợp Bắc bán đảo Cam Ranh; Khu du lịch cao cấp Phát Đạt Resort (Cam Ranh Mystery)…

 

Hoạt động sản xuất tại Công ty Cổ phần Thủy sản 584 Nha Trang.

Hoạt động sản xuất tại Công ty Cổ phần Thủy sản 584 Nha Trang.


Ông Vũ Văn Hải - Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Đầu tư và Phát triển Vân Phong, kiêm Phó Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Nha Trang - Khánh Hòa kiến nghị lãnh đạo tỉnh chỉ đạo các cơ quan chức năng sớm tháo gỡ vướng mắc của công ty trong việc điều chỉnh tổng mức đầu tư, điều chỉnh giấy phép xây dựng, điều chỉnh lại giá đất để tạo điều kiện cho DN đầu tư phát triển và huy động vốn. Ông Hải cũng kiến nghị tỉnh xem xét việc chuyển đổi Cảng trung chuyển quốc tế Vân Phong (theo Quy hoạch tổng thể Vân Phong đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt) thành Cảng du lịch quốc tế, có thể phục vụ các tàu du lịch 5 sao; xem xét việc quy hoạch chung TP. Nha Trang, nhất là độ cao của các tòa nhà cao tầng cho phù hợp với tình hình thực tế.


Sau khi nghe ý kiến của các DN, lãnh đạo các sở, ban, ngành đã cơ bản giải đáp những vướng mắc mà DN kiến nghị. Đối với các vấn đề liên quan đến đất đai, điều chỉnh dự án, lãnh đạo Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Tài nguyên và Môi trường đã có những giải đáp cụ thể.


Tiếp tục đồng hành với doanh nghiệp

 

Ông Nguyễn Tấn Tuân  phát biểu  tại hội nghị.

Ông Nguyễn Tấn Tuân phát biểu tại hội nghị.

 

Theo báo cáo của Sở Kế hoạch và Đầu tư, 5 tháng đầu năm, toàn tỉnh có 910 DN thành lập mới với tổng số vốn đăng ký 10.706 tỷ đồng; 837 DN quay trở lại hoạt động, tăng 19,9% so với cùng kỳ năm trước. Tính đến ngày 26-5, tổng số DN đang hoạt động trên địa bàn tỉnh là 10.234 DN. Tính chung 5 tháng, toàn tỉnh thu hút được 5 dự án đầu tư ngoài ngân sách với tổng vốn đăng ký 436 tỷ đồng.

Phát biểu tại hội nghị, ông Nguyễn Tấn Tuân khẳng định, lãnh đạo tỉnh và các sở, ban, ngành, địa phương luôn lắng nghe, tiếp nhận và xem xét giải quyết kịp thời các kiến nghị, đề xuất của DN, nhà đầu tư. Đồng thời, mong muốn các DN tiếp tục gửi văn bản cho cơ quan có thẩm quyền để được giải quyết kịp thời những khó khăn, vướng mắc phát sinh trong hoạt động sản xuất, kinh doanh và đầu tư. Ông Nguyễn Tấn Tuân cũng đề nghị Thường trực UBND tỉnh, lãnh đạo các sở, ban, ngành, địa phương tiếp tục đồng hành với DN để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc liên quan đến công tác giải phóng mặt bằng, thủ tục đầu tư, xây dựng, đất đai…; thường xuyên tổ chức gặp gỡ, đối thoại với DN để giải quyết những tồn đọng, vướng mắc liên quan đến lĩnh vực thuế, ngân hàng. Các hội, hiệp hội DN và VCCI tại Khánh Hòa thường xuyên cập nhật thông tin, tổng hợp khó khăn, vướng mắc của DN, hội viên gửi cho các cơ quan có thẩm quyền để giải quyết. Chủ tịch UBND tỉnh cũng chỉ đạo các sở, ngành, địa phương liên quan, đối với các kiến nghị của DN tại hội nghị đối thoại lần này, nếu chưa được giải quyết cần trả lời bằng văn bản cho DN; đồng thời báo cáo về Sở Kế hoạch và Đầu tư để tổng hợp xử lý. Đối với các trường hợp vượt quá thẩm quyền, các ngành tham mưu đề xuất UBND tỉnh để giải quyết theo quy định. Đối với những vướng mắc về chính sách, UBND tỉnh sẽ có ý kiến với các bộ, ngành liên quan và Thủ tướng Chính phủ để có hướng giải quyết cho DN. Ông mong muốn các DN tiếp tục chủ động, nỗ lực vượt qua mọi khó khăn để thúc đẩy phát triển sản xuất, kinh doanh góp phần phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.


CẨM VÂN