10:06, 16/06/2022

Bế mạc Kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XV

Chiều 16-6, tại Nhà Quốc hội, Kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XV đã bế mạc sau 19 ngày làm việc. Tại kỳ họp này, Quốc hội đã xem xét, biểu quyết thông qua 5 luật, 16 nghị quyết chuyên đề và Nghị quyết chung của kỳ họp, cho ý kiến về 6 dự án luật và quyết nghị nhiều nội dung quan trọng khác.

 

. Thông qua Nghị quyết thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển tỉnh Khánh Hòa


. Thông qua chủ trương đầu tư Dự án Xây dựng công trình đường bộ cao tốc Khánh Hòa - Buôn Ma Thuột


Chiều 16-6, tại Nhà Quốc hội, Kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XV đã bế mạc sau 19 ngày làm việc.


Tại kỳ họp này, Quốc hội đã xem xét, biểu quyết thông qua 5 luật, 16 nghị quyết chuyên đề và Nghị quyết chung của kỳ họp, cho ý kiến về 6 dự án luật và quyết nghị nhiều nội dung quan trọng khác.

 

. Trước đó, trong sáng 16-6, Quốc hội đã biểu quyết thông qua Nghị quyết về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển tỉnh Khánh Hòa, với tỷ lệ tán thành đạt 95,78%, không có đại biểu nào không tán thành.


Theo đó, Quốc hội đã thông qua quy định thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù đối với tỉnh Khánh Hòa về quản lý tài chính, ngân sách nhà nước; phân cấp quản lý nhà nước trong lĩnh vực đất đai, quy hoạch, môi trường; tách dự án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư, giải phóng mặt bằng ra khỏi dự án đầu tư công; phát triển Khu Kinh tế Vân Phong và phát triển kinh tế biển tại tỉnh. Trong đó, về quản lý tài chính, ngân sách nhà nước, hàng năm, ngân sách Trung ương bổ sung có mục tiêu cho ngân sách tỉnh không quá 70% số tăng thu ngân sách Trung ương từ các khoản thu phân chia giữa ngân sách Trung ương và ngân sách tỉnh so với dự toán Thủ tướng Chính phủ giao và các khoản thu ngân sách Trung ương hưởng 100%  so với dự toán Thủ tướng Chính phủ giao, nhưng không vượt quá tổng số tăng thu ngân sách Trung ương trên địa bàn so với thực hiện thu năm trước và ngân sách Trung ương không hụt thu. Tỉnh được vay thông qua phát hành trái phiếu chính quyền địa phương, vay từ các tổ chức tài chính trong nước, các tổ chức khác trong nước và từ nguồn vay nước ngoài của Chính phủ về cho tỉnh vay lại với tổng mức dư nợ vay không vượt quá 60% số thu ngân sách tỉnh được hưởng theo phân cấp; được phân bổ thêm 45% số chi tính theo định mức dân số theo các nguyên tắc, tiêu chí và định mức phân bổ dự toán chi thường xuyên ngân sách nhà nước năm 2022 khi xây dựng dự toán chi thường xuyên ngân sách nhà nước năm 2023 và trong thời gian thực hiện Nghị quyết này. Về phân cấp quản lý nhà nước trong lĩnh vực đất đai, nghị quyết cho phép HĐND tỉnh quyết định chấp thuận chuyển mục đích sử dụng đất trồng lúa dưới 500ha; quyết định chủ trương chuyển mục đích sử dụng rừng sản xuất dưới 1.000ha theo ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ phù hợp với quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất đã được cấp có thẩm quyền quyết định. Về phát triển Khu Kinh tế Vân Phong, nghị quyết quy định rõ danh mục ngành, nghề ưu tiên thu hút đầu tư vào khu kinh tế; điều kiện về năng lực tài chính và kinh nghiệm của nhà đầu tư chiến lược; trình tự, thủ tục đăng ký thực hiện dự án và lựa chọn nhà đầu tư chiến lược; chính sách ưu đãi đối với nhà đầu tư chiến lược; nghĩa vụ của nhà đầu tư chiến lược; chính sách quản lý môi trường…


Nghị quyết của Quốc hội đã thể chế hóa, tạo cơ sở pháp lý để triển khai thực hiện Nghị quyết 09 ngày 28-1-2022 của Bộ Chính trị về xây dựng, phát triển tỉnh Khánh Hòa đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Cùng với các Chương trình hành động của Chính phủ, của Tỉnh ủy thực hiện Nghị quyết số 09 của Bộ Chính trị được ban hành trước đó, Nghị quyết trên của Quốc hội sẽ phát huy mọi tiềm năng, lợi thế, để Khánh Hòa phát triển đột phá, đảm bảo thực hiện thắng lợi những mục tiêu, nhiệm vụ đã được đề ra trong Nghị quyết 09.

 

Vân Phong được kỳ vọng là điểm đột phá từ cơ chế, chính sách đặc thù của Khánh Hòa. Ảnh: MÃ PHƯƠNG

Vân Phong được kỳ vọng là điểm đột phá từ cơ chế, chính sách đặc thù của Khánh Hòa. Ảnh: MÃ PHƯƠNG


. Cũng trong phiên làm việc sáng 16-6, Quốc hội đã biểu quyết thông qua Nghị quyết về chủ trương đầu tư Dự án Xây dựng công trình đường bộ cao tốc Khánh Hòa - Buôn Ma Thuột (giai đoạn 1), với tỷ lệ phiếu tán thành đạt 93,78%.


Nghị quyết này có ý nghĩa rất to lớn đối với hai tỉnh Đắk Lắk - Khánh Hòa nói riêng và cả khu vực Nam Trung Bộ - Tây Nguyên nói chung. Đây là dự án giao thông quan trọng có tính chất liên kết vùng, kết nối giữa các tỉnh Tây Nguyên và các tỉnh duyên hải miền Trung. Khi tuyến đường này hoàn thành sẽ là động lực quan trọng để thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, tạo điều kiện thuận lợi cho hàng hóa, nông lâm sản chủ lực của các địa phương trong khu vực được giao thương; đồng thời phục vụ nhu cầu vận tải nhanh, an toàn, thúc đẩy phát triển du lịch, kết nối giữa “rừng” với “biển”…


HẢI LĂNG