11:08, 06/08/2021

Huyện Diên Khánh cần ưu tiên hàng đầu cho công tác phòng, chống dịch

Sáng 6-8, ông Nguyễn Tấn Tuân - Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa chủ trì họp trực tuyến với huyện Diên Khánh về thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội 6 tháng đầu năm 2021, công tác phòng, chống dịch Covid-19 và giải ngân vốn đầu tư công.
 

Sáng 6-8, ông Nguyễn Tấn Tuân - Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa chủ trì cuộc họp trực tuyến với huyện Diên Khánh về thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội 6 tháng đầu năm 2021, công tác phòng, chống dịch Covid-19 và giải ngân vốn đầu tư công. 
 
 
Ông Nguyễn Tấn Tuân chủ trì cuộc họp trực tuyến.
Ông Nguyễn Tấn Tuân chủ trì cuộc họp trực tuyến.

 

Theo báo cáo của UBND huyện Diên Khánh, 6 tháng đầu năm 2021, thu ngân sách trên địa bàn huyện được gần 379,5 tỷ đồng; giá trị sản xuất công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp ước đạt hơn 4.242 nghìn tỷ đồng (tăng 3,9% so với cùng kỳ năm 2020); tổng diện tích gieo trồng cây hàng năm được gần 9,2 nghìn héc ta; cây lâu năm trồng được hơn 3,2 nghìn héc ta (giảm 1,3%). Tính đến thời điểm hiện nay, tổng giá trị giải ngân của toàn huyện chỉ được gần 62 tỷ đồng (đạt 21% so với kế hoạch vốn điều chỉnh). Hiện nay, trên địa bàn huyện có 84 trường hợp dương tính với SARS-CoV-2. 
 
 
Tại cuộc họp, sau khi nghe ý kiến của các sở, ngành, địa phương, ông Nguyễn Tấn Tuân đề nghị thời gian tới, cả hệ thống chính trị của huyện Diên Khánh cần ưu tiên hàng đầu cho công tác phòng, chống dịch Covid-19; tiếp tục triển khai nghiêm túc các quy định, chỉ đạo của Trung ương và của tỉnh về công tác này đảm bảo phù hợp với tình hình thực tiễn của địa phương. Địa phương cần xem xét và quyết định việc phong tỏa ngay một số xã có 10 trường hợp F0 trở lên để kịp thời truy vết các trường hợp liên quan đến F0; nghiên cứu việc cấm người dân ra đường không cần thiết giờ giới nghiêm (từ 19 giờ đến 6 giờ sáng hôm sau); cần có phương án cung cấp lương thực, thực phẩm cho người dân trong thời gian thực hiện giãn cách xã hội. Đối với tình hình phát triển kinh tế - xã hội, địa phương cần tăng cường công tác quản lý đất đai, nhất là đang trong thời gian thực hiện nhiệm vụ điều chỉnh quy hoạch, không để xảy ra tình trạng chuyển mục đích sử dụng đất không đúng quy định và tình trạng phân lô bán nền; hoàn chỉnh quy hoạch với định hướng địa phương sẽ nâng cấp thành thị xã. Địa phương khẩn trương thực hiện chương trình chuyển đổi vật nuôi, cây trồng mang lại hiệu quả kinh tế cao và xây dựng các mô hình phát triển về du lịch, thương mại, dịch vụ. Quản lý môi trường của các doanh nghiệp sản xuất đất, đá, bê tông, khai thác cát, kịp thời phối hợp với cơ quan chức năng xử lý các sai phạm. Đồng thời huyện cần có kế hoạch nạo vét, nâng cấp các hồ chứa nước, kênh dẫn đảm bảo lượng nước sản xuất, nươc sinh hoạt cho người dân.
 
THÀNH NAM