11:10, 21/10/2020

Cần nhân rộng tính ưu việt xã hội chủ nghĩa

Các dự thảo văn kiện Đại hội XIII của Đảng đều được thể hiện khoa học, bảo đảm vừa có tính kế thừa của các nhiệm kỳ đại hội trước, vừa bổ sung được những nội dung mới từ thực tiễn.

Các dự thảo văn kiện Đại hội XIII của Đảng đều được thể hiện khoa học, bảo đảm vừa có tính kế thừa của các nhiệm kỳ đại hội trước, vừa bổ sung được những nội dung mới từ thực tiễn.

 

Dự thảo Báo cáo chính trị đã nhìn nhận và định hướng về vấn đề xã hội và phúc lợi xã hội, nhưng còn chung chung. Tính ưu việt XHCN sẽ được thể hiện rõ nếu chính sách an sinh xã hội, phúc lợi xã hội được định hướng cụ thể. Minh chứng sinh động nhất chính là đợt đại dịch Covid-19 và cách ứng phó với đại dịch của Việt Nam, dẫn tới những kết quả rất đáng ghi nhận, thể hiện tính ưu việt XHCN. Tính ưu việt này cần được nhân rộng. Hiện nay, phần Những nhiệm vụ đột phá, chiến lược của nhiệm kỳ cũng chỉ nêu như phần đánh giá “thực hiện tốt chính sách xã hội, bảo đảm an sinh xã hội”. Chính sách xã hội vẫn bị chìm lấp trong tăng trưởng kinh tế gắn liền với phát triển văn hóa, bảo đảm tiến bộ và công bằng xã hội.


Ngoài ra, ở 2 dự thảo báo cáo đánh giá kết quả thực hiện và phương hướng nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội chưa đề cập sâu đến công tác cán bộ. Trong khi đó, việc lựa chọn, đề bạt cán bộ thực sự khách quan, dân chủ, bố trí đúng người, đúng năng lực, khách quan, không bè phái là vấn đề rất quan trọng, vì “cán bộ là cái gốc của cách mạng”; có dân chủ mới nâng cao được chất lượng công tác cán bộ, giúp kiểm soát quyền lực và phòng, chống tham nhũng. Thực tế thời gian qua, toàn quốc đã phát hiện số cán bộ, thậm chí là cán bộ cấp cao vi phạm kỷ luật, tham nhũng và bị xử lý. Nội dung về tổ chức bộ máy, cải cách hành chính cũng cần nghiên cứu, phân tích kỹ để khi cải cách tránh rơi vào tình trạng thiếu cơ sở khoa học. Cần vạch rõ lộ trình cải cách bộ máy, ưu tiên thay đổi ở những bộ phận nào gây cản trở trực tiếp. Đồng thời, tránh áp đặt khiên cưỡng, nhầm lẫn giữa việc giao chỉ tiêu cung cấp các loại dịch vụ của cơ quan nhà nước, đơn vị sự nghiệp với thực hiện dịch vụ của cá nhân, tổ chức. Đối với vấn đề đổi mới kinh tế, cần nhìn nhận sâu rộng hơn về thể chế sở hữu, lĩnh vực nào Nhà nước cần độc quyền; lĩnh vực nào cần đẩy mạnh cổ phần hóa, tránh dẫn tới tình trạng kìm hãm sức phát triển của nền kinh tế, đi ngược lại quy luật thị trường, “thể chế kinh tế thị trường định hướng XHCN vẫn chưa đồng bộ, đầy đủ” như nhận định trong dự thảo.  


Nguyễn Bình
(Xã Vĩnh Thái, TP. Nha Trang)