11:09, 29/09/2020

Góp ý 2 dự thảo luật: Những vấn đề đời sống được quan tâm nhiều

Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh vừa tổ chức lấy ý kiến góp ý 2 dự thảo: Luật Cư trú và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xử lý vi phạm hành chính, sẽ được Quốc hội xem xét thông qua tại kỳ họp giữa tháng 10. Những nội dung liên quan trực tiếp đến đời sống được đại biểu góp ý nhiều nhất.

Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Khánh Hòa vừa tổ chức lấy ý kiến góp ý 2 dự thảo: Luật Cư trú và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xử lý vi phạm hành chính (VPHC), sẽ được Quốc hội xem xét thông qua tại kỳ họp giữa tháng 10. Những nội dung liên quan trực tiếp đến đời sống được đại biểu góp ý nhiều nhất.


Nên ngừng cung cấp dịch vụ điện, nước


Một trong những nội dung của dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xử lý VPHC được thảo luận sôi nổi là chọn phương án nên hay không bổ sung quy định “ngừng cung cấp các dịch vụ điện, nước” để cưỡng chế thi hành quyết định xử phạt VPHC trong lĩnh vực xây dựng, bảo vệ môi trường có áp dụng xử phạt tước quyền sử dụng giấy phép, đình chỉ hoạt động có thời hạn. Có đại biểu băn khoăn việc ngừng cung cấp dịch vụ ảnh hưởng đến hợp đồng dịch vụ, bởi dịch vụ này được thực hiện bằng hợp đồng. Tuy nhiên, đa số ý kiến đồng tình với phương án bổ sung “ngừng cung cấp các dịch vụ điện, nước” để có thêm công cụ hữu hiệu khi cá nhân, tổ chức vi phạm không tự nguyện chấp hành quyết định xử phạt VPHC sau khi đã áp dụng các biện pháp cưỡng chế hiện hành của Luật Xử lý VPHC. Bởi thực tế, khá nhiều đơn vị không chấp hành nghiêm túc quyết định xử phạt VPHC, không tích cực có biện pháp bảo vệ môi trường, thậm chí còn tiếp tục gây ô nhiễm môi trường.


Liên quan đến biên bản VPHC, có ý kiến đề nghị bổ sung thẩm quyền lập biên bản xử phạt VPHC làm cơ sở xây dựng các nghị định chuyên ngành và bổ sung nội dung: Người có thẩm quyền lập biên bản VPHC có thể ủy quyền hoặc giao nhiệm vụ bằng văn bản cho người phụ trách công tác đó để họ lập biên bản, để phù hợp với việc tổ chức cán bộ ở cấp xã, ở đô thị… Ví dụ, cán bộ không chuyên trách cấp xã, hợp đồng lao động làm công tác quản lý trật tự đô thị - vệ sinh môi trường, nhân viên trật tự công cộng được lập biên bản xử phạt VPHC về quản lý trật tự đô thị, xây dựng, đất đai, vệ sinh môi trường, trật tự vệ sinh công cộng, xây nhà không phép trên đất nông nghiệp... Bên cạnh đó, có thực tế, đoàn kiểm tra có thể phát hiện nhiều hành vi vi phạm ở nhiều lĩnh vực trong 1 lần kiểm tra. Nếu lập một biên bản VPHC, ghi rõ từng hành vi vi phạm sẽ mâu thuẫn về thẩm quyền lập biên bản, vì công chức văn hóa không thể lập biên bản lĩnh vực lao động… Chưa kể, khi lập một biên bản, quá trình xử lý theo các nghị định chuyên ngành hoặc thực tiễn đòi hỏi phải xác minh, dẫn đến kéo dài, quá thời hiệu xử phạt. Một số ý kiến cũng đề nghị bổ sung số điện thoại người vi phạm vào biên bản để thuận tiện liên hệ, xử lý khi xử phạt qua tài khoản, dịch vụ bưu chính công ích, cổng dịch vụ công quốc gia.


Ngoài ra, cần quy định cụ thể xử lý các trường hợp đã và đang giáo dục tại cấp xã mà tiếp tục vi phạm. Dự thảo hiện quy định người đủ 14 tuổi trở lên trong 6 tháng 2 lần bị xử phạt hành chính, đã bị lập biên bản VPHC tại lần vi phạm thứ ba về hành vi sử dụng trái phép chất ma túy thì sẽ áp dụng biện pháp đưa vào giáo dục tại xã, phường, thị trấn. Tuy nhiên, sau khi đưa vào giáo dục tại cấp xã, nếu đối tượng tiếp tục sử dụng trái phép chất ma túy mà xác định không phải là người nghiện thì dự thảo lại chưa có chế tài xử lý (chỉ đưa vào cai nghiện bắt buộc với người nghiện ma túy từ đủ 18 tuổi trở lên).

 
Cần lộ trình bỏ sổ hộ khẩu


Ở dự thảo Luật Cư trú, có ý kiến nhìn nhận, việc tạo điều kiện thuận lợi hơn cho công dân trong thực hiện quyền tự do cư trú; tăng cường ứng dụng khoa học công nghệ trong quản lý cư trú là rất cần thiết. Tuy nhiên, đa số cho rằng, hiện nay, điều kiện kết nối, khai thác, chia sẻ dữ liệu cơ sở quốc gia về dân cư, cơ sở dữ liệu về cư trú với các bộ, ngành, địa phương trong quá trình xây dựng, hoàn thiện nên vẫn cần sổ hộ khẩu, sổ tạm trú chứng minh về nơi cư trú để công dân thực hiện các giao dịch dân sự có liên quan. Ngoài ra, quy định giá trị sử dụng của sổ hộ khẩu, sổ tạm trú đến ngày 31-12-2022 như dự thảo là hợp lý, tạo lộ trình tuyên truyền cho công dân dần làm quen với việc thay thế hình thức quản lý cư trú theo sổ hộ khẩu, sổ tạm trú bằng quản lý qua mã số định danh cá nhân.


Một nội dung khác cũng được thảo luận sôi nổi là quy định về điều kiện đăng ký thường trú: “Đảm bảo điều kiện về diện tích nhà ở tối thiểu do HĐND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương quy định nhưng không dưới 8m2 sàn/người”. Nhiều ý kiến cho rằng, quy định này sẽ tạo sự phân biệt đối xử thực hiện quyền cư trú của người dân giữa các địa phương, chưa phù hợp với nguyên tắc quyền tự do cư trú. Đề nghị làm rõ sự cần thiết của việc giao cho HĐND cấp tỉnh quy định diện tích bình quân chỗ ở làm điều kiện đăng ký thường trú đối với chỗ ở nhờ, đi thuê.


Nguyễn Vũ