11:06, 01/06/2020

Tiếp thêm nguồn lực giảm nghèo

UBND tỉnh Khánh Hòa vừa trình HĐND tỉnh xem xét một số nội dung và mức hỗ trợ thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2016 - 2020. Khi được HĐND tỉnh thông qua, công tác giảm nghèo sẽ có thêm nguồn lực để thực hiện các mô hình, dự án phát triển sản xuất cho người dân.

 

UBND tỉnh Khánh Hòa vừa trình HĐND tỉnh xem xét một số nội dung và mức hỗ trợ thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2016 - 2020. Khi được HĐND tỉnh thông qua, công tác giảm nghèo sẽ có thêm nguồn lực để thực hiện các mô hình, dự án phát triển sản xuất cho người dân.

 

Một góc thị trấn Tô Hạp, huyện Khánh Sơn.

Một góc thị trấn Tô Hạp, huyện Khánh Sơn.


 

Công tác giảm nghèo được quan tâm đúng mức


Lâu nay, công tác giảm nghèo luôn nhận được sự quan tâm sâu sát của các cấp, ngành trong tỉnh. Mục tiêu giảm nghèo đã được đưa vào chương trình, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội (KT-XH) và thực hiện lồng ghép với các chương trình KT-XH trọng điểm của tỉnh như: Xây dựng nông thôn mới; phát triển KT-XH vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi… Theo nhận định của UBND tỉnh, trong giai đoạn 2016 - 2019, công tác giảm nghèo trên địa bàn tỉnh đã được sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo sâu sát của cấp ủy, chính quyền địa phương các cấp. Các chế độ, chính sách về giảm nghèo được thực hiện đúng quy định. Từ đó, đời sống vật chất, tinh thần của các đối tượng yếu thế, người nghèo, đồng bào dân tộc thiểu số từng bước được cải thiện. Tính đến cuối năm 2019, tỷ lệ hộ nghèo trên địa bàn tỉnh còn 3,06% với 10.143 hộ nghèo. Như vậy, trong 3 năm (2016 - 2019), toàn tỉnh đã giảm được 17.249 hộ nghèo, bình quân mức giảm tỷ lệ hộ nghèo hàng năm là 1,66%.

 

Tuy nhiên, công tác giảm nghèo vẫn chưa mang tính bền vững cao, nhận thức của người dân, cộng đồng và các cấp chính quyền về cách thức giảm nghèo theo phương pháp tiếp cận đa chiều còn chưa rõ, dẫn đến những khó khăn trong việc triển khai thực hiện. Một số vùng, trình độ dân trí của đồng bào dân tộc thiểu số còn thấp, còn chịu ảnh hưởng nặng nề bởi các phong tục, tập quán lạc hậu. Đồng bào vẫn còn tâm lý trông chờ, ỷ lại vào sự giúp đỡ, hỗ trợ của Nhà nước. Yếu tố sản xuất nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản tại một số vùng thiếu bền vững; tác động của dịch bệnh trong chăn nuôi, giá cả nông sản thiếu ổn định vẫn còn ảnh hưởng rất lớn đến đời sống người dân, nhất là hộ nghèo. Những mô hình hay, điển hình tốt trong thực hiện công tác giảm nghèo để nhân rộng, phát huy vẫn còn hạn chế.


Cần tiếp lực


Theo lãnh đạo Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, nhằm đảm bảo thực hiện đạt hiệu quả Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2016 - 2020 trên địa bàn tỉnh, đồng thời thực hiện các quy định của Bộ Tài chính về quản lý, sử dụng kinh phí sự nghiệp thực hiện chương trình, HĐND tỉnh cần ban hành nghị quyết quy định mức hỗ trợ một số nội dung thuộc chương trình để thống nhất triển khai. Trên thực tế, các huyện Khánh Sơn, Khánh Vĩnh và các xã bãi ngang của huyện Vạn Ninh vẫn đang cần nguồn kinh phí để thực hiện các mô hình, dự án phát triển cơ sở hạ tầng, sản xuất kinh doanh cho các đối tượng hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo.

 

11

Đồng bào dân tộc thiểu số huyện Khánh Sơn chăm sóc cây mía tím. (Ảnh minh họa)

 

Lãnh đạo Ban Dân tộc tỉnh cho rằng, nội dung giảm nghèo được thực hiện lồng ghép trong các chương trình, chính sách đối với vùng đồng bào dân tộc thiểu số đã góp phần cải thiện đời sống, thay đổi cách thức sản xuất của người dân. Tuy nhiên, hiện nay, các địa phương được thụ hưởng những chương trình, chính sách này vẫn còn gặp khó khăn về kinh phí thực hiện. Nếu nghị quyết được ban hành sẽ tháo gỡ vướng mắc này cho các địa phương.


Theo số liệu tính toán của cơ quan tham mưu cho UBND tỉnh, tổng mức kinh phí để thực hiện chương trình gần 18,1 tỷ đồng. Trong đó, chi hỗ trợ dự án phát triển sản xuất, đa dạng hóa sinh kế và nhân rộng mô hình giảm nghèo cho 27 xã, thị trấn, 20 thôn thuộc Chương trình 30a và Chương trình 135 với kinh phí 15,5 tỷ đồng; chi hỗ trợ dự án phát triển sản xuất, đa dạng hóa sinh kế và nhân rộng mô hình giảm nghèo ở 8 xã ngoài Chương trình 30a, Chương trình 135 là 2,4 tỷ đồng; chi hỗ trợ công tác quản lý giảm nghèo tại 137 xã, phường, thị trấn với 164 triệu đồng. Đây là sự bổ sung cần thiết để triển khai thực hiện có hiệu quả những mô hình, dự án giảm nghèo cho người dân thuộc diện được thụ hưởng chính sách.


Theo bà Phạm Thúy Quỳnh - Phó Trưởng ban Văn hóa - Xã hội HĐND tỉnh, sau khi xem xét, nghiên cứu kỹ những nội dung liên quan đến một số nội dung và mức hỗ trợ thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2016 - 2020, các thành viên Ban Văn hóa - Xã hội thống nhất sự cần thiết ban hành nghị quyết về chương trình giảm nghèo bền vững. Tuy nhiên, nội dung, căn cứ để ban hành nghị quyết cần được bổ sung đầy đủ hơn nhằm phát huy hiệu quả khi áp dụng vào thực tế.


Giang Đình