04:04, 02/04/2020

Sống mãi ký ức ngày giải phóng

Những ngày này, các cựu binh, những người hoạt động cách mạng trực tiếp tham gia giải phóng Nha Trang - Khánh Hòa lại trào dâng ký ức hào hùng về những ngày tháng Tư lịch sử cách đây tròn 45 năm.

Những ngày này, các cựu binh, những người hoạt động cách mạng trực tiếp tham gia giải phóng Nha Trang - Khánh Hòa lại trào dâng ký ức hào hùng về những ngày tháng Tư lịch sử cách đây tròn 45 năm.


Quyết chiến trên đèo Phượng Hoàng


Cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước đã lùi xa 45 năm, song những ký ức một đời binh lửa chẳng thể nào mờ phai trong tâm trí Đại tá Nguyễn Quang Lâm (86 tuổi), nguyên Phó Chính ủy Trung đoàn 24, Sư đoàn 10 Anh hùng. Theo cách mạng đi đánh giặc từ khi còn mười tám đôi mươi, trải qua bao trận đánh ác liệt, cùng đồng chí đồng đội lập nên bao chiến công oanh liệt, nhưng trong câu chuyện với chúng tôi hôm nay, người lính già lại nhắc nhiều đến 2 trận đánh then chốt quyết định. Đó là trận đánh chiếm Sở chỉ huy Sư đoàn 23 ngụy, giải phóng thị xã Buôn Ma Thuột và trận tiêu diệt lữ đoàn dù trên đèo Phượng Hoàng, tiến xuống giải phóng Nha Trang - Khánh Hòa.

 

Kỷ niệm 45 năm ngày giải phóng tỉnh Khánh Hòa (2-4-1975 - 2-4-2020)

Kỷ niệm 45 năm ngày giải phóng tỉnh Khánh Hòa (2-4-1975 - 2-4-2020)


Sau khi cùng các lực lượng giải phóng Buôn Ma Thuột và đập tan âm mưu tái chiếm Buôn Ma Thuột của địch, Sư đoàn 10 được lệnh truy kích địch trên đường 21, đánh chiếm căn cứ Chư Cúc, tiến xuống đánh chiếm quận lỵ Khánh Dương. Nhưng khi quân ta tiến xuống đến gần đèo Phượng Hoàng thì phải dừng lại vì địch đã bố trí lực lượng mạnh, lập tuyến phòng thủ. Đặc biệt, địch đã đổ xuống 1 lữ đoàn dù khoảng 4.000 lính, với sự chi viện tối đa của pháo binh và không quân hòng lập cánh cửa thép ngăn chặn ta tiến xuống đồng bằng duyên hải. Trước tình hình đó, Tư lệnh chiến dịch và chỉ huy Sư đoàn 10 đã họp bàn lập phương án, hạ quyết tâm tiêu diệt cho được lữ dù 3 để mở thông cánh cổng đèo Phượng Hoàng. Sư đoàn 10 sử dụng lực lượng Trung đoàn 28, Trung đoàn 66 thay nhau đột phá hướng chính diện theo Quốc lộ 21. Trung đoàn 25 xuyên rừng vòng qua phía bắc đánh vào mạn sườn phòng tuyến của địch. Trung đoàn 24 cắt rừng vòng qua phía nam làm nhiệm vụ khóa đuôi địch khi chúng rút chạy và chặn đánh quân chi viện từ Lam Sơn, Dục Mỹ lên. “Trong ngày 26-3, nhận được tin vui Bộ Quốc phòng quyết định thành lập Quân đoàn 3, càng cổ vũ, tăng thêm sức mạnh chiến đấu cho cán bộ, chiến sĩ. Ngay trong đêm đó, trên tất cả các hướng, bộ đội ta đã áp sát mục tiêu và đồng loạt đánh chiếm các ụ súng, chiến hào và các cụm xe tăng của lữ dù 3. Đến chiều 1-4, trận đánh kết thúc hoàn toàn thắng lợi, ta mở toang cánh cổng thép trên đèo Phượng Hoàng để tiến xuống đánh chiếm các cứ điểm của địch ở Lam Sơn, Dục Mỹ. Sáng 2-4, các mũi tiến thẳng vào huyện lỵ Ninh Hòa, phối hợp với lực lượng vũ trang và nhân dân địa phương treo cờ giải phóng làm chủ hoàn toàn Ninh Hòa. Sau đó, thần tốc tiến vào giải phóng Nha Trang ngay trong chiều 2-4”, Đại tá Lâm nhớ lại.


Bừng bừng khí thế


Tại Ninh Hòa, từ sáng 1-4, các mũi gồm lực lượng vũ trang và đội vũ trang công tác từ nhiều hướng đã đồng loạt huy động quần chúng nổi dậy giải phóng đại bộ phận vùng nông thôn. Đến hết ngày 1-4 đã áp sát thị trấn Ninh Hòa. Tại Vạn Ninh, tối 31-3, bọn địch đã rút chạy ra đảo. Trong 2 ngày 1 và 2-4, toàn bộ vùng nông thôn và thị trấn Vạn Giã được giải phóng.


Tại Nha Trang, ngay khi tuyến phòng thủ của địch trên đèo Phượng Hoàng bị phá vỡ, đã rơi vào tình trạng hỗn loạn. Ngày 1-4, Nha Trang không còn chính quyền Sài Gòn vì công chức và sĩ quan bất chấp lệnh giới nghiêm của chỉ huy, đã tự động tháo chạy.


Ông Nguyễn Xuân Minh, nguyên Chánh văn phòng Liên huyện, thị Vĩnh Trang nhớ lại: “Sau khi nhận được thông tin địch rút chạy, tôi đã nhanh chóng về Nha Trang tổ chức tiếp quản lực lượng tù chính trị phá ngục, tổ chức đưa về cơ sở, kể cả những người ở trong Ninh Thuận. Từ ngày 2-4, tiếp tục chỉ đạo huy động lực lượng cơ sở nội thành, các đội công tác, bộ đội địa phương phối hợp với quân chủ lực Sư đoàn 10 để ổn định tình hình, tập trung giữ các cơ quan, kho tàng. Khí thế nhân dân bừng bừng, tự may cờ Mặt trận treo khắp các đường phố chào đón quân giải phóng và cùng với lực lượng cơ sở nội thành canh gác bảo vệ các cơ quan, kho tàng”.


Đã từ lâu, cứ mỗi dịp đầu tháng Tư, nhà riêng của ông Nguyễn Thành Long, nguyên Đội trưởng Đội công tác Vùng 5, Vùng 6, thị ủy Vĩnh Trang trở thành nơi hội ngộ ấm áp của những đồng chí đồng đội tham gia giải phóng Nha Trang - Khánh Hòa năm xưa. “Khi nhận được tin quân địch rút chạy, tôi lập tức triệu tập cuộc họp Đội công tác, gồm các ông: Nguyễn Đức Toàn, Trần Thanh Châu, Nguyễn Thị Đo, Đặng Đức Long và lực lượng quân đội Tiểu đoàn Đặc công 407. Rồi thống nhất một đoàn 9 người chia làm 3 mũi tiến vào nội thị Nha Trang với kế hoạch nếu điều kiện tốt thì tiếp quản, còn không thì ở lại chiến đấu luôn, chứ không thể rút về vì đã bị lộ. Trưa hôm đó, chúng tôi đã nấu một xoong cơm nhưng không ai ăn được vì quá vui mừng. Ai nấy chọn cho mình bộ quần áo mới nhất để mặc, mang theo hết súng đạn. Khi đi đến đường Duy Tân, lòng vui mừng khôn xiết mà tự nhiên nước mắt tôi cứ trào ra!”, ông Long nhớ lại. Ông Võ Cao Lầu, cựu chiến sĩ liên, trinh Thị đội Nha Trang cũng xúc động: “Phong trào cách mạng ở Nha Trang - Khánh Hòa không ngừng lớn mạnh xuyên suốt từ kháng chiến chống Pháp cho đến chống Mỹ, dù có những lúc bị khủng bố, đàn áp nhưng vẫn luôn giữ vững. Khí thế ngày giải phóng rất hào hùng, từ nhân dân cho đến các lực lượng nổi dậy. Lúc đó, chúng tôi đi đâu, cần huy động lực lượng hỗ trợ bảo vệ các cơ quan, kho tàng là người dân sẵn sàng và họ chấp hành nghiêm lắm”.


Do đang trong thời gian tập trung phòng, chống dịch bệnh Covid-19, cuộc hội ngộ năm nay tại nhà ông Long không đông đủ như các năm trước. Dẫu chỉ có dăm ba người, nhưng cuộc gặp gỡ của những người đồng chí đồng đội đã kề vai sát cánh trong suốt những năm tháng kháng chiến giành độc lập dân tộc, thống nhất đất nước, vẫn ấm áp đầy nghĩa tình. Và, hào khí về những ngày tháng Tư lịch sử lại trào dâng!


THẾ ANH