10:04, 20/04/2020

Chính sách hỗ trợ phát triển nông nghiệp và nông thôn: Người dân khó tiếp cận

Thời gian qua, huyện Khánh Vĩnh đã tích cực triển khai chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất nông nghiệp và dịch vụ nông thôn, giúp một bộ phận người dân chuyển đổi cây trồng, vật nuôi mang lại hiệu quả kinh tế cao. Tuy nhiên, số lượng hộ dân tham gia chính sách này còn hạn chế. 

Thời gian qua, huyện Khánh Vĩnh (Khánh Hòa) đã tích cực triển khai chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất nông nghiệp và dịch vụ nông thôn, giúp một bộ phận người dân chuyển đổi cây trồng, vật nuôi mang lại hiệu quả kinh tế cao. Tuy nhiên, số lượng hộ dân tham gia chính sách này còn hạn chế. 


Hiệu quả bước đầu


Những năm qua, chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất nông nghiệp và dịch vụ nông thôn trên địa bàn huyện Khánh Vĩnh được người dân quan tâm và đồng tình ủng hộ. Những diện tích vườn tạp, trồng cây hàng năm, cây lâu năm kém hiệu quả đã được người dân thay thế bằng những cây trồng có giá trị kinh tế phù hợp với điều kiện thổ nhưỡng của địa phương.

 

Giai đoạn 2017 - 2019, huyện Khánh Vĩnh có 7 xã tham gia triển khai chính sách này, gồm: Sông Cầu, Khánh Đông, Khánh Bình, Khánh Nam, Khánh Trung, Khánh Thành, Khánh Phú với tổng số 45 hộ tham gia, tổng kinh phí thực hiện hơn 5,1 tỷ đồng, trong đó ngân sách tỉnh cấp hơn 2,1 tỷ đồng, vốn người dân đối ứng gần 3 tỷ đồng. Trong số đó, có 36 hộ tham gia chuyển đổi cơ cấu cây trồng với diện tích 59,55ha từ đất trồng cây hàng năm, lâu năm chuyển sang trồng bưởi da xanh (34,35ha), sầu riêng (17,7ha), xoài (7,5ha). Kết quả, cây bưởi da xanh có tỷ lệ sống hơn 95%, một số vườn tại xã Khánh Đông nhận hỗ trợ năm 2017 đã bắt đầu cho trái; 17,7ha cây sầu riêng có tỷ lệ cây sống khoảng 70%, các hộ dân đang tiến hành trồng dặm; 7,5ha cây xoài có tỷ lệ cây sống hơn 95%. Tất cả các loại cây đều sinh trưởng và phát triển tốt, không có dịch bệnh gây hại cây trồng xảy ra.


Trong chăn nuôi gia súc, gia cầm tập trung, 9 hộ đã tham gia triển khai với mô hình nuôi bò, heo, gà. Các hộ đã được hỗ trợ 3 máy xắt cỏ cho bò, 6 máy trộn thức ăn cho trại heo, gà; hỗ trợ hệ thống làm mát, nước uống trong trại để giảm chi phí nhân công, rút ngắn thời gian chăn nuôi.


Trong lĩnh vực ứng dụng công nghệ cao, huyện Khánh Vĩnh đã hỗ trợ hệ thống xử lý phối trộn giá thể cho Công ty TNHH Nông nghiệp Thương mại bền vững Diệp Châu nhằm giảm công lao động từ 12 người xuống còn 7 người, tăng năng suất từ 30 bầu/giờ lên 120 bầu/giờ.

 

Mô hình trồng bưởi da xanh tại huyện Khánh Vĩnh.

Mô hình trồng bưởi da xanh tại huyện Khánh Vĩnh.

 

Tỷ lệ tham gia chưa cao


Theo lãnh đạo UBND huyện Khánh Vĩnh, huyện đã lập kế hoạch kiểm tra, giám sát về kết quả thực hiện chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất nông nghiệp và dịch vụ nông thôn ở các xã với tần suất 2 lần/năm. Công tác kiểm tra, giám sát của UBND cấp xã được tiến hành thường xuyên, nhằm khắc phục kịp thời những thiếu sót, bất cập nảy sinh trong quá trình triển khai thực hiện chính sách. Nhờ đó, việc triển khai chính sách luôn bám sát nhu cầu của các hộ dân.


Tuy nhiên, theo lãnh đạo huyện, để tham gia chính sách này, người dân phải thực hiện đối ứng vốn. Vì vậy, việc tiếp cận chính sách hỗ trợ chỉ dừng lại ở một số hộ có điều kiện kinh tế, đối với những hộ cận nghèo, hộ nghèo khó có điều kiện thực hiện. Giai đoạn 2017 - 2019, triển khai thực hiện chính sách tại các địa phương chỉ có 7/13 xã tham gia, chiếm 53,9% tổng số xã trên toàn huyện; tổng số hộ tham gia chỉ đạt 32,85% so với kế hoạch đề ra; diện tích thực hiện chuyển đổi cơ cấu cây trồng chỉ đạt 33,37%; chăn nuôi gia súc tập trung đạt 100%; ứng dụng công nghệ cao đạt 50%; kinh phí thực hiện đạt 34,99% so với kế hoạch.


Ông Nguyễn Văn Thuận - Phó Chủ tịch UBND huyện Khánh Vĩnh cho biết, từ kết quả thực hiện trên, địa phương đã kiến nghị HĐND tỉnh tiếp tục thực hiện Chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất nông nghiệp và dịch vụ nông thôn cho giai đoạn 2021 - 2025, để giúp người dân nâng cao thu nhập nhằm hướng tới đạt tiêu chí số 10 trong Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới. Tuy nhiên, để giúp người dân dễ dàng tiếp cận hơn với chính sách, địa phương đề nghị HĐND, UBND tỉnh xem xét phê duyệt kế hoạch chuyển đổi chung giai đoạn 2021 -  2025 thay vì chuyển đổi từng năm một; đối với 2 huyện miền núi Khánh Sơn, Khánh Vĩnh, điều chỉnh định mức hỗ trợ chi phí mua giống, vật tư nông nghiệp là 70%; chi phí thủy lợi 20 triệu đồng/ha.


V.THÀNH