10:09, 18/09/2019

Chính sách hỗ trợ phát triển nông nghiệp: Cần tiếp tục duy trì

Ban Kinh tế - Ngân sách HĐND tỉnh Khánh Hòa vừa tổ chức khảo sát việc thực hiện chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất nông nghiệp và dịch vụ nông thôn trên địa bàn tỉnh. Qua khảo sát cho thấy, chính sách này cần tiếp tục được duy trì nhưng phải chỉnh sửa một số nội dung cho phù hợp hơn với thực tế.

 

Ban Kinh tế - Ngân sách HĐND tỉnh Khánh Hòa vừa tổ chức khảo sát việc thực hiện chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất nông nghiệp và dịch vụ nông thôn trên địa bàn tỉnh. Qua khảo sát cho thấy, chính sách này cần tiếp tục được duy trì nhưng phải chỉnh sửa một số nội dung cho phù hợp hơn với thực tế.


Phát huy hiệu quả


Tại khu vực sản xuất của Tổ hợp tác trồng hẹ thôn Phước Thuận, xã Ninh Đông, thị xã Ninh Hòa, hoạt động sản xuất diễn ra khá sôi nổi. Ông Lê Đức Trí - Tổ trưởng Tổ hợp tác cho biết, cây hẹ có thể cho thu hoạch 11 lứa mỗi năm. Với 1.000m2 hẹ, sau khoảng 1 tháng trồng, trừ hết chi phí, nông dân thu lãi 6 triệu đồng. Với kết quả đó, tại Ninh Đông không chỉ 1 mà có tới 2 tổ hợp tác trồng hẹ với 36 thành viên, tổng diện tích sản xuất hẹ là 40.000m2. Cả 2 tổ đều được nhận sự hỗ trợ từ chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất nông nghiệp và dịch vụ nông thôn với kinh phí hơn 174 triệu đồng.

 

Mô hình trồng hẹ ở thôn Phước Thuận đang mang lại hiệu quả.

Mô hình trồng hẹ ở thôn Phước Thuận đang mang lại hiệu quả.


Tại xã Diên Đồng, huyện Diên Khánh, những diện tích mía đường cũng đã dần được thay thế bởi cây bưởi, mít và xoài. Chất đất ven sông được phù sa bồi đắp giúp cho những vườn cây ăn quả như: bưởi, mít, xoài… từ 2 đến 4 năm tuổi trở nên xanh tốt, hứa hẹn bội thu. Theo ông Hoàng Kỳ Vũ - Chủ tịch UBND xã Diên Đồng, những năm qua, cây mía đường không còn hiệu quả nên nông dân không mặn mà, diện tích mía, vì thế từ 960ha mía năm 2014 nay chỉ còn 400ha. Thay vào đó, hoạt động chuyển đổi sang trồng cây ăn quả diễn ra khá mạnh mẽ, nhất là từ năm 2017 đến nay, khi chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất nông nghiệp và dịch vụ nông thôn được triển khai. “3 năm qua, toàn xã có 50ha cây ăn quả được hỗ trợ với tổng kinh phí gần 1,4 tỷ đồng. Thực tế, nhu cầu chuyển đổi cây trồng trên địa bàn xã rất lớn. Chúng tôi rất mong tỉnh tiếp tục triển khai chính sách này và có giải pháp đẩy mạnh hơn nữa nhằm hỗ trợ người dân trong quá trình chuyển đổi cơ cấu kinh tế”, ông Hoàng Kỳ Vũ bày tỏ.


Chính sách hỗ trợ cần phù hợp hơn


Theo báo cáo của UBND tỉnh, sau 3 năm thực hiện (từ năm 2017 đến 2019), chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất nông nghiệp và dịch vụ nông thôn đã phát huy hiệu quả. Trong 7 nội dung hỗ trợ mà chính sách này hướng đến, nội dung chuyển đổi cây trồng được chú trọng hơn. Các nội dung khác như: hỗ trợ chăn nuôi tập trung; ứng dụng công nghệ cao; cơ sở giết mổ gia súc gia cầm tập trung… chưa thu hút được nhiều dự án, phương án sản xuất đủ tầm để có thể được hỗ trợ.


Cụ thể, trong số hơn 44 tỷ đồng ngân sách tỉnh hỗ trợ nông dân, có gần 42,3 tỷ đồng hỗ trợ chuyển đổi hơn 1.600ha từ đất trồng cây hàng năm, lâu năm kém hiệu quả sang trồng rau màu, cây ăn quả. Còn lại hơn 1 tỷ đồng hỗ trợ trang trại chăn nuôi heo tập trung; 500 triệu đồng hỗ trợ ứng dụng công nghệ cao; hơn 371 triệu đồng hỗ trợ lãi suất vay vốn sản xuất diêm nghiệp, ngành nghề nông thôn.


Tuy đạt được kết quả trên, nhưng việc thực hiện chính sách vẫn còn một số khó khăn, bất cập như: Một số thủ tục thanh quyết toán còn khá phức tạp, gây khó khăn cho người nông dân trong quá trình hoàn thiện hồ sơ để được hỗ trợ; loại đất lâm nghiệp nằm ngoài quy hoạch 3 loại rừng với hiện trạng trồng cây hàng năm, lâu năm khá phổ biến, người dân muốn chuyển đổi cây trồng nhưng không được thụ hưởng chính sách do không nằm trong danh mục được hỗ trợ. Một số yêu cầu về quy mô, diện tích để được hỗ trợ cần phải nghiên cứu thay đổi theo hướng phù hợp hơn với tình hình sản xuất và dịch vụ nông thôn; tiến độ giải ngân kinh phí hỗ trợ một số dự án còn chậm; một số nội dung hỗ trợ chưa sát với thực tế, chưa đủ mạnh để khuyến khích nên chưa nhận được sự quan tâm của người dân…


Theo ông Nguyễn Ngô - Trưởng ban Kinh tế - Ngân sách HĐND tỉnh, trưởng đoàn khảo sát, qua làm việc với các địa phương, sở, ngành liên quan và tìm hiểu thực tế tại nhiều mô hình kinh tế thụ hưởng từ chính sách này, đoàn khảo sát đánh giá việc thực hiện chính sách bước đầu đã phát huy hiệu quả, tạo động lực giúp người dân phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập. “Đây là một chính sách cần thiết, cần tiếp tục triển khai trong thời gian tới. Tuy nhiên, để chính sách thêm hoàn thiện, đoàn khảo sát đã đề nghị Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp với các địa phương tiếp tục rà soát những khó khăn, vướng mắc, những nội dung chưa phù hợp, nguyên nhân và hướng giải quyết, để Ban Kinh tế - Ngân sách xem xét, trình HĐND tỉnh hoàn thiện hơn nữa chính sách này”, ông Ngô nói.


Hồng Đăng